Trọng thể lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Cây Cốc - Tiên Thọ
- Sáng nay 28/9, huyện Tiên Phước tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Cây Cốc - Tiên Thọ (29/9/1954 - 29/9/2024).
Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Huỳnh Thị Thùy Dung - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Công Thanh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Tiên Phước, thân nhân gia đình người tham gia cuộc đấu tranh Cây Cốc, nhân dân các xã, thị trấn thuộc huyện.
Tại lễ kỷ niệm, Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Đốc đã thay mặt lãnh đạo huyện Tiên Phước tặng quà tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân gia đình có người tham gia cuộc đấu tranh Cây Cốc.
Đọc diễn văn tại buổi lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Trầm Quế Hương đã ôn lại quá khứ hào hùng trong cuộc đấu tranh Cây Cốc. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến tranh Đông Dương được ký kết, nhưng đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam - Việt Nam, chia cắt đất nước lâu dài, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Chúng tuyên bố xóa bỏ hiệp định, không có hiệp thương tổng tuyển cử và trắng trợn khủng bố đàn áp, bắn giết cán bộ, đảng viên và nhân dân vô cùng dã man.
Trong 9 năm chống Pháp, Tiên Phước trở thành vùng bị quân đội Liên hiệp Pháp chiếm đóng nhằm âm mưu đàn áp cách mạng. Quân đội Liên hiệp Pháp và địch đã đến tiếp quản, đưa quân lính vào chiếm đóng những vị trí trọng yếu, trong đó tại Cây Cốc, địch đưa Tiểu đoàn 601 thuộc Trung đoàn 31 về đóng quân.
Ngày 27/9/1954, lực lượng Quốc dân đảng tại quận Tiên Phước đến bắt đồng chí Nguyễn Thông, đảng viên, cán bộ kháng chiến chống Pháp của xã Tiên Thọ đem về tra hỏi tại nhà tên Ngô Ngọc Hường. Được tin đồng chí Thông bị bắt, nhân dân tại Cây Cốc đã tổ chức đấu tranh đòi trả tự do cho đồng chí Thông. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của đồng bào, Tiểu đoàn 601 đóng tại Tiên Thọ hoảng sợ và can thiệp buộc lực lượng Quốc dân Đảng phải thả đồng chí Nguyễn Thông về nhà.
Ngày 29/9/1954, lực lượng Quốc dân đảng bắt đồng chí Nguyễn Thông về giam lần nữa. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng một giờ, tin tức đồng chí Thông bị bắt đã lan rất nhanh khắp nơi và đông đảo quần chúng đã có mặt đấu tranh đòi địch phải tuân thủ hiệp định Giơ-ne-vơ, thực hiện các yêu sách: Bảo đảm cho nhân dân đi lại làm ăn bình thường; để cho nhân dân tối đến được thắp đèn, làm rơm đạp lúa; không được bắt bớ khủng bố những người kháng chiến cũ để trả thù.
Lúc 9 giờ sáng ngày 29/9/1954, một số người dân từ Tam Kỳ lên chợ Cây Cốc lại nổi trống mõ tập hợp đồng bào quanh chợ cùng đi đấu tranh. Ở các xã Tiên Phong, Tiên Mỹ, Tiên Kỳ, Tiên Thọ, Tiên Lập, ta không thể can ngăn nổi dòng người ồ ạt kéo xuống chợ Cây Cốc nên cuộc đấu tranh vẫn nổ ra.
Hơn 330 đồng bào, đồng chí đảng viên trung kiên của ta đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh Cây Cốc vào những ngày cuối tháng 9 năm 1954 là tội ác tày trời của đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai bán nước.
Tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đã bày tỏ lòng thành kính tri ân đến những người đã hy sinh tại cuộc đấu tranh Cây Cốc. Trong cuộc sống hôm nay, nhân dân huyện Tiên Phước nói chung và nhân dân xã Tiên Thọ nói riêng đã phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng quê hương đạt được nhiều thành tựu. Toàn huyện đang nỗ lực để đạt mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2024.
Phó Chủ tịch Trần Anh Tuấn đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Phước tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, hiện thực hóa khát vọng đưa quê hương ngày một phát triển và đạt những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, chăm lo đời sống nhân dân.