Định hướng sinh hoạt chi bộ tháng 11/2024
Định hướng sinh hoạt chi bộ tháng 11/2024
KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA THƯỜNG TRỰC HĐND HUYỆN 9 THÁNG ĐẦU NĂM, NHIỆM VỤ 03 THÁNG CUỐI NĂM 2024
Đồng chí Nguyễn Minh Xinh - UVTV, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện Tiên Phước đã triển khai và thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Nghị quyết, kế hoạch đề ra. Thường trực Hội đồng nhân dân huyện đã chủ động, tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện chuẩn bị nội dung, chương trình kỳ họp; triệu tập và tổ chức thành công 05 kỳ họp (01 kỳ họp thường lệ, 04 kỳ họp chuyên đề), ban hành 38 Nghị quyết để giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân huyện.
Trong 9 tháng, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện và các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân huyện tổ chức 19 cuộc giám sát, 25 cuộc khảo sát trên các lĩnh vực đối với Ủy ban nhân dân huyện, các ngành, địa phương trên địa bàn huyện: (1) Đề án phát triển thương mại, dịch vụ; phát triển khoa học, công nghệ trên địa bàn huyện; (2) việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng Quế Trà My theo Nghị quyết số 40/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh và việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND 14/10/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh; (3) việc thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của Hội đồng nhân dân huyện về Thông qua Đề án “Phát triển giáo dục mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; (4) công tác quản lý nhà nước về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất các công trình trên địa bàn huyện; (5) việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 29/9/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 và Đề án 03 của Ủy ban nhân dân huyện về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017-2025; (6) việc thực hiện kết luận sau giám sát về đầu tư, quản lý, sử dụng các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn huyện; (7) việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính; (8) việc thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; (9) việc xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản; (10) về thực hiện khắc phục tồn tại hạn chế sau giám sát; (11) giám sát giải quyết ý kiến cử tri sau kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện...
Tổ chức 09 phiên họp thường kỳ và chuyên đề để đánh giá rút kinh nghiệm công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp; tình hình thực hiện nhiệm vụ của tháng trước, bàn nhiệm vụ tháng tiếp theo; xem xét tiến độ thực hiện các kết luận tại phiên họp trước của các cơ quan liên quan; việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, chuẩn bị nội dung tổ chức các kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện và giải quyết các vấn đề Ủy ban nhân dân huyện huyện đề nghị. Thường xuyên giữ mối liên hệ và điều hòa hoạt động giữa Thường trực Hội đồng nhân dân huyện với các Ban Hội đồng nhân dân huyện để thuận tiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, giám sát, khảo sát tại các ngành, địa phương; định hướng về lĩnh vực, ngành, cơ quan, đơn vị cần giám sát, khảo sát; hiệu lực, hiệu quả của các Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện trong thực tiễn cuộc sống. Tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với các Ban, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân huyện và Thường trực, các Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã nhằm đánh giá tình hình hoạt động của Hội đồng nhân dân từ huyện đến xã; trao đổi, thống nhất triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến hoạt động của các Ban Hội đồng nhân dân huyện, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã và một số nội dung liên quan khác; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của các địa phương.
Ngoài ra, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện đã phối hợp với Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQVN huyện tổ chức tốt các đợt tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh. Công tác phối hợp giữa Thường trực Hội đồng nhân dân huyện với Ủy ban nhân dân huyện, UBMTTQVN huyện và các phòng ban, đơn vị có liên quan duy trì thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả. Công tác tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn được quan tâm thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật và theo Quy chế đã ban hành.
Để tiếp tục triển khai thực hiện đạt kết quả Chương trình công tác năm 2024; Thường trực Hội đồng nhân dân huyện đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm của 03 tháng cuối năm 2024, cụ thể như sau:
Phối hợp UBND huyện và các cơ quan liên quan tổ chức kỳ họp chuyên đề để giải quyết các vấn đề phát sinh của huyện theo đề nghị của UBND huyện và kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 nhằm đánh giá tình hình hoạt động năm 2024 của các cơ quan liên quan theo Luật định; ngoài ra, kỳ họp sẽ xem xét, quyết định các nội dung, vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền liên quan đến việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương trên cơ sở xem xét các báo cáo, đề án, tờ trình của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân huyện và ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân huyện tại kỳ họp.
Tổ chức giám sát Ủy ban nhân dân huyện và tổ chức phiên giải trình về tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện về khai thác quỹ đất trên địa bàn huyện theo kế hoạch. Tích cực kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kết luận sau giám sát để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế. Duy trì và nâng cao chất lượng các phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân huyện hằng tháng; phối hợp Ủy ban nhân dân huyện, các ngành và địa phương xử lý kịp thời, cho ý kiến đối với các vấn đề phát sinh theo đúng quy định pháp luật và thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân huyện.
Thường xuyên giữ mối liên hệ và điều hòa hoạt động giữa Thường trực Hội đồng nhân dân huyện với các Ban Hội đồng nhân dân huyện để thuận tiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, giám sát, khảo sát tại các ngành, địa phương; định hướng về lĩnh vực, ngành, cơ quan, đơn vị cần giám sát, khảo sát về hiệu lực, hiệu quả của các Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện trong thực tiễn cuộc sống. Theo dõi, hướng dẫn nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân huyện.
Phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khu vực Tiên Phước trong các đợt kiểm tra, giám sát, tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh (theo kế hoạch của tỉnh). Phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã triển khai tổ chức tiếp xúc cử tri sau các kỳ họp thường lệ, chỉ đạo tổng hợp ý kiến của cử tri gửi cơ quan chức năng trả lời, giải quyết; giám sát việc giải quyết, trả lời ý kiến của cử tri, tổng hợp kiến nghị của các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân huyện để đề nghị các cơ quan liên quan thực hiện.
Tiếp tục thực hiện việc xây dựng báo cáo chính trị chuyên đề về hoạt động của Hội đồng nhân dân phục vụ Tiểu ban văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII; tham gia chỉ đạo công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy xã Tiên Cẩm - Tiên Sơn theo chức năng, nhiệm vụ sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2023 - 2025; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân...
NHÌN LẠI 10 NĂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN
Đồng chí Trần Thanh Hải - HUV - Trưởng Phòng GD & ĐT huyện
Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GDĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29-NQ/TW) xác định rõ mục tiêu: "Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân".
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW trên địa bàn huyện, trên tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện. Ngành giáo dục đã phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chương trình số 30-CTr/HU ngày 27/3/2014 về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; UBND huyện ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 15/4/2014 về thực hiện Chương trình 30-CTr/HU, Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 21/3/2017 của UBND huyện về thực hiện Đề án phát triển giáo dục Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2025; Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 12/3/2024 về thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND huyện về phát triển giáo dục Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 để chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Trên cơ sở đó, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, các ngành, các cấp và các đơn vị trường học đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT; đồng thời lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ vào Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Sau 10 năm triển khai thực hiện, mặt dù cũng còn nhiều khó khăn, thách thức ít nhiều ảnh hưởng bất lợi đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và UBND huyện, các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến các xã, thị trấn đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo huyện nhà và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đó là:
Thứ nhất, công tác triển khai, quán triệt và tuyên truyền các nội dung về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT được quan tâm và tập trung thực hiện góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, mục đích, ý nghĩa; Qua đó, làm cho cán bộ, Đảng viên, các tầng lớp nhân dân, cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên, nhân viên các trường học hiểu rõ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền GDĐT trong hệ thống chính trị, toàn ngành giáo dục và sự đồng thuận trong xã hội.
Thứ hai, công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo, CBQL có tư duy tiến bộ, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để CBQL và cán bộ dự nguồn tham gia đào tạo trung cấp chính trị, bồi dưỡng quản lý giáo dục, ngoài ra ngành Giáo dục thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao chất lượng công tác chuyên môn.
Thứ ba, các trường học chủ động, tích cực tổ chức thực hiện các hình thức học tập đa dạng, phù hợp với từng đối tượng học sinh theo các hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ GDĐT, Sở GDĐT về thực hiện Chương trình GDPT 2018. Chú trọng tổ chức các hoạt động ngoài giờ, hoạt động trải nghiệm, nhất là các hoạt động giáo dục đạo đức, chính trị, pháp luật, mỹ thuật, thể chất, ý thức công dân, lịch sử, địa lý địa phương, môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, dịch bệnh, an toàn giao thông... nhằm hình thành lối sống lành mạnh và nâng cao năng lực hoạt động xã hội cho học sinh.
