Chị Phan Vũ Hoài Vui, sinh năm 1989 tại thôn Tiên Phú Tây, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, cũng như bao người khác, sau khi hoàn thành chương trình học tập, lập nghiệp nơi xứ xa, nhận thấy lợi thế vùng bán sơn địa này chưa được khai thác, qua nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tại một số địa phương trong nước, chị mạnh dạn đầu tư, kêu gọi đầu tư, khởi nghiệp từ “Mo cau”, biến những điều tưởng không thể thành có thể.

Bắt đầu từ năm 2020, khi đợt dịch Covid 19 kéo dài, Vui về quê và bắt đầu với ước mơ khởi nghiệp từ chiếc mo cau của mình, xác định dòng sản phẩm đầu tiên là những vật dụng trong sinh hoạt hay du lịch thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần như Túi ny lon, hộp cơm, chén, dĩa. Sau bao trăn trở, tìm hiểu các loại máy móc công nghệ có thể sản xuất ra các loại chén, dĩa, hộp cơm tách trà từ mo cau. Từ nguồn vốn ban đầu được tích góp qua nhiều năm dành dụm Chị đã liên hệ đặt mua máy dập mo cau từ Ấn Độ, chiếc máy đầu tiên về quê là cả một quá trình khó khăn, trong điều kiện dịch bệnh, phải vận chuyển bằng đường biển, gần 01 năm mới nhận được máy về quê.
Khắc phục khó khăn về vốn, với nguồn vốn vay 170.000.000 đồng của Hội Phụ nữ huyện và NHCSXH huyện cùng với nguồn vốn huy động từ người thân gia đình, chị mạnh dạn đăng ký thành lập nên HTX Nông nghiệp Kỹ nghệ Quảng Nam tại Tiên Mỹ, từng bước hiện thực hóa dự án sản xuất và kinh doanh sản phẩm gia dụng từ mo cau. Đây là dự án duy nhất của tỉnh Quảng Nam lọt vào Vòng chung kết cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2021 và nhận được giải thưởng “Chắp cánh tài nguyên bản địa” trị giá 100 triệu đồng và nằm trong Top 24 dự án khởi nghiệp tiêu biểu. Là sản phẩm được công nhận OCOP huyện.
Thuận lợi là nguồn nguyên liệu Mo cau, bẹ cau rụng từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, thời điểm người dân thu hoạch dễ dàng. Quy trình sản xuất cũng không có nhiều sự phức tạp. Đầu tiên, mo cau khi mới rụng được phơi khô, đưa về xưởng phân loại, sau đó mang vào nước ngâm, rửa sạch. Tiếp theo, cho vào máy ép theo khuôn khác nhau như dĩa tròn, dĩa vuông, chén to, chén nhỏ, muỗng,... sau đó đưa vào kiểm tra chất lượng sản phẩm và tiếp tục đưa vào máy khử khuẩn để bảo đảm an toàn vệ sinh sản phẩm, cuối cùng là đóng gói nhập kho và phân phối. Những sản phẩm đầu tiên sau bao ngày mong mỏi đã được đóng gói và xuất đi với niềm vui dâng trào đến nghẹn ngào, vậy là mo cau xứ Tiên đã được mọi người biết đến với nhiều hình dáng xinh xinh góp phần giải quyết việc làm cho người dân và giảm bớt gánh nặng về ô nhiễm môi trường.
Mỗi tháng, HTX của chị tiêu thụ từ 30.000 – 40.000 bẹ, mo cau. Giá mỗi bẹ, mo cau không đáng là bao nhưng với số lượng thu mua nhiều thì mỗi tháng một gia đình ở quê cũng kiếm được một khoản từ công thừa, công xắp để có thêm thu nhập cho gia đình. Trong mỗi quý, giá trị thu mua bẹ, mo cau là 200 triệu đồng, qua đó dự tính trung bình một năm HTX thu mua từ các hộ dân từ 300.000 – 400.000 bẹ, mo cau nhằm mang lại lợi ích kinh tế, góp phần nâng cao giá trị phế phẩm nông dân trồng cau cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn. Giải quyết trực tiếp cho 4-6 lao động nữ tại địa bàn.
Hiện tại, HTX có 16 mẫu sản phẩm gồm khay, chén, đĩa, muỗng, hộp và quạt làm hoàn toàn từ bẹ, mo cau tự nhiên, thay thế hộp xốp, nhựa giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường và an toàn cho sức khỏe của người sử dụng. Hiện sản phẩm từ mo cau của chị Vui đã có mặt ở các thành phố lớn, nhiều khách sạn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hội An,… Trong tương lai, mục tiêu của Chị vẫn là tìm hướng xuất khẩu. Năm 2021, doanh nghiệp đã xuất khẩu đi Hà Lan hàng chục nghìn sản phẩm và nhận được tín hiệu tích cực, thị trường tiêu thụ tốt, thị hiếu người tiêu dùng cũng cao. Vì vậy, chị đang gửi mẫu hàng và tìm cách liên kết với các đối tác khác ở Mỹ, Nhật Bản,…
Cuối năm 2022, được sự hỗ trợ của dự án Thủ Công Mỹ Nghệ một lần nữa mo cau đã được chú ý và đã được mời các nghệ nhân phát triển sản xuất thủ công mỹ nghệ của mo cau từ những chiếc mo được chằm đựng rau, múc nước thành những giỏ gói quà, khay đựng giấy, dép đi trong nhà, chiếc bông tai, hoa cài áo,… rất đẹp mắt và hy vọng mo cau xứ Tiên sẽ được Chị mang ra thị trường thế giới. Với quá trình hình thành khởi nghiệp mang lại thành công cho mo cau đã thấy được sự quyết tâm của Chị người con quê hương đem những tâm huyết, những học thức về đồng hành cùng người dân quê mình, chị thật sự là gương sáng trong phong trào khởi nghiệp.

Chị Phan Vũ Hoài Vui và những trang sức từ mo cau
