Tiên Phước đưa Nghị quyết 35 vào cuộc sống
Những năm gần đây, kinh tế vườn - kinh tế trang trại (KTV- KTTT) ở huyện miền núi Tiên Phước phát triển khá mạnh với nhiều mô hình đem lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh quy định cơ chế hỗ trợ phát triển KTV-KTTT đã tạo bệ phóng cho nông dân Tiên Phước đầu tư phát triển KTV - KTTT hiệu quả, thu nhập của người dân ngày càng nâng cao.
Cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện hướng dẫn cho ông Sanh (bên phải) về kỹ thuật trồng chăm sóc cây măng cụt. Ảnh:N.HƯNG
Nghị quyết 35 “bà đỡ” cho nông dân
Thực hiện Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (giai đoạn 2021 - 2025), gia đình ông Trương Văn Sanh (thôn 2), xã Tiên Cảnh đã mạnh dạng chuyển đổi gần 1,2 diện tích đất trồng keo sang đầu tư trồng các loại cây ăn quả như măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh...
Ông Sanh cho biết, trước đây khu đất Gò Một này gia đình trồng keo lai, nhưng cây keo đang phát triển thì bị bão càng quét gãy đổ. Từ đó, gia đình quyết định không trồng keo nữa chuyển sang đầu tư trồng cây ăn quả. Ông Sanh trồng 115 cây măng cụt, 85 cây sầu riêng, bưởi da xanh 80 cây, 800 cây cau... kết hợp trồng xen kẽ cây ngắn ngày nhanh ra quả như; ổi, mít thái, chuối nai...
Nhờ được đầu tư chăm sóc chu đáo nên các loại cây trồng được khoảng 2 năm tuổi đang phát triển xanh tốt. Hiện một số loại cây trồng như cau, ổi, chuối nai đã bắt đầu cho thu hoạch.
Ngoài ra, vợ chồng ông Sanh còn đầu tư chỉnh trang khu vườn nhà rộng hơn 16 sào, trồng các loại cây ăn quả như lòn bon, dó bầu, cau, chuối các loại... Mỗi năm khu vườn cho thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng. “Trong quá trình triển khai vườn cây ăn quả, cán bộ xã Tiên Cảnh cùng Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện xuống hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục thực hiện Nghị quyết 35 và được hỗ nhà nước hỗ trợ sau đầu tư với số tiền gần 75 triệu đồng” - ông Sanh cho hay.
Người dân trồng các loại cây ăn quả chủ lực, kết hợp với cây ngắn ngày nhanh ra trái như ổi, cam, quýt, chuối… Ảnh:N.HƯNG
Trong 3 năm (2022- 2024), toàn xã Tiên Cảnh có 148 hộ đăng ký thực hiện phát triển KTV-KTTT theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh. Qua quá trình kiểm tra thực tế, số hồ sơ đáp ứng quy định được thẩm định phê duyệt là 38 mô hình (9 mô hình cải tạo chỉnh trang nâng cao hiệu quả và 29 mô hình trồng mới các loại cây ăn quả) với tổng diện tích thẩm định trên 9ha, tổng số tiền đầu tư trên 2 tỷ đồng, trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ gần 1,2 tỷ đồng.
Tại xã Tiên Thọ ông Huỳnh Đức Lễ (thôn 5) đãtập trung cải tạo chỉnh trang khuôn viên vườn nhà, trồng các loại cây ăn quả có giá trị như măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh, cau, chuối... Nhờ được chăm sóc chu đáo nên các loại cây trồng trong khu vườn phát triển xanh tốt, mỗi năm cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Đặc biệt, khoảng 3 năm lại đây thực hiện theo Nghị quyết 35 ông Lễ tập trung chỉnh trang lại khuôn viên tường rào, cổng ngõ theo hướng xanh-sạch-đẹp, hiệu quả và được UBND huyện cùng với xã Tiên Thọ hỗ trợ gần 49 triệu đồng.
Ông Lê Nguyên Hùng - Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ cho biết, toàn xã có 72 hộ đăng ký triển khai thực hiện Nghị quyết 35 và được huyện kiểm tra nghiệm thu hỗ trợ sau đầu tư trên 2,7 tỷ đồng. “Có thể nói rằng, Nghị quyết 35 đã và đang từng bước đi sâu vào đời sống mỗi người dân Tiên Thọ, bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế, xã hội Tiên Thọ vững bước phát triển”.- Ông Hùng nói.