Nhờ đó, chất lượng giáo dục có bước chuyển biến tích cực. Tỉ lệ học sinh lên lớp thẳng, hoàn thành chương trình tiểu học, xét tốt nghiệp trung học cơ sở, tốt nghiệp trung học phổ thông, tỉ lệ học sinh học khá, giỏi tăng hằng năm và dần đi vào thực chất. Kết quả tham gia các hội thi, kỳ thi cấp tỉnh của GV và học sinh đạt thành tích cao, luôn dẫn đầu khu vực miền núi và tiệm cận với các huyện đồng bằng như giao lưu tiếng Anh, thi học sinh giỏi THCS, THPT các môn văn hóa, thi khoa học kỹ thuật; thi thiết kế bài giảng E-learning, giáo viên dạy giỏi…
Thứ tư, công tác kiểm định chất lượng và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm đầu tư, ngành GDĐT làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo các cấp, đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư, góp phần tích cực trong việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học ngày càng đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em. Đến nay, toàn huyện có 43/45 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 95,5%, tăng 06 trường so với năm 2020. Phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt 100% theo chỉ tiêu Nghị quyết Huyện ủy đề ra. Huyện Tiên Phước là 1 trong 4 huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học – xóa mù chữ và phổ cập trung học cơ sở.
Thứ năm, thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện. Phương pháp dạy - học và công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới theo hướng hiện đại, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW còn một số hạn chế, khó khăn đó là: Một số CBQL chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới, còn tình trạng đội ngũ giáo viên thừa, thiếu cục bộ ở các cấp học; một số giáo viên chậm đổi mới phương pháp dạy học; Chất lượng giáo dục thể chất, thẩm mỹ, năng khiếu cho học sinh còn nhiều hạn chế, thể lực học sinh chưa được nâng lên đáng kể. Việc đổi mới phương pháp dạy học chưa đồng bộ. Công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông chưa đem lại hiệu quả cao, chưa định hướng được nghề nghiệp cho học sinh dẫn đến việc phân luồng sau THCS, THPT tiến triển chậm, còn bộc lộ nhiều khó khăn; tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở một số trường còn chậm so với kế hoạch; cơ sở vật chất trường lớp tuy được tập trung đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, tổ chức các hoạt động thực hành, thí nghiệm cũng như các hoạt động giáo dục khác theo yêu cầu đổi mới trong nhà trường, một số trường hiện đang xuống cấp, thiếu phòng học, phòng chức năng. Trang thiết bị trường học chưa đáp ứng yêu cầu nhất là đối với thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội ở một số nơi chưa chặt chẽ; việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục còn nhiều khó khăn.
Đứng trước những khó khăn, thách thức trên đòi hỏi ngành giáo dục phải tập trung tham mưu Huyện ủy, HĐND, UBND có những chủ trương, quyết sách căn cơ nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, phấn đấu đạt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra, đến năm 2025 có 100% trường học trên địa bàn huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đưa chất lượng giáo dục huyện Tiên Phước ngang bằng với các huyện đồng bằng, cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể sau:
Một là, tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh, huyện về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Tập trung thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo. Tăng cường phối hợp giữa ngành giáo dục với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nhằm thực hiện tốt công tác tham mưu với UBND huyện trong tổ chức các hoạt động giáo dục.
Hai là, đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến phổ thông, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ, tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để học sinh tự cập nhật tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống,…; chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập mang tính chất trải nghiệm thực tế, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; tổ chức dạy học lịch sử địa phương. Nâng cao chất lượng dạy và học tin học, ngoại ngữ theo hướng chuẩn hóa, thiết thực. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, dạy học.
Ba là, tăng cường giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống, giá trị sống và kĩ năng sống, giáo dục thể chất; giáo dục bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; giáo dục về chủ quyền biển, đảo, tiết kiệm năng lượng... Đây là một yếu tố rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách, phát triển con người toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ ...hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, bổ trợ tích cực cho học sinh trong việc học tập nâng cao kiến thức các môn văn hóa.
Bốn là, xây dựng đội ngũ CBQL giáo dục có đủ trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, tập trung đào tạo và bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa, phát huy năng lực công tác, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong nhà giáo; đồng thời, phải phù hợp với vị trí việc làm, đảm bảo sự cân đối, hợp lý về số lượng, chất lượng, hạn chế tình trạng thừa thiếu cục bộ. Tổ chức thường xuyên, hiệu quả các hội giảng, hội thi, hội thảo, chuyên đề; khuyến khích hoạt động tham quan, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quản lý, chuyên môn giữa các trường trong, ngoài huyện nhằm nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ. Đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy tốt – học tốt, bình xét thi đua đảm bảo công bằng, khách quan, phát huy và nhân điển hình các cá nhân xuất sắc.
Năm là, tham mưu UBND huyện tập trung nguồn lực xây dựng, nâng cấp phòng học và các phòng chức năng đảm bảo 100% trẻ mầm non được học ở bán trú, 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, đảm bảo đủ các phòng học theo quy định, trang bị đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng dạy học tối thiểu để phục vụ dạy học theo Chương trình GDPT năm 2018 vào năm 2025; tiếp tục thực hiện việc sắp xếp hệ thống trường, lớp phù hợp, giảm các điểm trường lẻ.
Sáu là, đẩy mạnh công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng HS, thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp đối với phụ huynh và học sinh ở cấp THCS. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục; tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giáo dục; chú trọng công tác khuyến học, khuyến tài, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Giáo dục Tiên Phước phấn đấu ngang bằng với các huyện đồng bằng về chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó tập trung thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và các hội thi, kỳ thi cấp tỉnh; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, xây dựng môi trường sư phạm xanh-sạch- đẹp-an toàn làm điểm nhấn trong xây dựng văn hóa nhà trường. Với những kết quả đáng ghi nhận, là nền tảng vững chắc cho chặng đường dài phía trước, và với quyết cao tâm của toàn ngành, tin tưởng rằng giáo dục Tiên Phước sẽ xác định được đúng hướng đi, từng bước hoàn thành mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT, đáp ứng được những mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà.
ĐẢNG BỘ XÃ TIÊN MỸ - 75 NĂM DẤU ẤN VẺ VANG VÀ TỰ HÀO (10/11/1949 - 10/11/2024)
Đồng chí Võ Kim Hiên - Bí thư Đảng ủy xã Tiên Mỹ
75 năm qua, dù phải trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, cả khi khó khăn cũng như thuận lợi, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các thế hệ cán bộ, đảng viên, Nhân dân Tiên Mỹ đoàn kết một lòng cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 10/11/2024, kỷ niệm tròn 75 năm thành lập Đảng bộ xã, đây là dịp để cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn xã ôn lại lịch sử vẻ vang, rất đỗi tự hào để cùng đoàn kết thực hiện khát vọng vươn cao, vươn xa, sớm hiện thực hóa mục tiêu cuối năm 2024 đưa xã Tiên Mỹ trở thành xã Nông thôn mới nâng cao.
Xã Tiên Mỹ trong những năm cuối thế kỷ XIX đến năm 1975
Từ năm 1945 trở về trước, xã Tiên Mỹ dưới sự cai trị của thực dân Pháp và phong kiến, đời sống nhân dân vô cùng cơ cực. Hầu hết người dân bị đói kém, thất học, đau ốm khắp nơi. Chính vì vậy, các tầng lớp nhân dân bị áp bức, bóc lột và sĩ phu yêu nước đã đứng lên đấu tranh mạnh mẽ. Cách mạng tháng Tám (1945) nổ ra, nhân dân trong xã cùng với đồng bào cả nước vùng lên đấu tranh, trong khí thế dân tộc quật cường, lật đổ ách thống trị của thực dân - phong kiến, giải phóng đất nước, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Ngày 10/11/1949, Huyện ủy Tiên Phước ra quyết định thành lập Chi bộ Đảng xã Tiên Mỹ, lấy mật danh là Chi bộ Võ Nguyên Giáp. Chi bộ có 3 đảng viên là Võ Bẫm, Hồ Hanh, Phạm Viết Biên, do đồng chí Võ Bẫm làm Bí thư. Đến năm 1951, Chi bộ Võ Nguyên Giáp có 53 đảng viên. Để nâng cao hiệu lực lãnh đạo của Đảng trên địa bàn xã, Huyện ủy quyết định thành lập Đảng bộ xã và chỉ đạo tổ chức Đại hội Đảng bộ, tiến hành sinh hoạt, chỉnh đốn Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Đầu năm 1951, Chi bộ Võ Nguyên Giáp tổ chức Đại hội thành lập Đảng bộ (đây là Đại hội lần thứ I của Đảng bộ xã Tiên Mỹ). Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm có 9 đồng chí, đồng chí Hồ Hanh được bầu giữ chức Bí thư.
