Danh nhân Tiên Phước

Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947)

BBT 02/01/2025 14:18

Quê làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang thượng, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).

cu-huynh-thuc-khang.jpg

Quê làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang thượng, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Lúc nhỏ ông có tên là Thước, lúc đầu đi học có tên là Hanh. Đến khoa thi Canh Tý (1900) ông đổi tên là Huỳnh Thúc Kháng, tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên. Huỳnh Thúc Kháng là chí sĩ, danh sĩ. Thân phụ ông (Hý Phương) tên là Huỳnh Tấn Hữu. Mẹ là Nguyễn Thị Tịnh người làng Hội An, cư ngụ làng Phú Thị. Huỳnh Thúc Kháng sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà nghèo nên Huỳnh Thúc Kháng không có điều kiện học hành tốt nhưng trí thông minh, sáng dạ, ham học nên Huỳnh Thúc Kháng sớm thành công trên con đường học vấn. Năm lên 8 tuổi ông mới bắt đầu đi học, 13 tuổi đã biết làm văn trường ốc, 15 tuổi kết giao với Phan Châu Trinh - người bạn tâm giao, 16 tuổi đi thi Hương, Huỳnh Thúc Kháng được đánh giá là một trong 3 người hay chữ nhất ở kinh đô Huế. Tuy vậy nhưng chốn quan trường Huỳnh Thúc Kháng cũng có những lận đận so với nhiều người khác. Nhất là đến năm 1904 (năm 29 tuổi) Huỳnh Thúc Kháng mới đỗ tiến sĩ và là một trong “tứ hổ” Trung kỳ nổi tiếng thời bấy giờ. Trong thời gian học ở Kinh đô Huế, qua một số bạn học, nhất là Phan Châu Trinh ông mới có dịp tiếp xúc với các nho sĩ tân học có tư tưởng cách mạng như Phan Bội Châu, Đào Nguyên Phổ…và được tiếp cận với tri thức mới như tân thư và hấp thụ tư tưởng văn minh dân quyền của phương Tây. Huỳnh Thúc Kháng là người không ham chức quyền, địa vị, lại chịu ảnh hưởng của Tây học nên sau khi đỗ đại khoa, Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan. Ông quan niệm “việc quan chẳng phải là điều mong muốn” mà nguyện làm “người dân biết chữ trong làng” như cha ông ngày xưa để truyền lại cho thế hệ trẻ.
Nhưng sống trong cảnh nước nhà lầm than, triều đình bán nước cho thực dân Pháp Pháp, nhân dân khổ cực tột cùng đã luôn làm Huỳnh Thúc Kháng day dứt buộc ông cùng các sĩ phu yêu nước lúc bấy giờ tìm đường cứu nước, cứu dân. Sau chuyến Nam du cùng Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng trở về quê nhà phụ trách công việc Duy Tân ở nam Quảng Nam. Trần Quý Cáp phụ trách bắc Quảng Nam nhưng sau đó vào làm giáo thọ tại Khánh Hòa nên công cuộc cải cách ở Quảng Nam chỉ còn một mình Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo. Để có tài chính duy trì hoạt động và giúp cho phái Đông Du, đồng thời có cơ sở tập hợp những người yêu nước, Huỳnh Thúc Kháng đã cùng với Lê Vĩnh Huy và sự ủng hộ của một số người khác thành lập một cơ sở kinh doanh lấy tên là “Thương học công ty” tại Thanh Bình, có chi nhánh khắp nơi trong huyện. Ngoài ra, Huỳnh Thúc Kháng còn cùng một số thân hào, bằng hữu chung vốn lập thương cuộc tại Hội An, lập trường học chữ Tây và Quốc ngữ, mua nhiều sách báo mới, lập hội, kêu gọi nhân dân phát triển trồng quế… Với tài năng và những đóng góp của mình, năm 1907, Huỳnh Thúc Kháng được bổ nhiệm làm Giáo thọ Điện Bàn nhưng Huỳnh Thúc Kháng khước từ xin ở quê tham gia hoạt động cải cách. Trong thời gian này, Huỳnh Thúc Kháng đã chủ trương xin: thay đổi lối trị dân, cho thanh niên xuất dương du học, cổ động cho phong trao ngoại quốc, đề xướng những vấn đề quốc nội, mở trường học, lập hội buôn; tuyên truyền đọc