Tăng cường công tác phòng, chống bệnh Tay chân miệng
Trong 04 tháng đầu năm 2025, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận gần 15.000 trường hợp mắc bệnh Tay chân miệng (TCM) trên toàn quốc. Trong đó số mắc có xu hướng tăng từ tháng 3, riêng tháng 4 ghi nhận số mắc tương đương của 02 tháng trước.
Số trường hợp mắc bệnh TCM chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 98,6%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 93,4%). Bệnh TCM là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và tháng 9-10 hàng năm. Trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
Tại Quảng Nam, số mắc TCM trong 04 tháng đầu năm 2025 ghi nhận 329 ca mắc tại 14/18 huyện, thị xã, thành phố; tăng 1,5 lần so với năm 2024 (129 ca). Số ca mắc bệnh TCM tập trung tại các trường mầm non và nhóm trẻ gia đình. Vì vậy trong thời gian tới, bệnh TCM ở trẻ em có nguy cơ tăng, có thể bùng phát thành dịch nếu không kịp thời phòng chống.

Ngày 13/5/2025, Sở Y tế Quảng Nam ban hành Công văn số 1240/SYT-NVYD về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe cộng đồng về các biện pháp phòng, chống bệnh TCM theo hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Chủ động triển khai mạnh mẽ các hoạt động "Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân", tập trung tuyên truyền và hướng dẫn người dân:
– Duy trì vệ sinh môi trường sống sạch sẽ;
– Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên và đúng cách;
– Thực hiện "ăn sạch - ở sạch - dùng đồ chơi sạch";
– Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ.
Tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch mới, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch tránh để dịch lây lan ra diện rộng; củng cố lực lượng các đội phản ứng nhanh phòng chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu.
Phối hợp chặt chẽ với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông, giáo dục về các biện pháp phòng chống bệnh TCM tại trường học, đặc biệt là các trường mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình; đề nghị các cơ sở giáo dục phải trang bị đầy đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và đặt ở vị trí thuận tiện cho người chăm sóc trẻ và trẻ em thực hiện rửa tay bằng xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt bàn ghế học tập và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Phối hợp các ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh, chú trọng đến các trường học có học sinh lưu trú, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non.