Sau đại hội lần thứ I, Đảng bộ xã Tiên Mỹ tiến hành nhiều biện pháp xây dựng Đảng về tư tưởng và tổ chức, mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên cả trong nhận thức và hành động. Nhờ vậy, chỉ sau thời gian ngắn, chất lượng của đội ngũ đảng viên và hiệu lực lãnh đạo của các chi bộ và Đảng bộ xã được nâng lên rõ rệt. Tháng 2 năm 1952, Đảng bộ xã Tiên Mỹ triệu tập Đại hội lần thứ II. Đại hội đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành nhiệm kỳ thứ I và đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương như đảm phụ quốc phòng, luyện quân lập công, tăng cường bố phòng đánh địch, chống địch nhảy dù, thi đua ái quốc, tự túc sản xuất, giảm tô, giảm tức, bồi dưỡng sức dân. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 9 đồng chí, sau đó Ban Chấp hành bầu đồng chí Phạm Huy Điện làm Bí thư.
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, đế quốc Mỹ âm mưu nhảy vào độc chiếm miền Nam Việt Nam, tiến công miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ này, cán bộ, đảng viên rút vào hoạt động bí mật, một số hoạt động bán công khai để lãnh đạo nhân dân Tiên Mỹ tiếp tục tham gia đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định. Chính quyền Ngô Đình Diệm dưới sự trợ giúp của đế quốc Mỹ, chúng ra sức thực thi chính sách tố Cộng, diệt Cộng. Được bọn Quốc dân đảng tiếp tay, cung cấp đầy đủ tình hình, danh sách cán bộ, đảng viên, địch đã tiến hành hàng trăm vụ bắt bớ, giam cầm. Ban đầu chúng bắt cán bộ, đảng viên, sau đó đến những gia đình trung kiên có cảm tình với cách mạng, những gia đình có con em đi tập kết. Tại Tiên Mỹ, trong thời gian ngắn địch đã bắt nhiều cán bộ, đảng viên; ban đầu chúng bắt giam các đồng chí trong nhà những tên ác ôn, Quốc dân đảng, sau đó chúng đưa vào trại giam của huyện. Riêng đồng chí Ngô Đôi bị chúng bắt đi đày ở Côn Đảo, đồng chí Huỳnh Hy bị giam ở nhà lao Hội An. Nhiều đồng chí dù bị địch đánh đập, hành hạ đau đớn về thể xác và tinh thần nhưng vẫn không khai báo tổ chức như đồng chí Võ Bẫm, ông Viêm, Huỳnh Hy, Bùi Khứ và nhiều đồng chí thể hiện lòng thủy chung son sắc với Đảng như Đỗ Châu, Nguyễn Đào, Đoàn Văn Trực, Trần Đa,...
Sau chiến dịch vượt sông Tranh giải phóng Lãnh - Ngọc (27/10/1961) và vượt sông Tiên giải phóng Sơn Cẩm Hà (25/9/1962), các đồng chí Huỳnh Hy, Huỳnh Dung được các đồng lãnh đạo huyện quán triệt, tuyên truyền về chủ trương đấu tranh mới của Đảng, đồng chí Huỳnh Hy từ Tiên Phong bí mật tìm đường lên địa bàn Tiên Mỹ móc nối, xây dựng cơ sở cách mạng.
Tháng 3 năm 1964, Đội công tác và Chi bộ xã Tiên Mỹ được thành lập, có 3 đồng chí Nguyễn Đoàn, Nguyễn Đậu, Huỳnh Hy, đồng chí Nguyễn Đoàn làm Bí thư kiêm đội trưởng đội công tác. Cuối năm 1964, đội công tác móc nối thêm được các cơ sở như đồng chí Võ Bẫm, Dương Ngọ, Đỗ Châu, ... Đội công tác đã tích cực tuyên truyền cách mạng trên địa bàn xã. Tức tối địch lùng bắt đồng chí Võ Bẩm, Đỗ Châu, Dương Ngọ,.. đem về tra tấn dã man, kể cả thủ tiêu song các đồng chí còn sống như Võ Bẩm, Đỗ Châu vẫn không hề khai báo, sau đó đồng chí Võ Bẩm tìm cách thoát ly hoạt động cách mạng. Từ năm 1968 đến năm 1972, đội công tác tích cực diệt ác phá kèm, phối hợp cùng bộ đội tỉnh, huyện giành thắng lợi ở nhiều trận chiến đấu.
Từ năm 1973, đồng chí Hoàng Văn Tập, Huyện ủy viên được phân công phụ trách Bí thư Chi bộ xã Phước Mỹ tiếp tục lãnh đạo công tác giữ dân, giữ vững hoạt động của chi bộ xã Tiên Mỹ, đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Pari. Ngày 10/3/1975, phối hợp với các lực lượng của Quân khu, tỉnh và huyện đồng chí Hoàng Văn Tập lãnh đạo lực lượng vũ trang xã tiến công giải phóng hoàn toàn xã Tiên Mỹ.
Lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương; tập trung xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh (1975 đến nay)
Ngày 15/3/1975, xã Tiên Mỹ mít tinh ra mắt chính quyền cách mạng lâm thời. Nhiệm vụ cấp bách của xã Tiên Mỹ lúc này là bắt tay xây dựng lại quê hương, đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khẩn trương nhiều biện pháp đáp ứng yêu cầu bức thiết về ổn định xã hội, ăn, mặc, ở, học hành, chữa bệnh…của nhân dân. Sau 3 năm, công tác khắc phục hậu quả chiến tranh trên địa bàn xã cơ bản đạt kết quả tốt, giải quyết xong các tàn dư của chế độ cũ, huy động nhân dân tham gia hỗ trợ các xã trên địa bàn huyện trong các phong trào như khai hoang vở hóa, tấn công đồng cỏ; đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự trị an xã hội và nhiều công tác khác về ổn định an sinh xã hội. Ngoài ra nhân dân xã nhà đã hỗ trợ hàng trăm ngày công khai hoang, vở hóa giúp nhân dân các xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà.
Sau khi ổn định tình hình xã hội, các cấp ủy Đảng lãnh đạo thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, trọng tâm xây dựng mô hình kinh tế “hợp tác xã”. Chi bộ xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức vận động nhân dân tham gia vào hợp tác xã, tham gia vào con đường làm ăn tập thể, xóa bỏ cá thể, tư hữu; vận động nhân dân tham gia lao động phục vụ hàng năm tại 2 công trình trung thuỷ nông Đá Vách (Tiên Cảnh) và đại thủy nông Phú Ninh (Tam Kỳ)…
Từ Đại hội Chi bộ xã lần thứ III nhiệm kỳ (1979 - 1981) đến Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XV, nhiệm kỳ (2020 - 2025), Đảng bộ xã đã tích cực giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế của cơ chế quan liêu bao cấp, đồng thời đầu tư tâm huyết, trí tuệ để hoạch định chủ trương, giải pháp năng động để đưa huyện nhà phát triển hoà nhập trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường, tạo nên sự phấn khởi, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương tạo điều kiện phát triển mọi mặt từ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Đảng bộ xã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân hưởng ứng tích cực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển cao. Phát triển nông - lâm nghiệp kết hợp tiểu thủ công nghiệp, trong đó phát triển nông nghiệp một cách toàn diện cả trồng trọt và chăn nuôi, coi trọng phát triển kinh tế vườn truyền thống, kinh tế trang trại. Đẩy mạnh triển khai công tác chỉnh đốn Đảng, triển khai thực hiện nghiêm túc chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. Đẩy mạnh công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực quan tâm xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh làm bê tông hóa giao thông nông thôn. Triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ từ “học tập” sang “làm theo” Bác, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn xã. Qua sơ kết 03 năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện, 01 tập thể và 01 cá nhân được Ban Thường vụ Huyện ủy khen thưởng.
Phát huy kết quả đã đạt được, Đảng bộ xã tiếp tục triển khai công cuộc xây dựng xã nông thôn mới hướng tới đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao
Hệ thống chính trị được tập trung kiện toàn vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện nghiêm túc. Trải qua 75 năm thành lập, xây dựng và phát triển, từ khởi điểm chỉ có 03 đảng viên, đến nay Đảng bộ xã đã có 11 chi bộ trực thuộc, với 107 đảng viên. Kết quả đánh giá xếp loại đảng viên năm 2023, Đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ; 11/11 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong đó có 02 chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 93/103 đảng viên được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương IV (khóa XII, XIII) đạt được nhiều kết quả cao. Mặt trận và các đoàn thể được củng cố thường xuyên, hiệu quả hoạt động ngày được nâng lên. Quyền làm chủ của nhân dân, dân chủ xã hội ngày càng được phát huy. Trong 5 năm qua Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội đã khen thưởng và đề nghị khen thưởng cho 27 tập thể và 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận.
