"Trong hai ngày gần đây, chưa có nơi nào trên cả nước phải sa thải cục bộ, kể cả ở Hà Nội - nơi đã từng xảy ra tình trạng sa thải điện tự động liên miên vì quá tải hệ thống lưới", ông Hồ Mạnh Tuấn, Trưởng Ban Quan hệ cộng đồng, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ.
Mùa khô năm nay hội tụ đủ 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho việc cung ứng điện quốc gia. Thời tiết tốt, nguồn cung tăng lên, nhu cầu tiêu thụ điện lại giảm đã giúp cho bức tranh cung cầu điện sáng sủa hơn hẳn mọi năm.
Thêm 6 tỷ kWh thủy điện Sơn La
Ông Hồ Mạnh Tuấn cho biết, lý do đầu tiên cho việc đảm bảo cung ứng điện là các nguồn điện đều đang vận hành rất ổn.
So với năm 2011, nguồn cung điện đã được bổ sung thêm 2.000 MW. Quý I, 2 tổ máy điện với tổng công suất 176,5MW đã được đưa vào vận hành. Nhưng đặc biệt hơn phải kể đến là sự góp sức của thủy điện Sơn La. Ngày 30/4 tới, tổ máy số 5 công suất 400MW của thủy điện Sơn La sẽ phát điện lên hệ thống. Như vậy, tính tới hết tháng 4, 5 tổ máy của nhà máy thủy điện Sơn La đã cung cấp cho hệ thống quốc gia sản lượng điện trên 6 tỷ kWh.
Ông Tuấn cho biết, tới tháng 8, tổ máy số 6 là tổ máy cuối cùng sẽ được đưa vào vận hành. Với công suất 2.400MW, nhà máy Sơn La sẽ đóng góp hàng năm tới 10,2 tỷ kWh, nghĩa là cung cấp gần 10% sản lượng điện của hệ thống.
Cùng đó, các nhà máy nhiệt điện than mới vài năm trước còn hay trục trặc, sự cố như nhiệt điện Uông Bí, Hải Phòng, Cẩm Phả, Quảng Ninh với tổng công suất cũng trên 2.000 MW thì nay đã vận hành tin cậy hơn.
Nhờ đó, công suất khả dụng của hệ thống điện đã đạt từ 18.000 - 19.000MW và trong các tháng cuối mùa khô từ tháng 3-6, dự kiến đạt từ 18.400-20.200MW.

Hè này người dân sẽ không lo cảnh cắt điện luân phiên như năm 2011? (trong ảnh, các công nhân đang sửa chữa mạng lưới điện)
Qua thực tế tiêu thụ điện của 4 tháng đầu năm, tổng công suất trên hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ví dụ, ngày 25/4, thông tin từ Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A)) cho thấy, sản lượng điện đạt 364,417 triệu kWh, công suất lên mức cao nhất trong ngày là 17.522 MW. Tháng 3, sản lượng điện cao nhất là vào ngày 20/3 với mức 342,48 triệu kWh/ngày, công suất cao nhất là 16.513 MW vào ngày 19/3. Điều này cho thấy công suất huy động trên thực tế chưa chạm tới giới hạn của công suất khả dụng toàn hệ thống, kể cả vào ngày nắng nóng tới 40 độ C như ngày 25/4. Nói cách khác, nguồn cung điện đã dư lớn với nhu cầu phụ tải điện. Lần đầu tiên, dự phòng hệ thống điện quốc gia đã đạt tới 10-20%. Bức tranh này trái ngược hoàn toàn với 2 năm trước, khi hệ thống điện luôn luôn thiếu và không có dự phòng.
Nhu cầu giảm nhờ... đình đốn sản xuất
Tăng nguồn cung là một trong những nố lực lớn đáng ghi nhận của EVN. Nhưng một thuận lợi lớn cho ngành điện năm nay phải kể đến, chính là sự đi xuống của tăng trưởng công nghiệp, sản xuất đình đốn dẫn tới tiêu thụ điện giảm. Cùng đó, nguồn thủy văn được dự báo tích cực.
Theo ông Hồ Mạnh Tuấn, trong quý I, điện thương phẩm chỉ tăng 9,72%, đạt 23,2 tỷ kWh trong khi ở cùng kỳ năm 2011, tăng 12,52% tương ứng 20,85 tỷ kWh. Dấu ấn căng thẳng nhất cho cung cầu điện là quý I năm 2010, điện thương phẩm tới 18,35%, tương ứng 18,536 tỷ kWh.
Trong đó, điện cho công nghiệp, xây dựng đã giảm rất mạnh, chỉ tăng 8,69%. Trong tổng sản lượng điện thương phẩm, điện sản xuất công nghiệp xây dựng chiếm tới 50,9% nên sự sụt giảm tiêu thụ điện ở khu vực này đã làm giảm sức ép lớn nên về cầu điện.
Nguyên nhân dễ hiểu nhất là do đình trệ sản xuất, đặc biệt là sự ngưng đọng của ngành sắt thép, xi măng. Hai ngành này vốn từng chiếm tới 12,7% sản lượng điện thương phẩm vào năm 2010, khi tiêu thụ tới hơn 10 tỷ kWh. Nhưng đầu năm nay, đã có ít nhất 6 nhà máy ngừng hoạt động.
Có năm thiếu điện vì hạn hán, lãnh đạo EVN đã than khóc cho rằng, lỗi tại trời. Nhưng năm nay, trời lại ủng hộ EVN. Tập đoàn này sẽ không còn phải ca than điệp khúc thiếu điện vì thiếu nước.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Tĩnh, Trưởng Phòng dự báo thủy văn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết, tính tới sáng 26/4, lưu lượng nước đến các hồ thủy điện so với trung bình nhiều năm vẫn thiếu hụt, như ở hồ Sơn La thiếu 19% (do giữ lại nước), hồ Hòa Bình thiếu 46%, hồ Tuyên Quang hụt 45%. Tuy nhiên, so với năm ngoái, nước về hồ đã hơn rất nhiều.
Dự kiến tháng 5 sẽ có mưa nhiều, lũ tiểu mãn tương đối cao nên không còn nỗi lo các hồ xuống tới mực nước chết như năm 2010. Do đó, có thể khẳng định nguồn thủy điện năm nay sẽ rất tích cực.
Cũng vì vậy, ông Hồ Mạnh Tuấn khẳng định, do đủ điện nên năm nay, EVN không có chủ trương phân bổ sản lượng điện cho các tổng công ty. Tuy vậy, ông lưu ý việc sa thải cục bộ phụ tải có thể xảy ra nếu như trên hệ thống lưới điện có quá tải cục bộ, việc này sẽ hoàn toàn do lý do kỹ thuật đặc thù của ngành.
Nguồn tin: 24h.com.vn