Danh nhân Tiên Phước

Giới thiệu danh nhân

Huỳnh Thúc Kháng

* Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947): Chí sĩ, danh sĩ, nhà yêu nước; tiểu danh là Thước, trước gọi là Hanh, sau đổi là Thúc Kháng; sinh năm 1876 tại làng Thạnh Bình, nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Năm 16 tuổi ông đi thi Hương; đến năm 29 tuổi đỗ Tiến sĩ. Cũng từ đó, ông bắt đầu học chữ Quốc ngữ; tham gia sáng lập phong trào Duy Tân (năm 1904). Ông bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo cho đến năm 1921 mới được trả tự do.

Năm 1926, ông ứng cử và đắc cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, được bầu làm Viện trưởng. Năm 1928, ông từ chức Nghị viên để lập ra công ty Huỳnh Thúc Kháng, đồng thời làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Tiếng Dân.

Năm 1946, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông ra hợp tác với Chính phủ liên hiệp kháng chiến và giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi Bác Hồ sang Pháp dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, ông giữ Quyền Chủ tịch nước (năm 1946).

Ông qua đời năm 1947 tại Quảng Ngãi.

 Hồ Truyền

* Hồ Truyền (1902 – 1967): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ; sinh năm 1920 tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Khi hy sinh, ông đang làm Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ, phụ trách vành đai diệt Mỹ Chu Lai (nay là huyện Núi Thành).

          Sau năm 1954, ông được phân công ở lại hoạt động bí mật. Đầu năm 1955, Tỉnh ủy Quảng Nam điều động và bổ sung Hồ Truyền vào Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Kỳ và giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy, trực tiếp xây dựng cơ sở cách mạng tại xã Tam Hải, Tam Hiệp, Tam Xuân, Tam Giang, Tam Quang.

          Năm 1959, ông được bầu bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Nam và điều động làm Trưởng Ban cán sự huyện Tiên Phước

          Từ năm 1960-1963, ông được bầu làm Bí thư Huyện ủy Tiên Phước. Với cương vị là cán bộ chủ chốt của huyện, ông đã cùng cán bộ và nhân dân trong huyện tổ chức thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy là lập trung tâm lãnh đạo phong trào cách mạng trong tình hình mới. Quyết tâm giữ vững vùng căn cứ địa và phát triển vùng hậu phương, kêu gọi nhân dân chiến đấu anh dũng kiên cường với Đế quốc Mỹ và bọn tay sai, giành thắng lợi giải phóng các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, …. Đây là những địa bàn trọng yếu của căn cứ địa cách mạng, làm bàn đạp để bảo vệ cho hoạt động của Tỉnh ủy Quảng Nam

Năm 1965, Tỉnh ủy Quảng Nam đã điều động ông làm Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ (Núi Thành) để lãnh đạo phong trào cách mạng. Ông đã cùng với Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo quân và dân trụ bám giữ đất, giữ làng xây dựng cơ sở cách mạng, đồng thời xây dựng Vành đai diệt Mỹ Chu Lai…

Năm 1967, trong một lần đi kiểm tra để chuẩn bị cho các trận đánh tiếp theo ở các xã vùng Đông của huyện, ông đã bị địch bao vây và hy sinh.

Năm 2010, liệt sĩ Hồ Truyền được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Lê Cơ

* Lê Cơ (1870 – 1918): Nhà thực hành duy tân xuất sắc; chí sĩ yêu nước của phong trào Duy Tân; sinh năm 1870 tại làng Phú Lâm, nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Ông đỗ Tú tài năm 1900. Năm 1903 làm lý trưởng làng Phú Lâm. Trong thời gian làm lý trưởng Phú Lâm, ông đã xây dựng nơi đây trở thành làng duy tân kiểu mới.

 Năm 1908, nhân vụ chống thuế Trung kỳ, ông bị bắt giam đến năm 1911. Năm 1916, ông tham gia cuộc khởi nghĩa Duy Tân. Khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt và bị đày ra Lao Bảo (Quảng Trị)

Năm 1918, trong một lần tham gia đấu tranh phản đối bọn cai ngục ở nhà tù Lao Bảo, ông đã bị chúng giết hại.

         

Nguyễn Đình Tựu

 

* Nguyễn Đình Tựu (1828 - 1888): Nhà giáo triều Nguyễn, Đốc học tỉnh Quảng Nam; tự là Doãn Ngũ, Vọng Chi; sinh năm 1828 tại làng Hội An, nay thuộc xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

 Ông đỗ Cử nhân khoa Tân Dậu (1861); đỗ Phó Bảng khoa Mậu Thìn (1868); làm quan trải các chức: Đốc học Quảng Nam, Tế tửu Quốc Tử giám (như Giám đốc Trường Đại học Quốc gia ngày nay), Thị giảng học sĩ - hàng tuần giảng sách cho vua. Ông còn được vua Tự Đức giao dạy học cho các hoàng tử Ưng Chân, Ưng Đăng.