Toàn Đảng, toàn dân tiếp tục chăm lo phát triển kinh tế, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất cây trồng, con vật nuôi. Kinh tế vườn, kinh tế trang trại ngày càng được đầu tư kinh phí để phát triển. Đến nay toàn xã còn 46 hộ nghèo và hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,97% (giảm 4 hộ nghèo và 04 hộ cận nghèo so với năm 2023). Từ năm 2021 đến nay trên địa bàn xã đã triển khai và thực hiện được 68 mô hình kinh tế vườn và 01 mô hình kinh tế trang trại với số tiền trên 3 tỷ đồng theo Đề án 548 của HĐND huyện và Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người 56,105 triệu đồng/người/ năm (tăng 14,905 triệu đồng so với năm 2020 về đích xã NTM).
Kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu an sinh xã hội. 100% hộ đăng ký sử dụng điện; đường liên xã, liên thôn đã được cứng hóa tỷ lệ 100%; Đường ngõ, xóm đã được đầu tư bê tông cứng hóa hơn 11,556km tỷ lệ đạt 91.7%. Trường Mẫu giáo Tiên Mỹ và trường Tiểu học Tiên Mỹ có CSVC đạt chuẩn mức độ 1 đang phân đấu nâng chuẩn mức độ 2; trường THCS Võ Thị Sáu có CSVC đạt mức độ 2; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ 97,52%.
Đến nay cán bộ và nhân dân Tiên Mỹ đang tập trung xây dựng và phấn đấu đến cuối năm 2024 hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao và 6/6 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tích cực chỉ đạo và tổ chức thực hiện sôi nổi với nhiều hình thức, nội dung phong phú. Công tác xây dựng gia đình văn hóa đạt trên 95% hằng năm, tộc họ, cơ quan văn hóa được duy trì phát triển.
Công tác giáo dục được quan tâm, chất lượng giáo dục ngày càng tăng lên ở các cấp học, hằng năm học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh đạt giải cao. Tiếp tục duy trì chất lượng kết quả phổ cập mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được thực hiện thường xuyên. Công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm thực hiện thường xuyên. Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, số vụ phạm tội về trật tự xã hội; tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, cháy, nổ được kiềm chế và giảm so với các năm trước. Hằng năm hoàn thành 100% chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ, huấn luyện dự bị động viên, dân quân tự vệ; thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng đạt loại khá trở lên.
Sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Tiên Mỹ hôm nay đang đứng trước nhiều thuận lợi song cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn sắp tới, Đảng bộ kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân xã nhà phải phấn đấu, nỗ lực hết mình để cùng chung tay góp sức giải quyết những hạn chế, khó khăn còn tồn tại, trong đó vai trò lãnh đạo sáng suốt, linh hoạt của Đảng bộ là yếu tố quyết định thành công. Mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải phấn đấu, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sâu sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân; phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và tích cực tìm ra giải pháp, hiến kế cùng Đảng bộ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ xã Tiên Mỹ (10/11/1949 - 10/11/2024), chúng ta vô cùng tự hào về chặng đường lịch sử đầy hy sinh, gian khổ và vinh quang mà Đảng bộ xã đã giàu công lãnh đạo để đạt được. Càng tự hào đối với công lao của các bậc cha anh bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm to lớn của mỗi đảng viên, tổ chức đảng hôm nay đối với quê hương, đất nước trong chặng đường sắp tới.
Bản tin Tiên Phước trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết "Chống lãng phí" của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
CHỐNG LÃNG PHÍ
***
Đồng chí Tô Lâm
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
1. Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng phòng, chống lãng phí. Bác căn dặn “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”; Người chỉ rõ “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”; “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”; Người nhiều lần nhấn mạnh “Phải quý trọng của công: Tất cả cái ăn, cái mặc, cái dùng của các cô, các chú là mồ hôi nước mắt của đồng bào. Phải tiết kiệm, giữ gìn, không được lãng phí; “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ "giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Vì vậy, chiến sĩ và nhân dân phải hăng hái tham gia phong trào ấy”. Không chỉ là thường xuyên căn dặn, nhắc nhở, bàn luận về tiết kiệm, chống lãng phí dưới góc độ lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đã truyền cảm hứng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua, huy động, hội tụ tiềm lực, sức mạnh chiến thắng thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận về phòng, chống lãng phí. Ngày 21/8/2006, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; ngày 25/5/2012, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) ban hành Kết luận số 21-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương (khóa X); ngày 21/12/2012, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... chưa có chuyển biến rõ rệt... phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế... Tham nhũng, lãng phí... vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp... ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”. Thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 1998; Quốc hội đã thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 và năm 2013; Hiến pháp năm 2013 quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước”.
Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hiến pháp và quy định của pháp luật, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khai thác, sử dụng các nguồn lực của đất nước được nâng lên. Ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập đến chấp hành dự toán và quyết toán; mua sắm, trang bị, quản lý và sử dụng tài sản, phương tiện đi lại, trang thiết bị làm việc trong các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách thực hiện theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định; công tác quản lý các dự án đầu tư sử dụng vốn, tài sản nhà nước có chuyển biến tích cực. Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước được triển khai; quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, ý thức tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Bên cạnh kết quả, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước. Một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay, đó là: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp. Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm. Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.
Ngoài những nguyên nhân dẫn đến từng dạng thức lãng phí, còn do thực thi các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về phòng, chống lãng phí trong thực tế vẫn còn hạn chế; hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ, một số chưa phù hợp thực tế nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; xử lý lãng phí chưa được đề cao, thường gắn với xử lý tham nhũng như hệ lụy kéo theo. Chưa tạo được phong trào thi đua rộng khắp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như dư luận xã hội mạnh mẽ để phê phán, lên án những hành vi gây lãng phí. Việc xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí trong xã hội chưa được quan tâm đúng mức.
2. Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới; chú trọng một số giải pháp trọng tâm, sau đây:
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” Tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có lãnh đạo, có chỉ tiêu cụ thể, tiến hành thường xuyên, triệt để. Xây dựng, triển khai thiết thực các cuộc vận động, phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thứ hai, tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công. Ban hành quy định của Đảng nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; quy định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí; xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí; xây dựng cơ chế thực sự hữu hiệu cho giám sát, phát hiện lãng phí của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân. Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm gây lãng phí lớn tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Thứ ba, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước. Trọng tâm là: (i) Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí. Trong đó, xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục điểm nghẽn, mở rộng không gian, tạo đà cho phát triển. Thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí. (ii) Cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; chống bệnh quan liêu. (iii) Sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực hiệu quả; tăng cường tính bền vững, tối ưu hóa quy trình làm việc; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém. Sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án đường dây 500 kv mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) để rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa. (iv) Tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới. Có các giải pháp cụ thể tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị lao động Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ tư, xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành trách nhiệm đạo đức xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật.
V.I. Lênin nói “Chúng ta phải thực hành tiết kiệm tột mức trong bộ máy nhà nước của chúng ta. Chúng ta phải bài trừ mọi vết tích lãng phí mà nước Nga quân chủ và bộ máy quan liêu tư bản chủ nghĩa của nó đã để lại đầy rẫy”[; Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhấn mạnh “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công”; để đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, nhất định chúng ta phải quyết tâm phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
VAI TRÒ CỦA CÁC CẤP HỘI TRONG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM TẠI CHỖ CHO PHỤ NỮ NÔNG THÔN
Đồng chí Lê Thị Na Vi - HUV, Chủ tịch Hội LHPN huyện
Là vùng trung du miền núi, huyện Tiên Phước có nhiều lợi thế trong phát triển KTV-KTTT nên những năm qua, các cấp trên địa bàn từ huyện đến cơ sở triển khai nhiều giải pháp, tập trung, huy động nguồn lực khai thác, phát triển KTV-KTTT gắn phát triển du lịch sinh thái, đồng thời khuyến khích các hoạt động dịch vụ, ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại.. góp phần giảm nghèo bền vững, hoàn thành quyết tâm xây dựng huyện Nông thôn mới năm 2024. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như điều kiện sản xuất còn manh mún, sản phẩm nông nghiệp địa phương vẫn còn tình trạng được mùa mất giá, được giá thì mất mùa, chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, hạn hán, bão lũ, chuỗi liên kết giá trị, liên kết sản xuất vẫn còn hạn chế, dịch bệnh gia súc, gia cầm thường hay xảy ra, tình trạng lao động nông nhàn giữa các vụ mùa, nhất là lao động nữ, phụ nữ nông thôn còn nhiều…gây khó khăn, rủi ro cho sản xuất nông, lâm nghiệp, ảnh hưởng thu nhập, đời sống của nhân dân. Từ thực tế nêu trên, hướng đa dạng ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp được tập trung, với nhiều giải pháp, trong đó tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhân dân, nhất là lực lượng hội viên phụ nữ nông thôn được quan tâm.
