Lão nông “biến” đất trồng keo thành vườn cây ăn quả
Những năm qua, khá nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) đã chuyển đổi diện tích đất trồng keo sang trồng cây ăn quả được địa phương khuyến khích, hỗ trợ. Điển hình như mô hình chuyển đổi đất trồng keo sang trồng cây ăn quả của gia đình ông Trương Văn Sanh (70 tuổi, thôn 2) bước đầu cho hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, gia đình ông Sanh đã mạng dạng chuyển đổi gần 1,2 diện tích đất trồng keo lai ở vùng gò đồi Gò 1 sang đầu tư trồng các loại cây ăn quả như măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh...
Ông Sanh (ngoài cùng bên phải) chuyển đổi gần 1,2ha đất trồng keo sang trồng cây ăn quả.Ảnh:N.HƯNG
Ông Sanh cho biết trước đây khu đất Gò 1 này gia đình trồng keo lai, nhưng cây keo đang phát triển thì bị bão càng quét gãy đổ. Từ đó, ông quyết định không trồng keo nữa chuyển sang đầu tư trồng cây ăn quả. Nghĩ là làm, ông Sanh thuê xe múc vào mở đường, san ủi múc đất, đào đá cải tạo chất thành tầng bậc ngay hàng, thẳng lối trồng các loại cây ăn quả có giá trị. Trong đó, gia đình trồng 115 cây măng cụt, 85 cây sầu riêng, bưởi da xanh 80 cây, 800 cây cau. Để “lấy ngắn nuôi dài”, ông Sanh trồng xen kẽ cây ổi, mít thái, chuối nai...
Hiện cây ổi bắt đầu cho quả. Mỗi kg giá bán dao động từ 20 - 25 nghìn đồng. Ảnh:N.HƯNG
Theo ông Sanh việc đầu tư làm vườn đa canh, đa tầng, đa cây, không tập trung vào một loại cây, sẽ tận dụng hết được đất, lấy ngắn nuôi dài. Cây này bù cây khác, khi cây này mất mùa thì cây khác sẽ bù lại, trồng như vậy khu vườn sẽ cho thu nhập quanh năm. Để có nguồn nước tưới cho cây ăn quả, ông Sanh đào giếng khoang sâu gần 80m dưới chân đồi và lắp đặt hệ thống dây dẫn dài gần 1km bơm nước lên hồ chứa tưới tiêu cho cây trồng. Hệ thống tưới nước được đầu tư bán tự động, nhỏ giọt dưới gốc cây, vừa đảm bảo nước tưới vào mùa khô vừa tiết kiệm nước. Nhờ được đầu tư chăm sóc chu đáo nên các loại cây trồng được khoảng 2 năm tuổi đang phát triển xanh tốt. Hiện một số loại cây trồng như cau, ổi, chuối lùn đã bắt đầu cho thu hoạch.
Vườn măng cụt 2 năm tuổi đang lên xanh tốt. Ảnh:N.HƯNG
Nhìn vườn cây ăn trái đủ các loại phát triển xanh tốt chỉ sau hai năm trồng, ông Sanh không giấu được niềm vui: “Khu Gò 1 này trước đây nhấp nhô, không được bằng phẳng, đá lớp này chồng lên lớp khác lô nhô. Tôi kêu xe múc về san ủi làm mặt bằng, riêng lượng đá múc lên gần 600 khối. Lượng đá đào lên tôi bỏ công chất thành tầng bậc giữ cho đất khỏi bị rửa trôi và tạo ra cảnh đẹp cho khu vườn đồi. Vườn cây ăn quả đang phát triển tốt, riêng cây ổi và chuối nai, cau đã cho thu hoạch. Trên cùng một diện tích, nếu so với trồng keo thì trồng cây ăn quả cho thu nhập gấp nhiều lần”.
Ngoài chăm sóc khu vườn đồi Gò 1, vợ chồng ông Sanh còn đầu tư chỉnh trang khu vườn nhà rộng hơn 16 sào, trồng các loại cây ăn quả như lòn bon, dó bầu, cau, chuối các loại... Mỗi năm khu vườn cho thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng.
Ông Sanh chất đá thành tầng bậc chống rửa trôi đất và tạo cảnh quan đẹp khu vườn đồi. Ảnh: N.HƯNG
Trong quá trình cây ăn quả, cán bộ xã Tiên Cảnh cùng Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện xuống hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục thực hiện Nghị quyết 35 và được nhà nước hỗ trợ sau đầu tư với số tiền gần 75 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân mà vợ chồng ông Sanh còn nhiệt tình vận động, truyền đạt kinh nghiệm cho bà con trong thôn cùng phát triển mô hình kinh tế vườn từ trồng cây ăn quả để có thu nhập cao hơn. Được biết, Tiên Cảnh là một trong những địa phương đi đầu của huyện trong việc thực hiện Đề án 03 và Nghị quyết 35.
Ông Sanh đang chăm sóc vườn đồi cây ăn quả. Ảnh:N.HƯNG
Ông Võ Duy Nhân - Cán bộ trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Tiên Phước cho biết: “Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cây keo, sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao là hướng đi giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập. Thời gian qua, Trung tâm thường xuyên phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấnchuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả. Song song với tập huấn cán bộ Trung tâm cũng xuống nhà vườn trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân các chăm sóc, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh. Qua đó, góp phần giúp cho người nông dân dạng đầu tư mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao”.