Sáng ngày 15.02, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh làm việc với UBND huyện Tiên Phước về tình hình triển khai Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 02/11/2020 của HĐND tỉnh quy định nội dung và mức chi hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 13/01/2021 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2021-2025. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Đức - UVTT HĐND, Trưởng Ban KT-NS làm trưởng đoàn, các đồng chí thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách, lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; đại diện các Sở: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND huyện Tiên Phước và các bộ phận chuyên môn có liên quan; phóng viên Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tham dự và đưa tin.

Quang cảnh buổi làm việc.
Báo cáo với Đoàn khảo sát, UBND huyện cho biết, trong những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND huyện, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên toàn huyện bước đầu đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng khởi nghiệp góp phần truyền cảm hứng, nhiệt huyết cho thanh thiếu niên, phụ nữ trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đã thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo huyện Tiên Phước với số lượng 35 thành viên, bà Nguyễn Thị Tố Nga là Chủ tịch CLB Khởi nghiệp sáng tạo huyện Tiên Phước nhiệm kỳ 2021 - 2026. Huyện nhà đã lồng ghép nhiều nguồn kinh phí, xây dựng các kế hoạch hoạt động theo chương trình khởi nghiệp của tỉnh nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp đầu tư máy móc thiết bị, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia nhiều Hội chợ, phiên chợ trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Trong năm 2021, 2022 huyện Tiên Phước có 03 dự án ý tưởng được công nhận: Mỳ ngũ sắc (Hứa Đại Dương, HTX Địch Yên), Chuối tươi sấy dòn Tiên Phước – Snack chuối bana (Lương Thị Mỹ Trinh, Tiên Hiệp); Phát triển sản phẩm từ dừa (Nguyễn Thị Trang, Tiên Lãnh)

Đại hội CLB Khởi Nghiệp huyện Tiên Phước lần thứ 1
Về chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, Tiên Phước là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng và chất lượng sản phẩm với 36 sản phẩm được công nhân 3 sao trở lên, gồm 15 sản phẩm 4 sao, 21 sản phẩm 3 sao. Hầu hết chủ thể là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; bước đầu xây dựng được các nhóm sản phẩm OCOP cũng như các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương có năng suất, chất lượng tốt như: nhóm sản phẩm thảo dược, nhóm sản phẩm trầm hương, nhóm sản phẩm dầu gấc, dầu mè, dầu phộng, nhóm sản phẩm mì bún, nhóm sản phẩm trái cây…

Trưng bày sản phẩm OCOP huyện Tiên Phước
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai nghị quyết trên còn một số hạn chế, khó khăn nhất định. Các tổ chức, cá nhân bước đầu khởi nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn, thiếu kiến thức và kinh nghiệm, đầu ra sản phẩm; nhiều ý tưởng khởi nghiệp còn manh nha, chưa thật sự quyết tâm, chưa đầu tư nghiên cứu sâu nên khó hiện thực hóa; cán bộ phụ trách Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp huyện, xã chủ yếu kiêm nhiệm, phụ trách nhiều lĩnh vực chuyên môn, chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; công tác phối hợp, hỗ trợ giữa các ngành chưa được thường xuyên và chặt chẽ. Hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn lúng túng trong cách tổ chức hoạt động, điều hành, phương hướng hoạt động của Hội; chưa thành lập Quỹ khởi nghiệp do khó khăn về việc huy động quỹ. Một số sản phẩm OCOP mẫu mã bao bì còn đơn giản và chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, logo... Công tác tiếp thị, xúc tiến thương mại của nhiều chủ thể chưa tốt, bên cạnh đó do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên trong thời gian qua sản phẩm làm ra của các chủ thể tiêu thụ chậm; một số sản phẩm mang tính mùa vụ, chưa có vùng nguyên liệu ổn định…
Phát biểu tại buổi khảo sát lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND huyện kiến nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đồng thời quan tâm bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các chủ thể tham gia thực hiện Chương trình Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Chương trình OCOP. Tiếp tục có cơ chế hỗ trợ cho các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện để nâng cao hiệu quả hoạt động (hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực….); các sở ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm đào tạo chuyên sâu cho các bộ theo dõi, thực hiện chương trình OCOP các cấp. Hỗ trợ kết nối xúc tiến thương mại để đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm cho các chủ thể, tìm hiểu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ban điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh: Có kế hoạch hướng dẫn hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của Hội Khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện để hoạt động khởi nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ; Tổ chức đào tạo chuyên gia cấp huyện về giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức các Hội thảo/Diễn đàn khởi nghiệp chuyên sâu từng lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp.
Phát biểu kết luận buổi Khảo sát, Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đánh giá cao huyện Tiên Phước trong việc triển khai các Nghị quyết của HĐND tỉnh trên lĩnh vực khởi nghiệp và sản phẩm OCOP, ghi nhận, tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của huyện Tiên Phước và ý kiến tham gia của các đại biểu. Đoàn sẽ tiếp tục làm việc với một số địa phương, sở ngành chuyên môn theo Kế hoạch, tổng hợp báo cáo HĐND tỉnh. Cuối buổi làm việc, Đoàn khảo sát thực tế một số doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn huyện Tiên Phước.