Theo số liệu thống kê, hiện nay phụ nữ ở khu vực nông thôn chiếm gần 50% tổng số lao động toàn huyện, 27.777/56.796, vẫn còn nhiều chị em nhất là lao động lớn tuổi, lao động nông thôn chưa qua đào tạo nghề, thiếu việc làm ổn định; xuất phát từ thực tế địa phương cùng với định hướng của chính quyền địa phương, Hội LHPN huyện xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập là một trong những điều kiện để phụ nữ nông thôn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, là một trong những “mắt xích” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà. Hằng năm, trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động địa phương, nhu cầu của hội viên phụ nữ, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành, tranh thủ các nguồn kinh phí hỗ trợ để đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho chị em; trong 03 năm qua, Hội các cấp phối hợp mở 29 lớp dạy nghề như: chế biến món ăn, pha chế, thú y, chế tác các sản phẩm từ mo cau, an toàn sinh học trong chăn nuôi, nghề may công nghiệp.. có hàng nghìn chị tham gia; qua các lớp đào tạo nghề giúp hội viên phụ nữ áp dụng kỹ thuật trong chăm sóc cây trồng, con vật nuôi, ứng dụng triển khai các mô hình rau sạch (hiện có 839 mô hình), tham gia các dịch vụ nấu ăn cưới hỏi, mở quán, kinh doanh dịch vụ ăn uống, café giải khát, tham gia lao động tại các Công ty may trên địa bàn…tham gia các hoạt động phát triển du lịch sinh thái, điển hình là tham gia thành viên HTX du lịch sinh thái Làng Cổ Lộc Yên, mô hình trải nghiệm du lịch ẩm thực Bánh Xèo Xứ Tiên. Thuận lợi là các lớp dạy nghề có thời gian ngắn hạn, các ngành nghề phù hợp cho chị em có con nhỏ có thể lao động tại nhà, gần nhà lúc nông nhàn vừa có thêm thu nhập, vừa có điều kiện chăm sóc con cái, gia đình….Điển hình HTX mo cau Đất Quảng mở 02 lớp cho 50 chị em tham gia học và làm lại các sản phẩm bán lại cho HTX, bước đầu tạo thu nhập cho học viên như chị Đào Thị Hồng Niên, Nguyễn Thị Quyên, Võ Thị Xuân Hoàng hằng tháng bán các sản phẩm từ 3-4 triệu đồng/ tháng, các lớp may công nghiệp đã giới thiệu, hỗ trợ lực lượng lao động nữ làm việc tại các Công ty cụm công nghiệp Tài Đa – Tiên Phong, công ty may Tuấn Đạt - Tiên Cảnh, Đồng Lợi - Tiên Thọ và các nhóm, tổ hợp may gia công tại địa phương, hiện nay khoảng 2.900 lao động nữ.
Bên cạnh đó Hội còn chú trọng phối hợp mở 18 lớp tập huấn có 1.532 chị tham gia về kiến thức chung về quy trình thực hành nông nghiệp tốt – Vietgap đối với sản xuất trái lòn bon, kỹ thuật chăn nuôi bò ngoại lai, chăm sóc bệnh héo trên cây keo, cách trồng và chăm sóc cây bưởi da xanh, cây măng cụt, chỉnh trang vườn nhà, tường rào cổng ngõ thực hiện theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh…
Song song với công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm các cấp Hội đẩy mạnh thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, bằng các hoạt động cụ thể, tập huấn, đào tạo, trưng bày, giao lưu, kết nối tiêu thụ sản phẩm, các Hội thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, hỗ trợ phương tiện khởi nghiệp (như: máy may công nghiệp, máy ép chân không, tủ trưng bày...) với tổng số tiền 87,9 triệu đồng cho 48 hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thành lập mới 05 hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, nhiều HTX hoạt động hiệu quả như HTX như HTX Hoa quế trầm hương, HTX Qna Farm, HTX Duyên Hà ... (tổng số toàn huyện có 11/32 tổ hợp tác/HTX đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn gần 100 lao động tại địa phương). Đến nay huyện đã thành lập CLB hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với hơn 20 thành viên tham gia.
Nhìn chung, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nữ của các cấp Hội đã góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt 63,4%, giúp chuyển đổi cơ cấu lao động trên địa bàn, phục vụ tích cực cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tiến đến hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Nông thôn mới năm 2024. Tuy vậy, thực trạng một bộ phận lao động nông thôn nông nhàn ở độ tuổi trên 50+ vẫn còn cao, chưa qua đào tạo, khó tìm được việc làm tại địa phương, chủ yếu làm nội trợ, chăm con cháu, giúp việc, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ...chưa đánh giá được chính xác tỷ lệ có việc làm sau các lớp đào tạo nghề, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động trên địa bàn.
Để công tác này trong thời gian đến đạt hiệu quả, Hội tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục phối hợp triển khai các lớp đào tạo nghề, tập huấn cho lao động, chú trọng những ngành nghề phát huy hiệu quả hiện nay, phù hợp phụ nữ nông thôn huyện; từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng lao động trong các ngành nghề phi nông nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch và đáp ứng được yêu cầu xây dựng huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Thứ hai, tiến hành đồng thời giữa đào tạo nghề và hiệu quả sau đào tạo nghề trên địa bàn, liên kết, phối hợp với các công ty, xí nghiệp, tổ hợp may, Hợp tác xã trên địa bàn huyện vừa đào tạo nghề, vừa giải quyết lao động tại chỗ cho lao động nông thôn nói chung, lực lượng lao động nữ nói riêng.
Thứ ba, đẩy mạnh, triển khai hiệu quả Đề án 939 Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2022-2025 với hệ thống các giải pháp cụ thể, kết nạp thành viên, phát huy hiệu quả CLB Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, duy trì thường xuyên Cuộc thi đánh giá Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trên địa bàn; tổ chức các hoạt động, tạo điều kiện, các diễn đàn, các lớp tập huấn, đào tạo, trao phương tiện cho các ý tưởng khởi nghiệp, các mô hình, sản phẩm khởi nghiệp, liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tạo giá trị hàng hóa, thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, thế mạnh vùng miền địa phương; nâng cao chất lượng sản phẩm khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo của HVPN, hướng đến Khởi nghiệp chuyển đổi xanh, chuyển đổi số góp phần hỗ trợ thiết thực giải quyết việc làm cho lực lượng phụ nữ nông thôn trên địa bàn huyện trong giai đoạn mới hiện nay./.
NGƯỜI CHỈ HUY TRƯỞNG GƯƠNG MẪU NHIỆT TÌNH TRÁCH NHIỆM
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thủy - Bí thư Đảng ủy xã Tiên Hà
Tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương Anh Hùng, trong những năm qua Đảng bộ và Nhân dân xã nhà đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020-2025 đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong thành tích chung ấy có sự đóng góp rất lớn của BCH quân sự xã Tiên Hà và đặc biệt là sự đóng góp nhiệt tình của đồng chí Nguyễn Đức Tâm - Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã.
Từ nhiều năm nay, Ban Chỉ huy quân sự xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước luôn được đánh giá là một trong những điểm sáng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu việc tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Để có được kết quả đó phải kể đến sự đóng góp của Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Nguyễn Đức Tâm.
