Du lịch

Sông Tiên

BBT 10/01/2025 14:29

Sông Tiên là một trong ba con sông lớn chảy qua Tiên Phước. Do sông bắt nguồn từ dãy núi Răng Cưa ở huyện Bắc Trà My (phía Đông Nam) và bị khống chế bởi dạng địa hình đồi núi dạng bát úp Tiên Phước nên sông chảy ngược theo hướng Đông Nam - Tây Bắc và đổ vào sông mẹ Thu Bồn trước khi xuôi về biển.

maxresdefault.jpg

Chính dòng chảy ngược của con sông này đã viết nên nhiều câu chuyện thú vị và sông Tiên là huyền tích. Hẳn ai lên xứ bồng lai Tiên Phước đều đã nghe qua câu thơ: Sông Tiên nước chảy ngược dòng/ Ai về Tiên Phước cho lòng vấn vương. Câu thơ đã khắc họa được nét đẹp say đắm và sự kì diệu của dòng sông Tiên - con sông duy nhất ở Quảng Nam không xuôi dòng về biển. Sông Tiên dài khoảng 6 km, rộng trung bình 100 m thu nước từ các con suối nhỏ đầu nguồn như: suối Bình An (xã Tiên Mỹ) chảy qua thị trấn Tiên Kỳ, suối Cà Đong (xã Tiên Thọ) và nhiều suối nhỏ ở các xã ven sông (Tiên cảnh, Tiên Cẩm, Tiên Hà).
Tự bao giờ, sông Tiên trở thành biểu tượng gắn với hình ảnh đất và người huyện Tiên Phước. Dòng sông mang phù sa, cho nước tưới, cho cuộc sống và cho cả tên gọi của các làng xã trải dọc đôi bờ, được bắt đầu bằng chính tên sông như Tiên An, Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Cảnh, Tiên Kỳ, Tiên Châu, Tiên Hà, Tiên Hiệp… Nơi đây, dấu ấn những ngày tháng hào hùng dưới chiếu Cần Vương của Nghĩa hội Quảng Nam còn in đậm qua các địa danh bên bờ sông Tiên như Thanh Lâm, Dương Đế, bàu ông Trấn, Gò Chay, dốc Miếu… Cùng với việc tham gia phong trào Nghĩa Hội, Nhân dân Tiên Phước còn tham gia nhiều phong trào yêu nước như Duy Tân, Đông Du, Việt Nam Quang Phục hội... Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến phong trào Duy Tân do bộ ba xứ Quảng chủ xướng đã tạo được làn gió cải cách sôi nổi trên đất Quảng Nam.

unnamed.jpg

Đến vùng đất ven bờ sông Tiên không khi nào thiếu những vườn cây ăn quả như lòn bon, bưởi da xanh, măng cụt, sầu riêng…, cho trái quanh năm bởi nơi đây được thiên nhiên ưu ái với khi hậu mát mẻ quanh năm. Hiện nay, chính quyền đã xây dựng nhiều cây cầu bắt qua sông tại các xã như Tiên Thọ, Tiên Lộc, Tiên Châu và tại khu vực trung tâm huyện. Đoạn chảy qua thị trấn Tiên Kỳ được xây dựng bờ kè đá 2 bên bờ sông, đắp đập dâng trên sông để giữ nước vào mùa khô, đồng thời tạo điều kiện cho dân cư ở hai bên bờ kè có điều kiện phát triển các dịch vụ ăn uống, giải khát, các loại hình vui chơi giải trí, góp phần tăng thu nhập, đồng thời tạo cho sông Tiên một diện mạo mới, nơi mà nhiều du khách dừng chân tham gia các dịch vụ và ngắm dòng sông êm ả trôi dần về phía trời Tây
Truyền thuyết về câu chuyện “sông Tiên, thác Bố và bãi vàng” kể về cô con gái vị Sơn thần vì không thể cầu xin Cha khơi thông dòng nước đầu nguồn để cứu chúng sinh đang chịu cảnh hạn hán, Cô đã lặng lẽ chờ lúc vị Sơn Thần ngủ say, tự tay khơi thông dòng chảy về hướng Tây để tránh ánh mặt trời mọc lên từ hướng Đông hắt ánh sáng xuống dòng nước. Khi Người cha tỉnh giấc vì không thể cứu được dòng nước đầu nguồn đang ầm ầm đổ về xuôi, Ông đã ôm cả kho vàng quăng xuống chặn dòng nước, nhưng vô vọng. Quá đau đớn và tức giận, vị Sơn Thần đã trầm mình quyên sinh trong dòng nước dữ. Đau xót trước cái chết của cha, người con gái đã ôm thân thể của cha khóc nức nở, mặc cho thân xác cô dần dần hòa tan trong dòng nước mát đem lại sự hồi sinh cho muôn loài. Câu chuyện đã lý giải ví von về sự tích dòng sông Tiên chảy ngược, vì sao đầu nguồn sông Tiên có vàng rất nhiều và dòng nước sông Tiên mát lành nhờ tấm thân của nàng Trinh nữ nên đã sinh ra những cô gái xinh đẹp, hiền hòa tại xử sở này.
Sông Tiên không chỉ là cảm hứng viết nên những câu chuyện thú vị, câu ca ngọt ngào mà trầm tích đôi bờ của dòng sông còn minh chứng cho sự tồn tại của những nền văn hóa Sa Huỳnh cổ xưa. Các di chỉ khảo cổ tại Gò Miếu, Gò Quảng - Tiên Hà được khai quật trong các năm 1977, 1983, 2008 là minh chứng cho sự tồn tại của cư dân Sa Huỳnh ở vùng đất Tiên Phước cách đây 3000 năm. Sông Tiên còn mang một lượng lớn phù sa lớn bồi đắp thành các bãi ven sông và đồng bằng giữa núi, tạo nên nhiều loại thủy sinh như ba ba, các loại cá, tôm, cua, ốc những chủng loại thực vật quý như tre, măng, đặc biệt là rau dớn, một loại rau đặc sản được nhiều thực khách ưa chuộng. Nhờ vậy mà Tiên Phước là vùng miền núi hội đủ điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng... để các loại cây trồng quý như hồ tiêu, quế, chè, cau và các loại cây ăn trái ngon như lòn bon, măng cụt, bưởi da xanh, sầu riêng… cùng góp phần làm nên vườn nhà, vườn đồi phong phú hai bên triền sông này.

BBT