Xây dựng Đảng

Tiên Phước: “Dân dận khéo” trong phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch cộng đồng

NGUYỄN HƯNG 09/10/2024 13:36

Thời gian qua huyện Tiên Phước đã tập trung xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, quốc phòng - an ninh, trong đó điển hình phong trào “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch cộng đồng bước đầu đã cho hiệu quả.

Tiên Phước có trên 500 mô hình về vườn “xanh - sạch - đẹp - hiệu quả”. Ảnh:N.HƯNG

Phát triển kinh tế gắn với du lịch cộng đồng

Tiên Cảnh là địa phương nằm trong quy hoạch phát triển du lịch của huyện Tiên Phước, có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Do đó, Tiên Cảnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, lựa chọn xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” tại làng cổ Lộc Yên. Năm 2018, làng Lộc Yên được xã Tiên Cảnh chọn làm điểm xây dựng khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Thông qua công tác tuyên truyên, vận động người dân tập trung chỉnh trang xây dựng tường rào, cổng ngõ theo hướng xanh - sạch - đẹp - hiệu quả. Nhờ đó năm 2020, làng Lộc Yên được công nhận đạt khu dân cư NTM kiểu mẫu. 

Khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại các nhà vườn ở làng Lộc Yên. Ảnh:N.HƯNG

Cuối năm 2023, Hợp tác xã Du lịch làng Lộc Yên tổ chức đại hội chính thức ra mắt đi vào hoạt động. Với số vốn 1,5 tỷ đồng góp từ 23 thành viên, HTX Du lịch làng Lộc Yên hoạt động trên 6 tổ nhóm lĩnh vực liên quan đến phát triển du lịch tại làng cổ Lộc Yên như; nhóm dịch vụ homestay - vận chuyển, bao gồm lưu trú, nghỉ ngơi, giải trí, phục vụ ẩm thực…; tổ vườn - nhà cổ phục vụ kinh doanh các loại trái cây, các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu làm quà…; tổ ẩm thực - hàng lưu niệm tham gia kinh doanh phục vụ ăn uống các món ẩm thực đặc sản địa phương, các loại bánh mứt truyền thống và các mặt hành thủ công mỹ nghệ ở địa phương; tổ văn nghệ - bài chòi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, bài chòi phục vụ khách tham quan…; tổ hướng dẫn viên - trò chơi tham gia hướng dẫn giới thiệu về đất và con người Lộc Yên, tổ chức các trò chơi cho khách tham quan và tổ trải nghiệm hướng dẫn du khách cắm trại, câu cá, chèo ghe, đánh lưới bắt cá, trồng hoa, cày ruộng…

Người dân Lộc Yên tích cực chỉnh trang vườn nhà xanh, sạch, đẹp, hiệu quả để thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh:N.HƯNG

Ông Trần Quang Tin, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Du lịch làng Lộc Yên cho biết, việc thành lập HTX nhằm mục tiêu hợp tác tương trợ lẫn nhau giữa các hộ dân làng Lộc Yên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng. Ngoài việc góp phần bảo tồn và phát triển nguồn lợi thiên nhiên, bản sắc văn hóa của người dân, không gian làng cổ hướng tới phát triển du lịch bền vững - văn minh. Góp phần xây dựng sản phẩm du lịch làng cổ Lộc Yên thành sản phẩm OCOP 3 sao”. “Hiện Lộc Yên còn lưu giữ 8 ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 năm đến 150 năm, trải qua nhiều thế hệ, với kiểu thức kết cấu là nhà lá mái và nhà rường, kiến trúc độc đáo, tinh xảo. Trong làng cổ Lộc Yên có khoảng 20 vườn cây ăn quả như thanh trà, măng cụt, sầu riêng, lòn bon, bưởi da xanh, tiêu Tiên Phước… Những năm gần đây, người dân bắt đầu hưởng lợi từ việc phát triển du lịch cộng đồng, trong đó chủ yếu bán các mặt hàng nông sản, ẩm thực, trái cây và các sản phẩm OCOP địa phương…”- ông Tin nói.

