Lê Vĩnh Khanh (1819 - 1884)
Lê Vĩnh Khanh tự là Tử Minh, sinh năm Kỷ Mão (1819) tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Lê Vĩnh Khanh tự là Tử Minh, sinh năm Kỷ Mão (1819) tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Đỗ giải nguyên năm 1843, nên đồng bào địa phương thường gọi Giải Khanh. Năm 1844, đỗ phó bảng – là sớm nhất của khoa bảng Tiên Phước, nên ông được xem là người mở mối khoa bảng ở Tiên Phước ông được bổ Tri huyện Phù Cát (Bình Định). Tương truyền khi làm Tri huyện Phù Cát, gặp năm nắng hạn, mất mùa, dân chúng đói kém, nhiều nơi xảy ra nạn trộm cướp, lại có lệnh của triều đình cử Lê Vĩnh Khanh theo sứ đoàn của Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ sang Pháp để chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1863), Lê Vĩnh Khanh từ chối không đi. Lúc bấy giờ, viên Tuần phủ tỉnh Bình Định sẵn có tư hiềm với Lê Vĩnh Khanh (vì Tuần phủ mới đậu cử nhân, còn ông phó bảng lại giữ chức Tri huyện), mật tấu về triều đình rằng ông không tuân lệnh vua. Triều đình Tự Đức nêu lên 4 tội và triệu Lê Vĩnh Khanh về Huế để giải trình.
Đó là việc để cho dân trong hạt bị đói, trộm cướp sinh nhiều, thuế khóa bị chậm trễ, từ chối việc đi sứ sang phương Tây. Được lệnh triệu hồi, ông không về Huế ngay, mà chỉ trả lời bằng một tờ sớ theo thủ tục hành chính. Điều đáng lưu ý là trong văn bản, Lê Vĩnh Khanh chỉ xưng danh mà không xưng thần. Đại ý nội dung tờ sớ như sau: “Sở dĩ dân đói mất mùa, mà mất mùa là do thiên tai. Mất mùa, dân thiếu ăn mà triều đình không cho chẩn cấp, nên sinh ra trộm cướp. Dân đang đói thì làm sao có tiền để nộp thuế cho đúng kỳ, đúng hạn. Còn việc đi sứ sang Tây, thì điều trước hết phải biết tiếng Tây. Qua xứ người mà không biết tiếng của họ thì làm sao mà giao dịch, giải quyết công vụ, không khéo chỉ làm trò cười cho thiên hạ”. Ông từ thác việc đi sứ không phải vì trốn tránh trách nhiệm, mà vì thấy mình “không có khả năng đảm đang một công việc hệ trọng”. Cứ mỗi câu trả lời, đều kèm theo bốn chữ “khanh hà tội yên” (chớ khanh này có tội gì). Cuộc đời làm quan của Lê Vĩnh Khanh thanh liêm và công chính, nên được dân chúng kính trọng, ngày mùng 02 tháng Giêng năm Giáp Thân (1884), Ông bị bệnh và mất tại nhiệm sở. Linh cữu của Lê Vĩnh Khanh được an táng tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, sau đó gia đình di dời về cải táng tại quê nhà. Mộ Lê Vĩnh Khanh nằm dưới chân đồi Rừng Lớn nay thuộc thôn 02 xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Lê Vĩnh Khanh là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, ham hiểu biết của người dân xứ Quảng nói chung, người dân Tiên Phước nói riêng. Lê Vĩnh Khanh là bậc đại khoa không màng công danh, một mực yêu nước thương dân, chỉ mưu cầu độc lập, dân quyền. Tuy làm quan hưởng bổng lộc của triều đình nhưng Lê Vĩnh Khanh muốn thoát khỏi sự ràng buộc khắt khe của luật lệ phong kiến, muốn cho nhân dân no ấm, thoát khỏi sưu cao, thuế nặng của chế độ phong kiến đương thời. Để vinh danh ông, tên của ông được sử dụng để đặt tên cho trường học ở Đà Nẵng.