Lê Cơ (1870 - 1918)
Lê Cơ, thường gọi là Xã Sáu, tên gọi mà nhân dân Phú Lâm cũng như các vùng lân cận đã nhắc đến với tất cả lòng kính yêu và ngưỡng mộ, Lê Cơ sinh năm 1859 (có tài liệu cho rằng ông sinh năm 1870) trong một gia đình vọng tộc tại làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay là xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).
Lê Cơ, thường gọi là Xã Sáu, tên gọi mà nhân dân Phú Lâm cũng như các vùng lân cận đã nhắc đến với tất cả lòng kính yêu và ngưỡng mộ, Lê Cơ sinh năm 1859 (có tài liệu cho rằng ông sinh năm 1870) trong một gia đình vọng tộc tại làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay là xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).
Thân phụ Lê Cơ là Lê Tuân tức ông Bá Tư, anh ruột bà Lê Thị Trung, mẹ của Phan Châu Trinh, thân mẫu là bà Nguyễn Thị, là ngoại thích của Thượng thư bộ Lại Nguyễn Thuật (thường gọi là cụ Thượng Hà Đình). Thuở nhỏ, Lê Cơ theo học với ông Huấn đạo Lộc Sơn, tại nhà cùng với hai người em trai và bốn người chị con ông bác ruột là ông Bá Hai.
Ông Phan Châu Trinh cũng học chung ở đây trước khi được cụ Đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong chọn về học tại trường tỉnh Thanh Chiêm.Sau khi đỗ Tam trường khoa Canh Tý 1900, có lẽ Lê Cơ cũng nhận thấy “Cái học khoa cử làm hại nước ta đã lâu, ngày nay đã thành đồ bỏ” như Phan Châu Trinh, nên Lê Cơ không tiếp tục theo đuổi con đường khoa cử, chỉ ở nhà tham gia vào những hoạt động yêu nước như tham gia phong trào Cần Vương.
Vốn đã được tiếp cận với những tư tưởng mới qua các sách “tân thư”, lại là anh em cô cậu với Phan Châu Trinh, Lê Cơ sớm nhận thức được mở mang dân trí, cải cách xã hội là một vấn đề cấp thiết, do đó năm 1903, khi bị tri phủ Thăng Bình ép buộc, Lê Cơ đứng ra nhận chức lý trưởng Phú Lâm. Sau đó, Ông đã dốc sức trừ nạn cường hào nhũng lạm: “bắt đầu cải cách từ việc sưu thuế cho đến việc tế tự, canh phòng, trăm điều chấn chỉnh, khiến cường hào không thể thực thi thủ đoạn ích kỷ như trước mà dân chúng trong làng đều tâm phục”. Công cuộc Duy Tân, cải cách dưới sự hướng dẫn của Lê Cơ đang tiến triển mạnh mẽ, quần chúng nhiệt tình hưởng ứng, làng Phú Lâm trở thành ngôi làng Duy Tân điển hình của toàn quốc, là kiểu mẫu để những nơi khác đến học tập. Nhưng đến tháng 3/1908, phong trào kháng sưu khất thuế của nhân dân Quảng Nam nổ ra rồi lan nhanh đến các tỉnh miền Trung, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, Lê Cơ bị bắt giam tại nhà lao Hội An. Ngày 29/8/1908, toà án Nam triều kết tội Lê Cơ: “tụ họp đông người, cải trang diễn thuyết, kết họp hàng xóm láng giềng, lập trù bảo hiểm, tự mình quyết đoán”, Lê Cơ bị xử phạt 100 trượng và bị đày 3 năm, các cơ sở Duy Tân bị triệt phá, mọi công cuộc kiến tạo của Lê Cơ trong mấy năm trời để cải cách làng Phú Lâm đã bị phá huỷ tan tành. Sau ba năm ở tù về, Lê Cơ lại tham gia vào cuộc vận động khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo. Ngày khởi sự, Lê Cơ có mặt tại Huế, giữ nhiệm vụ nổ pháo lệnh tại đồn Mang Cá trong kinh thành Huế. Cuộc khởi nghĩa bị bại lộ, Lê Cơ phò vua Duy Tân chạy đến Hà Trung thì bị bắt rồi bị đày đi Lao Bảo. Tại nhà lao này, có một người tù đau bệnh kiết lị đi vệ sinh, ngồi lâu trong đám cỏ, bị lính dùng bán súng đánh đập tàn nhẫn. Lê Cơ đang ngồi vót tre trông thấy hành động dã man đó, không thể nén được cơn giận, Lê Cơ cầm rựa xông tới xô xát với người lính, đòi chặt đầu tên lính. Lê Cơ liền bị Pháp bắn chết. Tên ông được sử dụng để đặt tên trường, tên đường ở nhiều nơi như Đà Nẵng, Tiên Phước, quận Bình Tân thành phố Hồ Chí Minh.