sách của hai nhà cải cách Trung Quốc là Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi, học theo người Nhật, mặc theo người Âu… Huỳnh Thúc Kháng còn được biết đến là một nhà thơ, một nhà nghiên cứu văn học, là người có ý thức về việc chép sử, Huỳnh Thúc Kháng quan niệm việc chép sử nhằm “ghi lại món tài liệu chân xác cho nhà làm sử”. Sinh thời ông lấy nhiều bút danh như: Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạch, Khi Ưu Sinh, Xà Túc Tử, Thức Tự Dân, Ưu Thời Khách, Hải Âu, Ngu Sơn, Khách Quan... Huỳnh Thúc Kháng đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị như: Thi tù tùng thoại, Lịch sử Phan Tây Hồ tiên sinh, Thơ văn với thời đại, Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam, Huỳnh Thúc Kháng niên phố, Bức thư gửi Cường Để… Trong đó, Thi tù tùng thoại chẳng những là cuốn sử của nhà tù Côn Đảo mà còn là lịch sử dân tộc những thập niên đầu thế kỷ XX. Đây là cuốn sách mô tả chính xác và sinh động quang cảnh nhà tù, tổ chức nhà tù, sinh hoạt của tù nhân, những biến động trong nhà tù... Ngoài ra, Thi tù tùng thoại đã đề cập đến gần 40 nhân vật lịch sử. Với 200 bài thơ (nguyên văn chữ Hán và bản dịch), 40 câu đối, chuyện kể về nhân vật và sự kiện lịch sử trong 126 tiểu đoạn.
Năm 1926 Huỳnh Thúc Kháng ra ứng cử với tư cách người đứng giữa hai phái trí thức cựu Nho và Tân học vào Viện Dân biểu Trung Kỳ nhằm tranh thủ đấu tranh nghị trường, Huỳnh Thúc Kháng trúng cử và giữ chức Nghị trưởng nhưng sau một thời gian Huỳnh Thúc Kháng thấy được đây chỉ là thủ đoạn mị dân của thực dân Pháp. Trong thời gian này, theo sự ủy thác của Phan Bội Châu và các đồng môn, Huỳnh Thúc Kháng đứng ra thành lập tờ báo Tiếng dân - tờ báo cách mạng đầu tiên ở miền Trung do Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút. Số đầu tiên của báo Tiếng dân ra ngày 10/8/1927.
Ngay từ số đầu tiên, chủ bút Huỳnh Thúc Kháng đã viết lời tuyên ngôn súc tích mà vô cùng độc đáo và dõng dạc cho tờ báo của mình: “Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói”. Cụ chuyên tâm vào việc làm báo cho đến khi tờ báo bị đình bản (năm 1943). Trải qua gần 16 năm tồn tại, báo Tiếng dân đã có những đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục quần chúng đấu tranh, tố cáo chính sách thống trị của thực dân Pháp, vạch mặt bọn Việt gian cùng những thủ đoạn mị dân của chúng, đòi quyền dân sinh, dân chủ. Tờ báo đã phản ánh tiếng nói của dân, bênh vực quyền lợi của dân, thực hiện đúng tôn chỉ và mục đích là: «Làm đúng như tên Tiếng Dân, thà chết, quyết không để cho cái gì lay chuyển hay lôi kéo đi đường khác. Giữ cái tinh thần phương Đông quốc hữu cùng nuôi đám lửa nhiệt thành ái quốc của các nhà tiên thời trong đống tro tàn, không thể đứt mất».
Từ 1940, phát xít Nhật đặt chân đến Việt Nam, thực dân Pháp đầu hàng. Để thành lập một chính quyền tay sai bản xứ, phục vụ cho mưu đồ Đại Đông Á, biết Huỳnh Thúc Kháng có uy tín lớn trong nhân dân, phát xít Nhật tay sai nhiều lần tìm cách mời cụ hợp tác nhưng trước sau Huỳnh Thúc Kháng vẫn một mực cự tuyệt. Năm 1943, Nhật hất cẳng Pháp, Chính phủ bù nhìn Bảo Đại mời Huỳnh Thúc Kháng ra thành lập Nội các, Huỳnh Thúc Kháng không chỉ từ chối mà còn viết thư khuyên vua Bảo Đại thoái vị và giao quyền cho nhân dân. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, biết những hoạt động và tâm nguyện của Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Chủ tịch đã mời Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời và đảm đương chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Từ khi nhận trọng trách này, Huỳnh Thúc Kháng đã thể hiện vai trò hết sức to lớn trong Chính phủ, nhất là khi được giao Quyền Chủ tịch nước khi Bác Hồ sang Pháp. Huỳnh Thúc Kháng là người sáng lập và là Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (MTTQ Việt Nam ngày nay).