Năm 1886, vua Đồng Khánh bổ nhiệm ông giữ chức Sơn phòng sứ Quảng Nam thay Tiến sĩ Trần Văn Dư. Theo Huỳnh Thúc Kháng, sau khi Nghĩa hội tan ra, các lãnh tụ của Nghĩa hội hy sinh, Nguyễn Đình Tựu đã đứng ra che chở, bảo lãnh nhiều thành viên khác.

Năm 1887, Nguyễn Đình Tựu về Huế và tiếp tục nhận chức Thị giảng, sau đó về làm Đốc học Quảng Nam cho đến khi qua đời (năm 1888).

Ông là người mô phạm khuôn mẫu, uyên bác nổi tiếng, đào tạo được nhiều nhà khoa bảng yêu nước đương thời. 

 

Cây Cốc

 

* Cây Cốc là một địa danh thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước. Tại đây, ngày 01 tháng 10 năm 1954, trước việc chính quyền Mỹ - Diệm vô cớ bắt ông Nguyễn Thông, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính - Kháng chiến xã Tiên Thọ, đồng bào đã kéo đến bao vây, buộc bọn lính phải thả ông Thông và yêu cầu chúng phải tôn trọng các điều khoản của Hiệp định Giơ ne vơ.

Tuy nhiên, kẻ thù đã ngoan cố, nổ súng vào đoàn người biểu tình, giết chết và làm bị thương hàng trăm người và bắt đi nhiều người khác. Dã man hơn, chúng còn đưa những người bị thương nặng xuống hố rồi lấp đất lại.

Ngày nay, một tượng đài đã được xây dựng tại ngã ba Cây Cốc nhằm tưởng niệm những người ngã xuống trong cuộc đấu tranh ngày 01/10/1954, đồng thời ghi lại tội ác của kẻ thù.

 

Phan Châu Trinh

* Phan Chu Trinh (1872 – 1926): Chí sĩ, danh sĩ, nhà yêu nước Việt Nam nổi tiếng; tự là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu là Hy Mã, sinh năm 1872 tại làng Tây Lộc, nay là xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1901, ông thi đỗ Phó bảng. Năm 1903, được bổ làm Thừa biện bộ Lễ. Tuy nhiên một năm sau ông đã từ quan và dấn thân vào con đường cứu nước, cứu dân.

Năm 1904, ông cùng Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp phát động phong trào Duy Tân ở Quảng Nam. Sau đó, ông cùng với các nhân sĩ, trí thức miền Bắc thành lập trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội.

Năm 1908, phong trào Duy Tân phát triển mạnh mà đỉnh cao phong trào chống thuế ở Trung Kỳ. Lúc đó, Phan Châu Trinh đang ở Hà Nội liền bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Đến năm 1911, được trả tự do, ông bắt đầu sang Pháp.

Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ I bùng nổ, ông bị bọn quan lại, thực dân âm mưu hãm hại và tiếp tục bị bắt giam nhưng ông đã đấu tranh quyết liệt và một lần nữa, chính quyền Pháp buộc phải trả tự do cho ông. Năm 1925, ông trở về Tổ quốc trong tình cảnh bệnh nặng.

Ngày 24/3/1926, Phan Châu Trinh trút hơi thở cuối cùng tại Sài Gòn. Đám tang của ông đã trở thành cuộc vận động chính trị lớn lúc bấy giờ.

 

Lê Vĩnh Khanh

* Lê Vĩnh Khanh: Danh thần triều Nguyễn; quê ở làng Thạnh Bình, nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Năm 1843, ông đỗ Giải nguyên khoa thi hương; năm 1884, đỗ Phó bảng. Ông làm quan trải qua các chức: Hàn lâm viện Kiểm khảo, Tri huyện Phù Cát (Bình Định), Tri phủ Tuy Hòa (Phú Yên).

Nổi tiếng là vị quan thanh liêm cương trực và hết lòng thương yêu, chăm sóc đời sống nhân dân, nên ông thường bị bọn tham quan ghen ghét. Khi làm Tri huyện Phù Cát, gặp phải năm mất mùa đói kém, khiến nạn trộm cướp sách nhiễu; nhân đó lại có lệnh triệu hồi ông về kinh để cùng phái đoàn Phạm Phú Thứ sang Pháp điều đình chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Nhận chiếu chỉ của vua Tự Đức,nhưng ông thẳng thắn không tuân lệnh, thoái thác xin ở lại địa phương để tiếp tục chăm lo cho dân.