Năm 2012 Anh được bổ nhiệm làm chỉ huy Phó BCH quân sự xã, sau 9 năm công tác anh đã tìm tòi học hỏi và rút ra nhiều kinh nghiệm trong công việc, đến năm 2021 được tổ chức tín nhiệm giới thiệu bổ nhiệm giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã khi tuổi đời còn rất trẻ mới 31 tuổi. Khi mới nhận nhiệm vụ tham gia vào Ban CHQS xã, bản thân Anh còn nhiều bỡ ngỡ trong công việc nên luôn nỗ lực tự học, cần cù, chịu khó, hoà đồng, tích cực, chủ động, tự nghiên cứu để nắm chắc các văn bản quy định, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ trong công tác quân sự, quốc phòng ở xã; thường xuyên học hỏi kinh nghiệm của những đồng chí đi trước để nắm bắt tình hình, góp sức cùng Ban Chỉ huy Quân sự xã làm tốt công tác quân sự, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Với bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức trách nhiệm cao, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Tiên Hà cùng với Ban Chỉ huy Quân sự xã luôn làm tốt vai trò tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã xây dựng và triển khai đầy đủ các kế hoạch công tác thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh cùng tập thể đơn vị chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với ban Chỉ huy Quân sự xã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Thời gian làm việc Anh không kể sớm, trưa, làm hết việc chứ không hết giờ, làm ngày không đủ Anh tranh thủ làm ban đêm, vì khối lượng công việc của Ban chỉ huy rất nhiều, luôn bu bám tham mưu cho lãnh đạo đề ra những nghị quyết sát với thực tiễn để lãnh đạo toàn diện. Trong đó tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm duy trì nghiêm công tác trực sẵn sàng chiến đấu không để bị động bất ngờ, góp phần giữ vững an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; hoàn thành 100% chỉ tiêu giao, có năm vượt chỉ tiêu huyện giao. Năm 2021 giao quân 11 thanh niên, năm 2022 giao quân 12/9 vượt chỉ tiêu giao, năm 2023 giao quân 11 thanh niên. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo công bằng, dân chủ công khai và đúng Luật. Đăng ký tuổi 17 được 26 trường hợp, tổ chức kết nạp dân quân theo quy định và cử lực lượng tham gia huấn luyện tại huyện đảm bảo quân số. Công tác phát triển Đảng trong lực lượng là một chỉ tiêu khó nhưng Anh cũng đã quyết tâm tìm nguồn rà soát những đối tượng đủ điều kiện để tham mưu chi bộ tổ chức giáo dục giúp đỡ và phát triển, hằng năm đều đạt chỉ tiêu này, đến nay nâng tỷ lệ đảng trong lực lượng là 32,31 %. Tham mưu Tổ chức thành công cuộc diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ theo kế hoạch của huyện, kết quả đạt khá tốt. Cử các đối tượng tham gia bồi dưỡng kiến thức QP-AN đối tượng 3, 4 đúng quy định. Tổ chức rà soát xét thực lực cấp thôn , xã làm nguồn chuẩn bị cho nhập ngũ năm 2025 147 là công dân, trong đó đủ điều kiện gọi là 57. Ngoài ra thường xuyên phối hợp với công an xã tuần tra đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, phối hợp thực hiện công tác phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ.
Nhằm thực hiện phong trào “Thi đua quyết thắng”, xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đồng chí Tâm cùng Ban CHQS xã đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã tổ chức các đợt sinh hoạt nhằm giáo dục chính trị, tư tưởng cho lực lượng dân quân về Luật Dân quân tự vệ, Luật Nghĩa vụ quân sự, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về tình hình thế giới và khu vực, tình hình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Hàng năm, Ban CHQS xã đã hoàn thành 100% nội dung, chương trình, kế hoạch giáo dục chính trị năm; quân số tham gia đạt từ 95% trở lên; trong đó lực lượng dân quân cơ động, dân quân năm thứ nhất đạt 100%, kết quả kiểm tra của các đối tượng 100% đạt yêu cầu, có trên 80% khá giỏi.
Để không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện theo quy định, Đồng chí Tâm luôn chủ động học hỏi, trau dồi kỹ năng, phương pháp huấn luyện quân sự; chuẩn bị bài giảng, thao trường, bãi tập, mô hình học cụ huấn luyện... Nhờ đó, kết quả kiểm tra các hạng mục huấn luyện dân quân đạt yêu cầu 100%, tỷ lệ khá, giỏi đạt 80% trở lên, quá trình huấn luyện luôn được đảm bảo an toàn.
Cùng với công tác huấn luyện, anh Tâm đã chỉ đạo Ban CHQS xã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an xã, lực lượng dân quân tham gia trực SSCD tại cơ quan vào các ngày lễ tết, các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn đảm bảo an toàn.
Ngoài nhiệm vụ chính trị được giao với vai trò là một cấp ủy viên Anh luôn phát huy vai trò nêu gương, gương mẫu trước quần chúng Nhân dân, tham gia đầy đủ các cuộc họp ở thôn tổ, vận động gia đình thực hiện tốt các chủ trương của địa phương đề ra. Tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình học tập Bác trong Chi bộ, trong Ban chỉ huy đã vận động cán bộ chiến sỹ đóng góp kinh phí để tặng sách vở cho 2 con em của lực lượng dự bị động viên gặp phải khó khăn tiếp sức đến trường.
Với những đóng góp tích cực của đồng chí Tâm đã góp phần cùng Ban Chỉ huy Quân sự xã Tiên Hà hoàn thành khá tốt nhiệm vụ trong thời gian qua, năm 2022, 2023 Anh được nhận giấy khen của chủ tịch UBND huyện, Đảng ủy, UBND xã Tiên Hà, với những đóng góp của đồng chí Tâm tuy không lớn nhưng cũng đã thể hiện rõ trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên trẻ góp phần cùng với địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
TIN HOẠT ĐỘNG
HỘI NGHỊ HUYỆN ỦY LẦN THỨ XIX (KHÓA XVII) VỚI NHIỀU NỘI DUNG QUAN TRỌNG
- Sáng ngày 14/10, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức Hội nghị lần thứ XIX (khóa XVII). Đồng chí Phạm Văn Đốc - TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện cùng các đồng chí Phan Văn Dương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Trầm Quế Hương - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có gần 150 cán bộ chủ chốt từ huyện đến cơ sở. Hội nghị lần này nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Huyện ủy 9 tháng đầu năm, bàn nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024; trao tặng Huy hiệu Đảng; tổng kết 15 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, giai đoạn 2009 - 2024 và tôn vinh, biểu dương khen thưởng các điển hình trên địa bàn huyện; Sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 15/7/2021 của Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025; sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình số 27-CTr/HU, ngày 18/3/2022 của Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 17/12/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng giai đoạn 2021-2025; khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2009 - 2024.
Đánh giá sơ kết, tổng kết các nội dung tại hội nghị lần này đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân toàn huyện. Ngoài nhấn mạnh những kết quả đạt được, hội nghị đã tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế, chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm qua đó bổ sung các giải pháp phù hợp để Đảng bộ tập lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện những nội dung này trong thời gian tới. Ngoài ra, Hội nghị còn tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm đang được quan tâm hiện nay như: công tác quản lý, bảo vệ rừng, khai thác khoáng sản; công tác đấu tranh phòng chống ma túy, tệ nạn cờ bạc; việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP; triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê; triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị;...
Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Văn Đốc - TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đã ghi nhận, biểu dương những kết quả khá toàn diện trong 9 tháng đầu năm cũng như những nội dung được sơ kết, tổng kết tại hội nghị lần này. Trong thời gian tới, đồng chí Bí thư đề nghị các cấp ủy đảng, các cơ quan, ban ngành, Mặt trận, các hội đoàn thể từ huyện đến cơ sở tiếp tục chủ động rà soát lại các chương trình, kế hoạch trong năm, các nội dung sơ kết, tổng kết tại hội nghị lần này, đánh giá việc làm được, chưa làm được, những hạn chế cần khắc phục và đề ra các giải pháp phù hợp, trong đó cần chọn những việc trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt kết quả. Đồng chí Bí thư Huyện ủy nhấn mạnh: Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Huyện ủy đề ra trong năm 2024, ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, 3 tháng cuối năm 2024 các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cần chú ý tập trung rà soát các nội dung, nhiệm vụ theo mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Huyện uỷ năm 2024 và Chương trình công tác năm 2024 của Huyện uỷ, các kết luận của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra để xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất. Tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tập trung chỉ đạo, triển khai Kế hoạch tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tiên Phước lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030; Các cấp ủy chủ động chỉ đạo công tác chuẩn bị nội dung văn kiện, phương án nhân sự và các điều kiện cần thiết để tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2030; Các tiểu ban phục vụ Đại hội Đảng bộ huyện thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo lộ trình, kế hoạch đề ra. Triển khai thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức đảng, tổ chức bộ máy, cán bộ đối với các xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 (xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm) theo Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW, ngày 30/11/2023 của Ban Tổ chức Trung ương và chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tổ chức đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên năm 2024. Tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục, chỉ tiêu cuối cùng về nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới gắn với việc xác lập hồ sơ trình tỉnh, Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới. Triển khai tốt kế hoạch trồng thí điểm quế Bắc trên địa bàn huyện. Tập trung triển khai Dự án xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với phát triển chuỗi sản phẩm OCOP theo kết luận của Ban Thường vụ Huyện uỷ. Đẩy nhanh nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn sản xuất và các nguồn vốn sự nghiệp khác năm 2022, 2023 kéo dài và kế hoạch vốn năm 2024 đạt kết quả cao. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho công tác tuyển quân năm 2025. Tổ chức tốt Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024). Tăng cường trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đẩy lùi tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, bài bạc, tín dụng đen... Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác của Nhân dân đối với các thủ đoạn lừa đảo, nhất là qua không gian mạng. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, đối thoại với Nhân dân, kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị của Nhân dân, không để tồn đọng, kéo dài gây bức xúc, dư luận trong xã hội.