Tháng 6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp dự Hội nghị Fontainebleau, Chính phủ đã cử Huỳnh Thúc Kháng giữ quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trước ngày đi Pháp, Bác mời Huỳnh Thúc Kháng đến bàn công việc. Ông Cù Huy Cận kể lại: “Hôm đó, bên ấm trà nóng, cụ Huỳnh nói với bác Hồ: “Cụ đi vắng, ở nhà có nhiều việc khó khăn bất trắc xảy ra thì làm thế nào?”. Bác Hồ nói ngay một câu: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”… Là một nhà nho, cụ Huỳnh đã hiểu toàn bộ ý tứ bác Hồ gửi gắm”. Khi trở về, Bác đã cảm ơn mọi người, trong đó đánh giá cao vai trò của Huỳnh Thúc Kháng: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Cụ Huỳnh quyền Chủ tịch, sự săn sóc giúp đỡ của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hiệp lực của quốc dân, mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ”1. Sau những hoà hoãn, nhượng bộ với Pháp không thành, cuối năm 1946 cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chính phủ cử Huỳnh Thúc Kháng với tư cách là Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam đi kinh lý miền Trung. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch, Huỳnh Thúc Kháng cũng phát đi bức thư “Kính cáo đồng bào phụ lão kháng chiến thư” kêu gọi toàn dân đoàn kết chặt chẽ thành một khối quyết sống chết với kẻ thù.
Ngày 19/4/1947, trên đường công tác đến Quảng Ngãi Huỳnh Thúc Kháng bị ốm nặng.
Huỳnh Thúc Kháng trút hơi thở cuối cùng vào ngày 21/4/1947, ông qua đời tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, thọ 71 tuổi. Để tỏ lòng thương tiếc và biết ơn nhà chí sĩ suốt đời tận tụy vì Tổ quốc, lễ tang của Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức trọng thể với nghi thức Quốc tang đầu tiên của nhà nước ta. Sau đó cụ được an táng trên núi Thiên Ấn, thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 29/4/1947, tại căn cứ địa Việt Bắc, Hồ Chủ tịch đã gởi đến đồng bào toàn quốc những lời vô cùng cảm động.
“Hỡi đồng bào yêu quí, Vị chiến sĩ tiền bối Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân vừa tạ thế.
Trước sự đau xót đó, Chính phủ đã ra lệnh làm quốc tang. Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao… Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan.
Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập… Nay chẳng may cụ Huỳnh tạ thế trước khi được thấy kháng chiến thành công.
Cụ Huỳnh tạ thế, nhưng cái chí vì nước vì nòi của cụ vẫn luôn sống mạnh mẽ trong lòng hai mươi triệu đồng bào chúng ta”.
Cả đời Huỳnh Thúc Kháng chỉ nguyện phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập. Huỳnh Thúc Kháng là người có ảnh hưởng lớn lao nhất trong thế hệ trẻ hôm nay.
Hiện nay, nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật có giá trị, được một người cháu nuôi trong dòng tộc bảo quản.
Để tưởng nhớ công lao và những đóng góp của ông đối với đất nước, với nhân dân, với cách mạng, ngày 19/3/2013, Chủ tịch nước ban hành Quyết định truy tặng Huân chương Sao Vàng cho ông. Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố đã lấy tên ông để đặt tên đường, tên trường cho nhiều tỉnh và thành phố trên đất nước Việt Nam.

BBT