Nhiều mô hình KTV-KTTT được đầu tư chỉnh trang xanh, sạch, đẹp, hiệu quả. Ảnh:N.HƯNG
Nâng giá trị sản xuất KTV-KTTT
Theo báo cáo của Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Tiên Phước trong 3 năm (2022 - 2024), toàn huyện có 1.401 hộ đăng ký thực hiện Nghị quyết 35. Qua sàng lọc hồ sơ và kiểm tra thực tế, số hồ sơ đáp ứng quy định được thẩm định phê duyệt là 734 hộ, với tổng diện tích thẩm định là 241 ha, tổng số tiền đầu tư 51 tỷ đồng (trong đó kinh phí nhà nước hỗ trợ trên 31,7 tỷ đồng).
Tính đến ngày 15/10/2024, tổng số kinh phí từ Nghị quyết 35 đã giải ngân hỗ trợ sau đầu tư cho 576 hộ với kinh phí 22,7 tỷ đồng, đạt 100% vốn tỉnh giao. Trong đó, vườn trồng mới là 487 vườn; vườn chỉnh trang, nâng cao hiệu quả sản xuất là 84 vườn, với kinh phí hỗ trợ là 21,32 tỷ đồng. Đối với kinh tế trang trại, có 5 trang trại (2 trang trại tổng hợp, 3 trang trại trồng trọt), được hỗ trợ theo Nghị quyết số 35 với số tiền 1,38 tỷ đồng.
Ông Bùi Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tiên Phước cho biết: “Thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đã từng bước nâng cao nhận thức cho người dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Các loại cây trồng được bố trí theo từng lô, trồng đúng mật độ quy định, bố trí trồng xen giữa cây lâu năm và cây hằng năm phù hợp để nâng cao hệ hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Hầu hết các mô hình đều ứng dụng lắp đặt hệ thống tưới bán tự động, điều khiển tự động qua điện thoại thông minh, béc tưới đến từng gốc cây, giúp hộ dân tiết kiệm nước tưới”.
Người dân trồng các loại cây chủ lực như măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh… Ảnh:N.HƯNG
Hiện tổng diện tích vườn trên địa bàn huyện đạt 6.825 ha/7.000ha, tăng 1.145 ha so với năm 2020 (5.680 ha). Diện tích vườn được cải tạo, đầu tư, thâm canh nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế đạt 5.000ha/5.882 ha. Số lượng vườn có tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là 1.528 vườn. Toàn huyện có 500 vườn xanh, sạch, đẹp, hiệu quả; trong đó có 410 vườn đạt tiêu chí vườn mẫu cấp huyện và có 50 vườn đủ điều kiện đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm.
Diện tích cây ăn quả trồng mới đạt 760,3 ha/500ha, trong đó, so với năm 2020 cây măng cụt đạt 595,3 ha, tăng 445ha, cây sầu riêng đạt 134,7ha, tăng 71ha; bưởi da xanh 143ha, tăng 93 ha; cây cau đạt 1.056 ha, tăng 416 ha. Về KTTT tính đến tháng 6/2024, toàn huyện có 41 trang trại, (trong đó, 14 trang trại trồng trọt, 4 trang trại tổng hợp và 23 trang trại chăn nuôi).
Tiên Phước hiện có 500 vườn xanh, sạch, đẹp, hiệu quả. Ảnh: N.HƯNG
Ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, địa phương phấn đấu nâng giá trị sản xuất KTV - KTTT đến năm 2025 lên 172 triệu/1 ha; giá trị sản xuất KTV-KTTT chiếm trên 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Phấn đấu đến 2025 diện tích vườn toàn huyện đạt 7.000 ha; đến năm 2025, tập trung đẩy mạnh phát triển các cây chủ lực; măng cụt 700 ha; bưởi 200 ha; sầu riêng 200 ha và định hướng đến năm 2030 cây măng cụt đạt 1.000 ha; bưởi 500 ha; sầu riêng 500 ha. “Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đã xác định, đẩy mạnh phát triển KTV, KTTT du lịch sinh thái gắn với xây dựng bản sắc Văn hóa thuần Việt là một trong 3 nhiệm vụ đột phá mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện nhà phải đạt được, hướng tới mục tiêu thực hiện thành công huyện nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2030, huyện Tiên Phước đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu; là một trong những trung tâm du lịch sinh thái làng quê của tỉnh Quảng Nam; đô thị Tiên Kỳ là đô thị sinh thái - văn minh” - ông Anh nói.