Danh nhân Tiên Phước

Trần Huỳnh (1858 - 1916)

BBT 02/01/2025 14:09

Trần Huỳnh, sinh năm 1858 tại làng Tân An Tây, nay thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam

Trần Huỳnh, sinh năm 1858 tại làng Tân An Tây, nay thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Trong các năm 1905-1908, Trần Huỳnh cùng với các chí sĩ Lê Cơ ở Phú Lâm, Lê Vĩnh Huy ở Thạnh Bình, Phan Quang ở Cẩm Y đứng ra tiến hành cải cách làng quê mình bằng việc lập trường Tân Xuân dạy chữ Quốc ngữ, trường Dục Thanh dạy võ dân tộc cho thanh niên trai tráng địa phương nhằm mưu việc nước về sau… Tháng 8/1915, hưởng ứng lời kêu gọi khởi nghĩa do vua Duy Tân và hai chí sĩ xứ Quảng là Thái Phiên và Trần Cao Vân chủ trương, Ban chỉ huy khởi nghĩa tổng Phước Lợi chính thức được thành lập, do Trần Huỳnh làm Tổng lãnh binh và Trần Tùy Vân làm Phó lãnh binh. Một tháng sau, Đội phục quốc quân được thành lập tại nhà Trần Huỳnh với khoảng 30 người tham gia ban đầu, đến cuối năm lên gấp đôi. Ngoài ra, Đội còn vận động thành lập được 22 đội dân binh ở các xã, thôn gồm khoảng 350 người; tất cả lấy rừng dương gò Chùa làm địa điểm tập luyện quân. Chiều ngày 3/5/1916, theo kế hoạch của cuộc Khởi nghĩa Duy Tân, gần 1.000 dân binh tập trung về căn cứ Gò Chùa (còn gọi là Gò Đỏ) để làm lễ tế cờ xuất quân. Lễ khao quân được tiến hành tại nhà Trần Huỳnh, sau đó tiến về phía phủ đường Tam Kỳ. Tuy nhiên, do kế hoạch của cuộc Khởi nghĩa Duy Tân đã bị bại lộ ở kinh thành Huế nên thực dân Pháp đã nhanh chóng đàn áp. Trần Huỳnh và nhiều chỉ huy nghĩa binh khác bị giặc bắt. Trong lao tù, mặc dù bị tra tấn, dụ dỗ nhưng Trần Huỳnh vẫn tỏ ra khẳng khái nhận hết trách nhiệm về mình. Ngày 27/5/1916, thực dân Pháp đã mở phiên xét xử Trần Huỳnh và các đồng chí của ông. Tuy chúng tuyên án đày biệt xứ ông lên Buôn Ma Thuột, nhưng sau đó đã lén lút đưa ông đi xử chém tại Chợ Củi (huyện Điện Bàn). Để vinh danh Trần Huỳnh, tên của ông đã được đặt tên đường ở quê hương Tiên Phước.

Nổi bật
Mới nhất
Trần Huỳnh (1858 - 1916)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO