Tăng cường truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia
Ngày 27/3/2025, UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 2409/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án Truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Kế hoạch hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng; phòng ngừa và giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia và các loại đồ uống có cồn khác đối với sức khỏe Nhân dân, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, mục tiêu đặt ra đến năm 2030:
95% người dân trưởng thành được truyền thông về tác hại của rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia;
100% người điều khiển phương tiện giao thông được truyền thông, phổ biến quy định của pháp luật về việc không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông;
100% cơ sở giáo dục thực hiện truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với lứa tuổi của học sinh, sinh viên;
95% cơ sở kinh doanh rượu, bia; 90% hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công được truyền thông, hướng dẫn các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định pháp luật khác có liên quan;
90% Đài Phát thanh - Truyền hình của tỉnh và hệ thống Đài Truyền thanh cấp xã đăng tải, phát thanh tin bài về phòng, chống tác hại của rượu, bia hằng tháng; 90% phóng viên, người tham gia hoạt động thông tin cơ sở được tập huấn, cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào chính sách, pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó chú ý vào các nội dung cụ thể như:
Chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các chế tài xử phạt và vận động cá nhân, tổ chức tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Quyền, nghĩa vụ của cá nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; các mức độ nguy cơ khi uống rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia.
Bệnh, tình trạng sức khỏe, đối tượng không nên uống rượu, bia; độ tuổi không được uống rượu, bia. Kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết và ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia.
Vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc sau khi uống rượu, bia.
Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất, đăng ký với UBND cấp xã việc bán rượu cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại, kê khai việc sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND huyện căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh để xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa phương. Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn đưa các tiêu chí về thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia vào các hương ước, quy ước của làng, thôn, khu dân cư, tổ dân phố văn hóa; không lạm dụng rượu, bia trong đám tang, đám cưới, lễ hội.