Hội đồng nhân dân

Quy định về tổ chức, hoạt động của HĐND trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

BBT 21/02/2025 15:26

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua hôm 19.02.2025, sẽ có hiệu lực từ ngày 01.3.2025. Có 18 Điều trong tổng số 50 Điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của HĐND. Bên cạnh việc tiếp tục kế thừa các quy định hiện hành, Luật sửa đổi đã có nhiều quy định mới trong bầu các chức danh của HĐND, biểu quyết của HĐND, thẩm quyền của Thường trực HĐND,...

quoc-hoi-bieu-quyet-thong-qua-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-sua-doi.jpg
Kết quả Biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Kế thừa quy định hiện hành về Ban HĐND
Quy định về Ban HĐND được quy định tại 05 điểm (a, b, c, d, đ) khoản 3 Điều 27. Xác định rõ Ban HĐND là “cơ quan chuyên môn” của HĐND thay vì “cơ quan” như trước, kế tiếp là các quy định về “số lượng Ban và cơ cấu Ban của HĐND” theo từng cấp (tỉnh, huyện, xã). Số lượng và tên gọi các Ban được giữ nguyên như trước; cơ cấu Ban, quy định về trưởng ban, phó ban và ủy viên ban được quy định chi tiết hơn so với luật hiện hành.
Tiêu chuẩn, điều kiện thành lập Ban Dân tộc ở nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc thành lập do HĐND tỉnh, huyện quyết định cụ thể. Quy định về số lượng đại biểu HĐND, số lượng Phó Chủ tịch HĐND ở các cấp cũng tiếp tục kế thừa các quy định hiện hành.
Trước đó, Dự thảo trình tại đầu kỳ họp Quốc hội thì quy định về số lượng đại biểu HĐND, số lượng Phó Chủ tịch HĐND, số lượng các Ban của HĐND được giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể (khoản 5 Điều 27 Dự thảo). Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật gởi đến Quốc hội về nội dung này, Ủy ban Pháp luật đề nghị “tiếp tục kế thừa” cách thức quy định của luật hiện hành để bảo đảm đồng bộ với quy định về số lượng đại biểu Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội, bảo đảm tính ổn định, thuận lợi cho việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 đang cận kề.
Thay đổi quy định về nhân sự
Quy định về biểu quyết của HĐND cũng có sự điều chỉnh, cụ thể khoản 1 Điều 33 quy định “Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình bằng hình thức biểu quyết. Việc biểu quyết có thể bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc bằng hình thức phù hợp khác theo Quy chế làm việc của Hội đồng nhân dân”. Trong khi luật hiện hành (khoản 2 Điều 91) chỉ quy định 02 hình biểu quyết là “công khai” hoặc “bỏ phiếu kín”.
Theo Luật được thông qua thì Thường trực HĐND có thẩm quyền cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND thay vì trình ra HĐND như luật hiện hành; quy định này được đánh giá là phù hợp và tương đồng với quy định xem xét cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội (thuộc thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Luật Tổ chức Quốc hội). Và cũng tương tự như Quốc hội, việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND phải báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất. Có 02 trường hợp được xem xét cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND gồm (i) Đại biểu HĐND còn công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu và không cư trú tại đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu; (ii) theo đề nghị của đại biểu HĐND vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác.
Việc bầu chức danh Chủ tịch UBND của HĐND cũng có sự thay đổi. Cụ thể “Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân; bầu Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân theo giới thiệu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân không nhất thiết là đại biểu Hội đồng nhân dân”. Như vậy, Luật sửa đổi đã có sự điều chỉnh theo hướng thống nhất việc bầu Chủ tịch UBND đầu nhiệm kỳ (kỳ họp thứ nhất) hay trong nhiệm kỳ đều không nhất thiết là đại biểu HĐND. Với quy định sẽ giải quyết vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, tạo thuận lợi cho công tác nhân sự ở địa phương.
Thường trực HĐND được quyết định một số nội dung
Nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND được quy định tại Điều 29 với 14 khoản. Có 9/14 khoản được kế thừa, giữ nguyên như quy định tại Điều 104 luật hiện hành; có 01 khoản được sửa đổi (khoản 6 Điều 104 luật hiện hành) theo hướng bổ sung thẩm quyền quyết định số lượng thành viên Ban HĐND. Và 04 khoản được bổ sung (khoản 1, 8, 9 và 14); trong đó khoản 1 và khoản 14 đã quy định rõ thẩm quyền của Thường trực HĐND được quyết định một số nội dung.
Theo khoản 1 Thường trực HĐND “Thảo luận và quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ được Hội đồng nhân dân cùng cấp giao”; và khoản 14 “Trong thời gian Hội đồng nhân dân không họp, Thường trực Hội đồng nhân dân được quyết định các nội dung sau đây và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất: a) Biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; b) Điều chỉnh dự toán, phân bổ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách hằng năm”.
Như vậy, Thường trực HĐND được quyết định các nội dung “theo quy định của pháp luật” thay vì chỉ “theo quy định của luật” như hiện nay và Thường trực HĐND cũng được quyết định các vấn đề khi được HĐND giao. Bên cạnh đó, để giải quyết các vấn đề cấp bách, đột xuất, việc giao thẩm quyền Thường trực HĐND “quyết định biện pháp” là phù hợp, đã được thực tiễn chứng minh cần thiết, hiệu quả (đã được áp dụng trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19). Với các quy định này, trong thời gian đến sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực việc Thường trực HĐND giải quyết các nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp đã đảm bảo yêu cầu hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

BBT