SƯ ĐOÀN BB2, QUÂN KHU 5 LONG TRỌNG VÀ TỰ HÀO TỔ CHỨC LỄ KHÁNH THÀNH KHU DI TÍCH NƠI THÀNH LẬP SƯ ĐOÀN
Sáng ngày 17/10, tại thôn Đại Tráng, xã Tiên Hà, Sư đoàn BB2, Quân khu 5 long trọng và tự hào tổ chức Lễ khánh thành Khu di tích nơi thành lập Sư đoàn. Tham dự buổi Lễ có Trung tướng Thái Đại Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên QUTW, Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu; thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu; nguyên thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu qua các thời kỳ; thủ trưởng các cơ quan Quân khu; chỉ huy Sư đoàn, nguyên chỉ huy Sư đoàn qua các thời kỳ; đại biểu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các cơ quan ban, ngành của tỉnh Quảng Nam; Đồng chí Phan Văn Dương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Minh Xinh, UVBTV, Phó Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Nguyễn Hùng Anh, HUV - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cùng lãnh đạo các phòng, ban của huyện; lãnh đạo xã Tiên Hà. Đây là một công trình mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đánh dấu sự ra đời của một đơn vị thiện chiến bậc nhất của Quân khu 5 trên mảnh đất Tiên Phước Anh hùng, nơi khởi đầu những chiến công oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và làm nhiệm vụ quốc tế. Khu di tích nơi thành lập Sư đoàn BB2 là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước và lòng biết ơn đối với những anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc. Công trình này không chỉ là nơi lưu giữ ký ức lịch sử, mà còn là điểm đến để giáo dục truyền thống và giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau. Với mỗi viên gạch, mỗi mét vuông khu di tích đã kể lại câu chuyện về những chiến công oanh liệt, về những hy sinh thầm lặng nhưng vô cùng lớn lao của các chiến sĩ Sư đoàn BB2 anh hùng. Đây là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại và tri ân những đóng góp, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ, đồng thời khẳng định quyết tâm tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng, giữ vững và bảo vệ Tổ quốc. Với sự công phu và tận tâm trong từng khâu xây dựng, khu di tích không chỉ là một biểu tượng vĩnh cửu của sự tri ân và tôn vinh những người đã góp phần viết nên lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn B2 nói riêng và thế hệ trẻ huyện Tiên Phước, Quảng Nam nói chung có thể đến thăm, tìm hiểu và cảm nhận sâu sắc về lịch sử, lòng tri ân thế hệ cha anh và giá trị của sự hy sinh vì Tổ quốc.
TIN TỔNG HỢP
- Ngày 10/10, Hội LHPN huyện phối hợp Hội Nông dân huyện tổ chức diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo huyện với các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và hội viên khởi nghiệp, cán bộ hội năm 2024. Thời gian qua, tình hình phát triển HTX, THT, mô hình khởi nghiệp trên địa bàn huyện Tiên Phước có nhiều chuyển biến tích cực, tham gia vào công tác xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho tổ viên và người lao động. Tuy nhiên, số lượng HTX quy mô lớn, mở rộng sản xuất chưa nhiều; HTX thành lập mới chưa cao, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng đề ra của huyện. Hiện toàn huyện có 66 HTX và 15 THT; có 41 sản phẩm/29 chủ thể gồm 5 doanh nghiệp, 21 HTX và 3 THT được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (trong đó có 15 sản phẩm đạt 4 sao, 26 sản phẩm 3 sao). Tại diễn đàn đối thoại, đại diện các HTX, THT, mô hình khởi nghiệp nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động và kiến nghị huyện quan tâm hỗ trợ cơ chế khuyến công để HTX, THT nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường; quan tâm đầu tư, nâng cấp các cơ sở trưng bày sản phẩm OCOP. Các HTX, THT mong muốn được trang bị kiến thức về chuyển đổi số trong kinh doanh; hướng dẫn, hỗ trợ nâng cao năng lực hoàn thiện hồ sơ, giảm thiểu chi phí khi tham gia OCOP; có chính sách, cơ chế hỗ trợ thêm vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp, HTX, THT vì mức 200 triệu đồng như hiện nay là thấp…Tất cả câu hỏi, kiến nghị được lãnh đạo huyện cùng các cơ quan, ban ngành lần lượt trả lời rõ ràng, đúng trọng tâm. Đồng chí Phan Văn Dương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đề nghị các cơ quan, ban ngành, địa phương tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho HTX, THT, doanh nghiệp, chủ thể khởi nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng chí khẳng định huyện sẽ luôn sát cánh cùng các HTX, THT, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; luôn coi sự thành công của các đơn vị là một phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
- Ngày 14/10, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng 60 năm, 55 năm, 50 năm tuổi Đảng đợt 2/9 cho 15 đảng viên trên địa bàn huyện. Tại buổi Lễ, đồng chí Phạm Văn Đốc, đồng chí Phan Văn Dương đã trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cho 3 đảng viên Lê Văn Hòa, Phan Văn Thanh, Bùi Vĩnh Long đang sinh hoạt Đảng tại các Đảng bộ xã Tiên Cảnh, Tiên Thọ, thị trấn Tiên Kỳ; trao tặng Huy hiệu 55 tuổi Đảng cho 7 đảng viên Cao Thị Thu Bông, Dương Thị Hồng, Phan Đình Xê, Trương Hữu Phước, Trương Thị Thới, Trần Văn Thắng, Phan Văn Tấn đang sinh hoạt Đảng tại các Đảng bộ xã Tiên Sơn, Tiên Phong, Tiên Thọ, thị trấn Tiên Kỳ; trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho 5 đảng viên Phan Văn Thoan, Đặng Thị Thước, Nguyễn Thị Thu Hồng, Nguyễn Văn Sự, Trà Phước Thọ đang sinh hoạt Đảng tại các Đảng bộ Tiên Cẩm, Tiên Cảnh, thị trấn Tiên Kỳ. Phát biểu tại buổi Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng, đồng chí Phạm Văn Đốc - TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện gửi lời chúc mừng các đảng viên được nhận Huy hiệu Đảng đợt này. Đồng chí Bí thư Huyện ủy khẳng định, Huy hiệu Đảng là phần thưởng, là sự ghi nhận của Đảng đối với những đóng góp của các đảng viên; là biểu tượng cao quý về quá trình phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành của từng đảng viên. Đồng chí mong rằng trong thời gian tới các đảng viên được trao tặng Huy hiệu Đảng tiếp tục phát huy phẩm chất đạo đức cách mạng, tinh thần tiên phong, gương mẫu và luôn là tấm gương sáng để cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân noi theo; đồng thời tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025
- Ngày 15/10, Chi bộ Trường Mẫu giáo xã Tiên Ngọc đã long trọng tổ chức Đại hội Chi bộ Lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025-2027, đến dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Đảng uỷ, UBND, Cán bộ, Đảng viên trong chi bộ trường Mẫu giáo có đến dự. Tại Đại hội đã thông qua báo cáo chính trị nhiệm kỳ 2022-2024, Nghị quyết nhiệm kỳ 2025-2027; báo cáo kiểm điểm vai trò lãnh đạo của Chi uỷ, chi bộ nhiệm kỳ 2022-2024, Trong nhiệm kỳ 2022-2024 Chi uỷ, chi bộ đã đoàn kết, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Nghị quyết chi bộ nhiệm kỳ 2022-2024 đã đề ra, tập trung thực tốt công tác xây dựng Đảng, phát triển Đảng viên đạt chỉ tiêu đề ra, tổ chức tốt có hiệu quả các đợt sinh hoạt Chính trị, quán triệt Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của tổ chức Đảng các cấp, triển khai có hiệu quả việc học tập, làm theo, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đăng ký triển khai mô hình học tập làm theo Bác, 100% Cán bộ, Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, tỷ lệ bé ngoan tiến tiến, xuất sắc, chuyên cần tăng cao so với năm học trước; nhà trường cũng đã tổ chức tốt các hội thi cấp trường và tham gia hội thi các cấp, huy động trẻ ra lớp đạt kết quả, tổ chức tốt bữa ăn cho trẻ, phối hợp với phụ huynh làm tốt công tác chăm sóc trẻ hạn chế tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ. Tại đại hội lần này đã bầu Ban chấp hành chi bộ, chi uỷ 3 đồng chí, bầu Bí thư, Phó bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027, đồng chí Lê Thi Kim Dung được Chi bộ tín nhiệm bầu chức danh Bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2025 - 2027. Phát biểu tại hội nghị Lãnh đạo Đảng uỷ, mong rằng nhà trường hãy phát huy những kết quả đạt được của nhiệm kỳ 2022 -2024, đồng thời nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2027 đã đề ra.