Những năm gần đây Lộc Yên đón khá nhiều đoàn khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh:N.HƯNG

Đa dạng các mô hình “Dân vận khéo”

Trong quá trình thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, các cơ quan liên quan và khối dân vận từ huyện đến cơ sở đã vận động, hướng dẫn nhân dân tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững; chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất; phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình đã có của những năm trước; đồng thời, phát động xây dựng nhiều mô hình gắn với việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của huyện, tỉnh đem lại kết quả đáng ghi nhận.

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Tiên Phước có 24 mô hình về “Liên kết nhà sạch - vườn đẹp”. Ảnh:N.HƯNG

Ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, nhờ thực hiện tốt các mô hình “Dân vận khéo” ở dưới cơ sở nên người dân đã tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết lao động, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại theo Đề án 03 của HĐND huyện và Nghị quyết 35 - HĐND tỉnh. Tiên Phước là một trong nhưng địa phương dẫn đầu toàn tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết 35. Các mô hình đã góp phần nâng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện từ 949 tỷ đồng năm 2019, đến năm 2024 ước đạt 1.420 tỷ đồng theo giá thực tế, tăng 9,18%, chiếm 12,75% so với tổng giá trị sản xuất.

Theo thống kê tổng diện tích vườn trên địa bàn huyện hiện có 6.825 ha. Riêng cây măng cụt chiếm trên 595 ha, sầu riêng hơn134ha, bưởi da xanh 143 ha và cây cau trên 1.055 ha. Toàn huyện có 364/500 vườn đạt tiêu chí vườn mẫu cấp huyện; có 1.528 vườn tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; 128 trang trại vừa và nhỏ, trong đó, có trên 50 vườn đủ điều kiện đón khách du lịch. Có 5/5 mô hình vườn của huyện tham gia cuộc thi “Vườn - Tường - Đường đẹp” toàn tỉnh năm 2023 đều đoạt giải. Giai đoạn 2020 - 2023, có 1.285 hộ dân trên địa bàn huyện được hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, trang trại, với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng.

Hằng năm làng cổ Lộc Yên đón khá đông lượng khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh:N.HƯNG

Ông Nguyễn Chính - Trưởng Ban dân vận Huyện ủy Tiên Phước cho biết, qua khảo sát, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Tiên Phước có 738 mô hình “Dân vận khéo” được công nhận, trong đó có 587 mô hình tập thể, 151 mô hình cá nhân. Trên lĩnh vực kinh tế có 170 mô hình tập thể, 65 mô hình cá nhân; lĩnh vực quốc phòng - an ninh có 68 mô hình tập thể, 12 mô hình cá nhân; lĩnh vực văn hóa - xã hội có 310 mô hình tập thể, 51 mô hình cá nhân; lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có 44 mô hình tập thể, 13 mô hình cá nhân. Riêng về mô hình vườn xanh - sạch - đẹp - hiệu quả, có trên 500 mô hình. Điển hình như mô hình “Dân vận khéo” về “Liên kết nhà sạch - vườn đẹp” của Hội LHPN huyện với 24 mô hình, gồm 329 thành viên tham gia; hay mô hình “Ngày thứ 6 trong dân” của Hội Nông dân huyện xây dựng được 73 cụm, tổ dân cư nông thôn mới kiểu mẫu với hơn 2 nghìn hộ nông dân tham gia... 

“Những năm qua, nhờ kết hợp công tác tuyên truyền, vận động với việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy mọi phong trào phát triển. Đặc biệt, các mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch cộng đồng đã góp phần nâng cao đời sống cho bà con nhân dân, quảng bá hình đất và người Tiên Phước với bạn bè trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần đưa huyện Tiên Phước về đích huyện NTM vào cuối năm 2024”- ông Chính cho biết.

Nổi bật
Mới nhất
Tiên Phước: “Dân dận khéo” trong phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO