Vào những ngày này, nhà vườn trồng măng cụt ở xã Tiên Mỹ đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch trái măng cụt. Măng cụt là loại cây dễ canh tác, ít sâu bệnh, chống chịu bão tốt. Trải qua thời gian hàng trăm năm có mặt trên mảnh đất Xứ Tiên, măng cụt đã thể hiện rõ nét tính thích nghi của mình đối với khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán canh tác của người dân Tiên Phước. Tuy nhiên, đa phần nhà vườn ngại trồng vì phải mất 8 - 10 năm cây mới cho trái bói. Từ năm thứ 10 đến 12 cây dần ổn định, ra trái theo từng năm. Nhưng bù lại năng suất từ 5 - 6 tấn/ha và giá bán thường cao hơn các loại trái cây khác. Hiện nay, giá bán bình quân 1 kg măng cụt giao động từ 70.000 – 80.000 đồng/kg, tương đương với thu nhập 350 – 400 triệu đồng/ha.
Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái là một trong 3 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII. Với định hướng phát triển như trên, trong chương trình công tác năm 2024, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp phối hợp với UBND xã Tiên Mỹ xây dựng mô hình sản xuất trái măng cụt theo tiêu chuẩn VietGap cho các hộ dân sản xuất măng cụt trong thời kỳ kinh doanh trên địa bàn xã. Với tổng diện tích 10ha măng cụt trong thời kỳ kinh doanh với sản lượng khoảng 50 tấn quả tươi được chứng nhận VietGap, 54 hộ trong Tổ hợp tác sản xuất trái măng cụt VietGap Tiên Mỹ dự kiến thu về từ 3,5 – 4 tỷ đồng trong vụ sản xuất năm 2024. Đây là một dấu mốc quan trọng để dần dần đưa các loại cây trồng khác tiếp tục phát triển theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo nên sự liên kết trong sản xuất từ các hộ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, từ đó từng bước xây dựng thương hiệu cho cây măng cụt huyện.
Song song với việc sản xuất theo tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Để phát triển thương hiệu Măng cụt xứ Tiên, Hợp tác xã Nông nghiệp & Kinh doanh dịch vụ Tiền Phong đã xây dựng nhãn hiệu, phát triển mặt hàng trái Măng cụt tươi và được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Qua đó, thúc đẩy thương mại, sản phẩm trái măng cụt xứ Tiên bước khởi đầu vươn ra thị trường toàn quốc.