Du lịch

Lò Thung - Tiên Cảnh

BBT 10/01/2025 14:32

Lò Thung là một bãi đá trải rộng và kéo dài hơn 1km nằm trên sông Đá Giăng thuộc xã Tiên Cảnh.

449163583_2168978216791066_5290738120227707305_n.jpg

Sông Đá Giăng là tên gọi một khúc sông được tiếp nối từ dòng chảy của Sông Trạm (Tiên An), đoạn chảy qua thôn 2, Tiên Cảnh. Sông kéo dài khoảng 5km và lòng sông phần lớn là đá với hình thù độc đáo. Đặc biệt, ở đoạn giữa đá trải rộng, bờ nối bờ và kéo dài hơn 1km, dồn dòng chảy vào một khe duy nhất đổ từ trên cao xuống, đây chính là nơi người dân địa phương gọi là Lò Thung (Hình 1.28). Lò Thung được ví như là “vương quốc đá” của dòng Đá Giăng. Về Lò Thung nghe nước chảy qua khe đá, nghe tiếng gió reo rì rào, lòng người như lắng đọng lại một cảm giác bình yên. Sự bào mòn, xâm thực của dòng chảy vào lòng sông (nền đá) theo thời gian địa chất đã tạo nên những hình thù kỳ thú trên loại đá biến chất cổ này như là những hình ảnh thân thuộc trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày: cái cối, cái chén, cái bát và cả những chú cá hóa đá, hay dấu chân khổng lồ... Những tảng đá lớn được thiên nhiên tạo hình và trải dài nối bờ này sang bờ kia, cùng với những hang hốc đá lớn nhỏ xen kẽ nhau giữa dòng nước róc rách… tạo nên một di sản địa mạo với nhiều hình thù kỳ bí, độc đáo và hiếm có trên nền đá cổ của danh thắng này.

lo-thung-tien-phuoc-a.jpg

Cảnh quan thiên nhiên Lò Thung khá hữu tình, hai bên bờ sông vẫn còn nguyên sơ, những bãi cát, sỏi trải dài và dường như chưa có sự tác động của con người. Thực vật xanh tốt và những gốc cây hàng trăm năm tuổi như bồ đề, sung. Trên các mũi đá phiến cổ (hệ tầng Khâm Đức) dọc 2 bờ sông, cây cỏ dại, dương xỉ mọc lên tạo thành một quần thể cảnh quan có giá trị thẫm mỹ, nghệ thuật như những bức thạch đồ sinh động. Lòng sông là nơi sinh sống của nhiều loài động vật như ba ba, rùa, tôm, cua, ốc, đặc biệt các loại cá đặc sản của Tiên Phước như cá chình, cá niêng… Người dân địa phương vẫn thường kể cho nhau về truyền thuyết dị nhân khổng lồ đắp núi, khơi nguồn nước sông Đá Giăng - Lò Thung. Họ cho rằng, những dấu vết khắc họa trên đá có hình chiếc cối, chày giã gạo, bát, chén ăn cơm, lò nấu là những vật dụng mà “ông khổng lồ” đã sử dụng. Nơi đây từng có một Ông khổng lồ vì tranh quyền sinh tồn nên mẫu thuẫn gay gắt với các loại thủy sinh tồn tại trong lòng sông. Trong một lần gánh đá làm nơi trú thân, phát hiện chú rái cá - kẻ thường xuyên phá giấc ngủ của mình, Ông khổng lồ đã tức giận đuổi bắt, do quá vội vàng nên Ông đã trượt chân té ngã và hai tảng đá gánh hai đầu văng xa tạo thành hai hòn núi. Chân phải ông lún sâu xuống dòng sông tạo thành thung nước và chân dậm vào mặt tảng đá lớn in dấu bàn chân khổng lồ. Tất cả điều đó đã tạo nên một danh thắng lò thung thân thiện về môi trường sinh thái và có tiềm năng lớn trong việc khai thác du lịch sinh thái làng quê.

BBT