Tiên Phước long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Cây Cốc - Tiên Thọ
Sáng ngày 28/9, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tiên Phước long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Cuộc đấu tranh Cây Cốc - Tiên Thọ (29/9/1954 - 29/9/2024). Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Huỳnh Thị Thùy Dung - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Công Thanh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Về phía huyện có các đồng chí Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy, Phan Văn Dương - Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Trầm Quế Hương - Phó bí thư Chủ tịch UBND huyện, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện cùng thân nhân gia đình người tham gia cuộc đấu tranh Cây Cốc, nhân dân các xã, thị trấn thuộc huyện.
Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Đốc tặng quà tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh:N.HƯNG
Tại lễ kỷ niệm, Bí thư Huyện ủy Tiên Phước Phạm Văn Đốc đã thay mặt lãnh đạo huyện Tiên Phước tặng quà tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân gia đình có người tham gia cuộc đấu tranh Cây Cốc.
Diễn văn tại buổi lễ do đồng chí Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước đã ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của đồng bào, đồng chí, đảng viên trong cuộc đấu tranh Cây Cốc.
Cách đây 70 năm, vào những ngày cuối tháng 9 năm 1954, nơi đây, tại mảnh đất Tiên Thọ đã diễn ra sự kiện được ghi vào lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng và mãi mãi in sâu vào tâm khảm của mỗi người dân Tiên Phước nói riêng, nhân dân tỉnh Quảng Nam nói chung. Đó là cuộc đấu tranh của Nhân dân đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Đồng chí Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện đọc diễn văn ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của đồng bào, đồng chí, đảng viên trong cuộc đấu tranh Cây Cốc. Ảnh:N.HƯNG
Ngày 21.7.1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến tranh Đông Dương được ký kết, nhưng với âm mưu của đế quốc Mỹ là hất Pháp và lật Bảo Đại, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam - Việt Nam, chia cắt đất nước lâu dài, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Chúng tuyên bố xóa bỏ Hiệp định, không có hiệp thương tổng tuyển cử và trắng trợn khủng bố đàn áp, bắn giết cán bộ, đảng viên và Nhân dân vô cùng dã man.
Huyện Tiên Phước là vùng tự do trong 9 năm chống Pháp trở thành vùng bị quân đội Liên hiệp Pháp chiếm đóng nhằm âm mưu đàn áp cách mạng. Quân đội Liên hiệp Pháp và địch đã đến tiếp quản, đưa quân lính vào chiếm đóng những vị trí trọng yếu, trong đó tại Cây Cốc, địch đưa Tiểu đoàn 601 thuộc Trung đoàn 31 về đóng quân.
Tiên Phước long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đấu tranh Cây Cốc - Tiên Thọ. Ảnh;N.HƯNG
Ngày 27.9.1954, lực lượng Quốc dân đảng tại quận Tiên Phước đến bắt đồng chí Nguyễn Thông, Đảng viên Đảng cộng sản, cán bộ kháng chiến chống Pháp của xã Tiên Thọ đem về tra hỏi tại nhà tên Ngô Ngọc Hường. Được tin đồng chí Thông bị bắt, Nhân dân tại Cây Cốc đã tổ chức đấu tranh đòi trả tự do cho đồng chí Thông. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của đồng bào, Tiểu đoàn 601 đóng tại Tiên Thọ hoảng sợ và can thiệp buộc lực lượng Quốc dân Đảng phải thả đồng chí Nguyễn Thông về nhà.
Nhưng bọn Quốc dân Đảng không nguôi nổi hận vì mới ra quân trận đầu đã thất bại, tối ngày 28.9.1954, chúng triệu tập lực lượng bàn tính âm mưu bắt lại đồng chí Nguyễn Thông và dự tính chuyển về giam giữ tại quận nếu quân đội liên hiệp Pháp không giúp đàn áp đoàn người biểu tình.
Có gần 1.000 đại biểu đến tham dự Lễ. Ảnh:N.HƯNG
Ngày 29.9.1954, lực lượng Quốc dân đảng bắt đồng chí Nguyễn Thông về giam lần nữa. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng một giờ, tin tức đồng chí Thông bị bắt đã lan rất nhanh khắp nơi và đông đảo quần chúng đã có mặt vây quanh nhà tên Hường và đấu tranh đòi địch phải tuân thủ hiệp định Giơnevơ, thực hiện các yêu sách: Bảo đảm cho nhân dân đi lại làm ăn bình thường; Để cho nhân dân tối đến được thắp đèn, làm rơm đạp lúa. Không được bắt bớ khủng bố những người kháng chiến cũ để trả thù.
Trước làn sóng căm phẫn của đồng bào, bọn địch buộc phải xin lỗi nhưng đồng bào buộc địch phải ký vào biên bản cam kết. Sau khi đồng bào đã ra về, lúc 9 giờ sáng ngày 29/9/1954, một số người dân từ Tam Kỳ lên chợ Cây Cốc lại nổi trống mõ tập hợp đồng bào quanh chợ cùng đi đấu tranh. Được tin, Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước cử hai đồng chí Nguyễn Hào và Hồ Cột trở lại can ngăn và vận động người quen đứng ra can gián đồng bào mới chịu giải tán. Tại Tiên Cảnh, đồng chí Dương Đình Tú kịp thời phân công các đồng chí Lê Hộ, đồng chí Dương Sương đón chặn các ngã đường vận động đồng bào Tiên Cảnh trở về nhà.