Cả gia đình ông đều giàu lòng yêu nước, yêu dân, các con và các cháu ông như Lê Vĩnh Huy, Lê Thúc Duyện, Lê Liễn, Lê Triêm… đều tham gia các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX và đều hy sinh cho đất nước.

 

Trần Ngọc Sương

* Trần Ngọc Sương (1940 – 1972): Liệt sĩ; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; sinh năm 1949 tại xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Khi hy sinh, ông là thiếu uý, Huyện đội phó huyện Tiên Phước.

Ông nhập ngũ tháng 1 năm 1968, cho đến khi hy sinh, ông đã tham gia đánh 170 trận, đều dũng cảm, mưu trí, chỉ huy linh hoạt, dẫn đầu đơn vị vượt qua mọi khó khăn, ác liệt; đã chỉ huy đơn vị diệt hơn 1.000 tên địch, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh của nhân dân trong huyện. Riêng ông diệt 430 tên địch (có 47 Mỹ), phá huỷ 4 xe bọc thép, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng.

Ngày 12 tháng 5 năm 1972, trong một trận đánh, Trần Ngọc Sương đã anh dũng hy sinh.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, Trần Ngọc Sương đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, nhiều bằng khen, 6 lần được tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ. Ngày 6 tháng 11 năm 1978, liệt sĩ Trần Ngọc Sương đã được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trần Huỳnh

* Trần Huỳnh (1858 – 1908): quê ở làng Tân An Tây, nay thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

        Trong các năm từ 1905-1908, ông cùng với các chí sĩ Lê Cơ ở Phú Lâm, Lê Vĩnh Huy ở Thạnh Bình, Phan Quang ở Cẩm Y đứng ra tiến hành cải cách làng quê mình bằng việc lập trường Tân Xuân dạy chữ Quốc ngữ, trường Dục Thanh dạy võ dân tộc cho thanh niên trai tráng địa phương nhằm mưu việc nước về sau…

         Tháng 8 năm 1915, hưởng ứng lời kêu gọi khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội do vua Duy Tân và hai chí sĩ xứ Quảng là Thái Phiên và Trần Cao Vân chủ trương, Ban chỉ huy khởi nghĩa tổng Phước Lợi chính thức được thành lập, do Trần Huỳnh làm Tổng lãnh binh và Trần Tùy Vân làm Phó lãnh binh.

           Chiều ngày 3 tháng 5 năm 1916, theo kế hoạch của cuộc khởi nghĩa, gần 1.000 dân binh tập trung về căn cứ Gò Chùa (còn gọi là Gò Đỏ) để làm lễ tế cờ xuất quân. Lễ khao quân được tiến hành tại nhà Trần Huỳnh, sau đó tiến về phía phủ đường Tam Kỳ.

          Tuy nhiên, do kế hoạch của cuộc khởi nghĩa đã bị bại lộ ở kinh thành Huế nên thực dân Pháp đã nhanh chóng đàn áp. Trần Huỳnh và nhiều chỉ huy nghĩa binh khác bị bắt. Trong lao tù, mặc dù bị tra tấn, dụ dỗ nhưng Trần Huỳnh vẫn tỏ ra khẳng khái nhận hết trách nhiệm về mình.

Ngày 27 tháng 5 năm 1916, thực dân Pháp đã mở phiên xét xử Trần Huỳnh và các đồng chí của ông. Tuy chúng tuyên án đày biệt xứ ông lên Buôn Ma Thuột, nhưng sau đó đã lén lút đưa ông đi xử chém tại Chợ Củi (huyện Điện Bàn).      

 

Lê Vĩnh Huy

* Lê Vĩnh Huy (1842 – 1916): Chí sĩ yêu nước; sinh năm 1842 tại làng Thạnh Bình, nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Năm 1885, ông gia nhập Nghĩa hội Quảng Nam, giữ chức Bang tá rồi Tán lý Quân vụ. Dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân đã đánh thắng nhiều trận như Nà Lầu, Dốc Miếu, Suối Đá.

Năm 1887, Phong trào Nghĩa hội tan rã, ông về quê ở ẩn để chờ cơ hội.

Năm 1904, Duy Tân hội được thành lập, ông đã tích cực hỗ trợ và cùng với Nguyễn Thành (Tiểu La) vận động phong trào Đông Du ở Quảng Nam.

 Năm 1916, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Duy Tân, ông tham gia đánh đồn Trà My, phủ Tam Kỳ nhưng không thành.

Ông bị bắt và mất năm 1916 tại nhà lao Hội An. 

Tin liên quan

Dữ liệu đang được cập nhật...