- Ngày 15/10, Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Tiên Lộc phối hợp cùng Đoàn Thanh niên, Hội LHTN Việt Nam xã tổ chức cuộc thi rung chuông vàng tìm hiểu lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, nhân dân xã Tiên Lộc; kiến thức pháp luật; chuyển đổi số chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam (15/10/1956-15/10/2024), ngày pháp luật Việt Nam (9/11) và 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914-20/10/2024). Tham dự hội thi có 25 thi sinh đại diện cho 5 chi đoàn thôn và hơn 30 khán giả là BCH đoàn xã, đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã. Các thi sinh phải vượt qua 37 câu hỏi để lựa chọn ra 3 thí sinh xuất sắc nhất cuộc thi, ngoài ra Ban tổ chức còn chuẩn bị thêm 10 câu hỏi dành cho khán giả. Các nội dung câu hỏi về Luật Giao thông, Luật phòng chống ma túy, Luật hôn nhân gia đình, Luật căn cước công dân, Luật thanh niên, chuyển đổi số và tìm hiểu lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, nhân dân xã Tiên Lộc. Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho em Phạm Đức Vỹ - chi đoàn 4, giải Nhì thuộc về em Nguyễn Như Ngọc - chi đoàn 1 và giải Ba em Huỳnh Thị Thùy Linh - Chi đoàn 5. Qua cuộc thi đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và hiệu ứng lan tỏa thông điệp, góp phần nâng cao kiến thức về các Luật, về chuyển đổi số và lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, nhân dân xã Tiên Lộc. Đồng thời, tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đoàn viên, thanh niên sau những giờ học và làm việc căng thẳng.
- Sáng ngày 17/10, Đảng bộ xã Tiên Sơn tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ của các Ban xây dựng Đảng và gặp mặt kỷ niệm 94 năm ngày truyền thống các Ban xây dựng Đảng, văn phòng cấp ủy. Dự buổi gặp mặt có các đồng chí Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ, Trưởng, Phó Mặt trận, đoàn thể xã, chi ủy các chi bộ trực thuộc và đặc biệt là các đồng chí nguyên lãnh đạo, cán bộ làm công tác văn phòng Đảng ủy, các ban xây dựng Đảng qua các thời kỳ (56/60 đồng chí, tỷ lệ 93,33%). Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo tóm tắt kết quả tình hình thực hiện thực nhiệm vụ của các ban xây dựng đảng 9 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024. Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác Dân vận, Tuyên giáo, kiểm tra của Đảng đồng thời đề xuất những giải pháp hoàn thành các nhiệm vụ 3 tháng cuối năm… Cũng trong dịp này, các đại biểu đã ôn lại truyền thống vẻ vang 94 năm ngày truyền thống ngành tổ chức (14/10/1930-14/10/2024), Dân vận (15/10/1930-15/10/2024), Văn phòng cấp ủy (18/10/1930-18/10/2024) và 76 năm ngành Kiểm tra của Đảng (16/10/1948-16/10/2024). Lịch sử ra đời và phát triển của các Ban xây dựng Đảng luôn gắn liền với lịch sử phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phát huy truyền thống vẻ vang xây dựng và trưởng thành của các Ban xây dựng Đảng và Văn phòng cấp ủy, trong thời gian qua, các Ban xây dựng Đảng và Văn phòng Đảng ủy đã tham mưu giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Đảng ủy lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên, xây dựng chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ xã. Phát biểu tại HN, đồng chí Bùi Thị Liễu, Bí thư Đảng ủy đã ghi nhận và đánh giá những đóng góp của các Ban xây dựng đảng, Văn phòng Đảng ủy trong thời gian qua, đồng thời, đề nghị trong thời gian đến cán bộ tham mưu, giúp việc của Đảng ủy tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; đoàn kết, nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, chủ động, tích cực tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ xã trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, qua đó góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
- Ngày 18/10, UBND xã Tiên Lập tổ chức Hội thi tìm hiểu về cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số năm 2024. Có 8 đơn vị dự thi gồm Công đoàn xã Tiên Lập, Công đoàn 3 đơn vị trường học và 4 thôn trên địa bàn xã. Hội thi gồm 4 phần thi, trong đó phần thi chào hỏi thông qua hình thức sân khấu hóa các đội dự thi giới thiệu tổng qua về đội hình và chủ đề tham gia hội thi của đơn vị mình, trong đó tập trung về CCHC và chuyển đổi số. Phần thi thuyết trình, có nội dung về vai trò chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, kết quả triển khai chuyển đổi số tại địa phương, cơ quan đơn vị với những đổi mới, sáng tạo trong việc thực hiện. Phần thi năng khiếu, các đội thể hiện các tiết mục hát, múa, tiểu phẩm... với chủ đề ca ngợi nông thôn mới, chuyển đổi số, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước... Phần thi đồng đội, mỗi đội thi tham gia trả lời 10 câu hỏi, trong bộ 100 câu hỏi do Ban tổ chức đưa ra có nội dung về nông thôn mới, cải cách hành chính, chuyển đổi số... Kết quả, đơn vị Công đoàn Trường Mẫu giáo Tiên Lập đạt giải nhất, Công đoàn Trường Tiểu học Tiên Lập đạt giải nhì. Giải ba thuộc về Công đoàn Trường THCS Lê Quý Đôn. Các đơn vị còn lại đạt giải khuyến khích. Hội thi nhằm phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động và người dân trên địa bàn xã Tiên Lập về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện về công tác CCHC và nhiệm vụ trong thực hiện chuyển đổi số; nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ CBCCVC trong việc phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Đây cũng là dịp để CBCCVC người dân ở các thôn trên địa bàn xã Tiên Lập gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ về công tác CCHC, chuyển đổi số.
THƠ
TIÊN PHƯỚC QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU
Tác giả: Nguyễn Thị Sương
------
Mời bạn đến quê tôi miền Tiên Phước
Sông xanh trong con nước chảy ngược dòng
Ai qua rồi cũng vương vấn chờ mong
Về thăm lại trong lòng lưu luyến quá
Bánh tráng xúc mít trộn tình dân dã
Món nem chua lá liễu, cá niên sông
Rượu bòn boong mời bạn cứ thật lòng
Người bản xứ mặn nồng từng câu nói
Đường thông thoáng tương lai đang vẫy gọi
Ghé Lò Thung Tiên cảnh khói sương chiều
Về Lộc Yên thăm làng cổ mến yêu
Lên Thị trấn dập dìu như ngày hội
Quê tôi đó bây giờ nhiều thay đổi
Quế, trầm, tiêu đã mở lối kinh doanh
Phát triển nhanh trên tất cả mọi ngành
Những thắng cảnh đang dành cho du lịch
Nhìn vẻ đẹp Hang Dơi trông tĩnh mịch
Thác Ồ Ồ rả rích chảy triền miên
Nước non xanh như quên hết ưu phiền
Về đất mẹ bình yên lòng thư thái
Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh còn ghi mãi
Bậc trí nhân thông thái của quê hương
Tuyệt làm sao khách đến những khu vườn
Mít, cam, bưởi tỏa hương thơm ngào ngạt
Nghe văng vẳng tiếng nữ thôn vừa hát
Tình yêu thương trong lời nhạc thiết tha
Bến sông Tiên, làng xóm nghĩa đậm đà
Nuôi ta lớn biết bao là kỷ niệm.
Thương ký ức ngày xanh chiều loang tím
Dấu xưa nào? Tìm kiếm mãi từ lâu
Tiếng quê hương dào dạt mãi xanh màu
Bến đò cũ còn đâu? Người ngóng đợi
Về đây nhé! Nồng hương yêu bạn hỡi!
Những ân tình vời vợi tựa non cao
Đất kiên trung anh dũng thật tự hào
Nơi cắt rốn biết bao điều thương nhớ.
MỜI BẠN VỀ THĂM QUÊ TÔI
Tác giả: Tá Nguyễn
-----
Nay đón mời bạn về thăm chơi
Bao cảnh đẹp tuyệt vời quê tôi
Tới đây đến viếng Lộc Yên
Làng quê hương Cổ kính
Đẹp như tranh tuyệt vời
Xin mời du khách về chơi
Đi khắp mà xem viếng bạn ơi
Đến đây thăm nhé một lần
Xứ Tiên vùng quê Tiên Phước
Có nhiều , thật nhiều danh lam
Ồ Ồ ,Đá Vách, Lò Thung
Trên cánh đồng mượt mà xanh tươi
Đang đến mùa đòng đòng bông phơi
Đến xem Ngõ Đá, Bàn xoay
Cầu Treo mà đi đến để
Cùng nhau chụp chung tấm hình
Mai này ghi dấu lần đi
Lưu kỷ niệm ngày mình về đây
Trái cây luôn có bốn mùa
Bòn bon cùng Bòng, Bưởi
Thanh Trà đậm đà ngon tươi
Mau về đây nhé bạn ơi!