Ở các xã Tiên Phong, Tiên Mỹ, Tiên Kỳ, Tiên Thọ, Tiên Lập, ta không thể can ngăn nổi dòng người ồ ạt kéo xuống chợ Cây Cốc nên cuộc đấu tranh vẫn nổ ra. Không mấy chốc, đồng bào ở các xã kéo đến, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng hô khẩu hiệu náo động các ngã đường, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh. Đồng bào Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh và Quảng Ngãi đi buôn bán tại Tiên Phước cũng hăng hái nhập cuộc làm cho lực lượng quần chúng biểu tình mỗi lúc một đông.
Người dân Tiên Thọ tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ảnh:N.HƯNG
Hoảng sợ trước cơn phong ba bão táp của quần chúng, bọn địch ở Cây Cốc đã cấp báo cho đồng bọn ở Tam Kỳ chi viện. Khoảng 10 giờ ngày 29/9/1954 vừa đến cầu Vôi, 3 chiếc máy bay khu trục của quân đội Pháp quần lượn trên bầu trời, địch đã ban hành mệnh lệnh đàn áp, liền sau đó lính của Tiểu đoàn 601 nổ súng vào nhân dân. Dưới đất thì xe tăng từ phía Tam Kỳ kéo lên Tiên Thọ, lính bộ binh của quân Liên hiệp Pháp nổ súng liên thanh vào lực lượng quần chúng nhân dân, người chết, người bị thương nằm la liệt chung quanh nhà Ngô Ngọc Hường và rải rác khu chợ Cây Cốc.
Sau khi thảm sát chúng lại cưỡng bức một số người dùng xe bò chở tử thi và cả những người bị thương nặng đổ xuống các hầm trú ẩn, giao thông hào tại thôn 3 xã Tiên Thọ, biến nơi đây thành những hố chôn tập thể. Hơn 330 đồng bào, đồng chí đảng viên trung kiên của ta đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh Cây Cốc vào những ngày cuối tháng 9 năm 1954 là tội ác tày trời của đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai bán nước.
Bộ mặt nông thôn Tiên Thọ ngày càng khởi sắc. Ảnh:N.HƯNG
Để tưởng nhớ tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, bất khuất của quân và dân ta; tưởng nhớ anh linh của đồng bào, đồng chí đã hy sinh trong cuộc đấu tranh Cây Cốc, năm 1980, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện nhà đã xây dựng Tượng đài Cây Cốc để làm chứng tích tố cáo tội ác dã man của kẻ thù tại nơi diễn ra cuộc đấu tranh; năm 2009, địa điểm Cuộc đấu tranh Cây Cốc - Tiên Thọ đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh; năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.
Năm 2021, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư mở rộng Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc đấu tranh Cây Cốc. Hiện dự án đã cơ bản hoàn thành một số các hạng mục và dự kiến công trình hoàn thành vào cuối năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh:N.HƯNG
Đối với xã Tiên Thọ, từ chỗ còn khó khăn về mọi mặt trong những năm chiến tranh, địa phương đã hồi sinh, phát triển nhanh và đến nay trở thành vùng kinh tế năng động nhất của huyện. Nằm trên trục đường Quốc lộ 40B kết nối đồng bộ hệ thống giao thông nội tỉnh, liên tỉnh, liên thông với Quốc lộ 1A, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thành phố Tam Kỳ, thành phố Đà Nẵng, Khu kinh tế mở Chu Lai… Tiên Thọ có lợi thế rất quan trọng trong giao thương, vận chuyển hàng hóa, hành khách, phát triển thương mại, dịch vụ; các tuyến đường liên thôn, liên xã thông suốt, tạo điều kiện tốt nhất cho sinh hoạt và đời sống của Nhân dân.
Các đại biểu đến dự Lễ. Ảnh:N.HƯNG
Tiên Thọ là một trong những xã tiên phong trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, sớm về đích nông thôn mới và đang được tập trung quyết liệt xây dựng Nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Công tác tri ân, đền ơn đáp nghĩa luôn được coi trọng và chu đáo; đời sống của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được chăm lo. Quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững, hệ thống chính trị ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, đối với sự nghiệp đổi mới ngày càng được củng cố và nâng cao.
Trước đó lãnh đạo huyện Tiên Phước, lãnh đạo xã Tiên Thọ đã đến viếng hương Đài tưởng niệm Cây Cốc. Ảnh:N.HƯNG
Phát biểu tại lễ kỷ niệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đã bày tỏ lòng thành kính tri ân đến những người đã hy sinh tại cuộc đấu tranh Cây Cốc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn mong muốn cán bộ và nhân dân huyện Tiên Phước phát huy tinh thần cuộc đấu tranh Cây Cốc và truyền thống anh hùng, cần đoàn kết xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Huyện Tiên Phước phấn đấu về đích huyện nông thôn mới vào cuối năm 2024 và xã Tiên Thọ phấn đấu về đích xã nông thôn mới vào năm 2025 như lộ trình đề ra.
Trước lễ kỷ niệm, lãnh đạo huyện Tiên Phước cùng lãnh đạo xã Tiên Thọ đã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm tại Tượng đài Cây Cốc, Nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Thọ và mộ Tổng Lãnh binh Trần Huỳnh, xã Tiên Thọ.