ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 09-2024
A. ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI BỘ
Các cấp ủy, chi bộ lựa chọn những nội dung trong Tài liệu sinh hoạt tháng 09/2024 để sinh hoạt chi bộ. Tập trung tuyên truyền, thông tin các nội dung:
1. Thông tin thời sự về tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh; sinh hoạt chính trị, tư tưởng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương; Trong đó, đặc biệt tập trung tuyên truyền kỷ niệm: 79 năm ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2024); 62 năm chiến dịch Vượt sông Tiên giải phóng Sơn – Cẩm – Hà (25/9/1962 – 25/9/2024); 70 năm ngày đồng bào, đồng chí hi sinh trong cuộc đấu tranh Cây Cốc - Tiên Thọ (29/9/1954 - 29/9/2024); 148 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (01/10/1876-01/10/2024).
2. Tuyên truyền những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện và địa phương trong tháng 9, nhiệm vụ trọng tâm tháng 10 năm 2024.
3. Tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước; cổ vũ, nhân rộng các tập thể, cá nhân gương điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
4. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về công tác đối ngoại, thông tin đối ngoại; công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của Nhân dân trong thực hiện các quy định về an toàn giao thông; phòng, chống dịch bệnh,… chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch,...
B. THÔNG TIN THỜI SỰ:
I. Thông tin thời sự quốc tế, trong nước và tỉnh.
Các TCCS Đảng sử dụng Thông báo nội bộ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát hành.
II. Tin trong huyện:
TRUNG TÂM CHÍNH TRỊ HUYỆN TIÊN PHƯỚC PHỐI HỢP MỞ LỚP BỒI DƯƠNG CHUYÊN ĐỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Thực hiện Quyết định của Ban Thường vụ Huyện ủy giao về chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ năm 2024, Trung tâm Chính trị huyện phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Hội Nông dân huyện, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện và các cơ quan liên quan tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên đề Hội nhập quốc tế năm 2024. Nội dung chuyên đề ban hành kèm theo Hướng dẫn số 42-HD/BTGTW ngày 01/9/2017 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Đến dự khai mạc có đồng chí Trần Thị Thu Ba, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện, đồng chí Nguyễn Chính, UVTV, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, đồng chí Lê Thị Na Vi, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện.
Lớp học lần này nhằm trang bị cho học viên những nội dung cơ bản về Hội nhập quốc tế với 4 chuyên đề, giúp cho học viên nắm vững về mặt lý luận, làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, trang bị cho mình những kiến thức nhất định để phục vụ công việc tốt hơn. Cụ thể là: Chuyên đề 1: Quan điểm, chủ trương, giải pháp về hội nhập quốc tế ở nước ta; Chuyên đề 2: Chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; Chuyên đề 3: Hội nhập quốc tế về văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững trận địa tư tưởng, văn hóa; Chuyên đề 4: Hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh. Thời gian học từ ngày 06/8 - 09/8/2024. Tổng số cán bộ cơ sở tham dự là 76 người.
Hình ảnh: Khai giảng lớp bồi dưỡng chuyên đề Hội nhập quốc tế
Đồng thời, nhân dịp này, Trung tâm Chính trị huyện kết hợp hướng dẫn học viên nghiên cứu Tác phẩm “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sách điện tử được đăng tải tại Website của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật để nắm kỹ hơn về chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác đối ngoại.
SÔI NỔI NGÀY HỘI TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN TIÊN PHƯỚC
Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024) và 19 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ (19/8/2005 - 19/8/2024), Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ (Ban Chỉ đạo 138) các xã, thị trấn tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều hoạt động Lễ và Hội phong phú, đa dạng như: văn nghệ, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian; toạ đàm, gặp mặt ôn lại truyền thống; biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ..., tạo khí thế thi đua phấn khởi, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.
Hình ảnh: Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ tại xã Tiên Phong
Xã Tiên Phong vinh dự được chọn là địa phương tổ chức điểm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh, sáng ngày 16/8, Ban Chỉ đạo 138 xã Tiên Phong đã tổ chức Ngày hội với sự tham dự của đồng chí Thượng tá Lê Thanh Phát - Trưởng Công an huyện, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138 huyện; đồng chí Thượng tá Phạm Văn Nhất - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh; các đồng chí đại diện ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và đông đảo Nhân dân trên địa bàn xã Tiên Phong. Tại các xã, thị trấn còn lại cũng diễn ra nhiều hoạt động Lễ và Hội sôi nổi đến hết ngày 19/8/2024.
Hình ảnh: Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ tại xã Tiên Cảnh
Đây là dịp để Nhân dân sinh hoạt, vui chơi, khơi dậy khí thế thi đua, nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng; đồng thời khuyến khích, vận động Nhân dân tích cực, tự giác thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của địa phương; góp phần đưa phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ngày càng hoạt động hiệu quả, có chiều sâu, phát huy được tinh thần tự giác, trách nhiệm của người dân trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa bàn cơ sở.
C. ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 70 NĂM CUỘC ĐẤU TRANH CÂY CỐC (29/9/1954 - 29/9/2024)
I. Bối cảnh tình hình, chủ trương của ta
Ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến tranh ở Đông Dương được ký kết. Các nước tham gia Hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Theo Hiệp định đã ký kết, nước Việt Nam bị tạm thời chia cắt thành hai miền với vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị) được xác định làm giới tuyến quân sự tạm thời. Hai miền phải được thống nhất trước tháng 7 năm 1956 bằng tổng tuyển cử "tự do và dân chủ".
Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn giải phóng, trở thành căn cứ địa cách mạng, hậu phương lớn của cách mạng miền Nam. Đồng thời, Hiệp định đặt cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này. Tuy nhiên, Hiệp định ký chưa ráo mực, đế quốc Mỹ đã nhảy vào Việt Nam thay chân thực dân Pháp, lập ra chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa của đế quốc Mỹ.
Về phía ta: Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, tình hình phong trào cách mạng ở miền Nam, trong đó có tỉnh Quảng Nam nói chung và Tiên Phước nói riêng chuyển sang giai đoạn mới với nhiều khó khăn. Phía ta phải chuyển lực lượng vũ trang tập kết miền Bắc, tổ chức Đảng và đảng viên trung kiên chưa lộ diện ở địa phương rút vào hoạt động bí mật. Huyện ủy Tiên Phước phân công một số đảng viên bí mật đứng các xã, số còn lại Đảng chủ trương lãnh đạo nhân dân hợp pháp tiếp tục đấu tranh chính trị đòi địch thi hành Hiệp định để 2 năm sau (1956) sẽ tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Phương châm đấu tranh là: “có lý, có lợi, có chừng mực”.
Các thế lực phản động trên địa bàn huyện: Lợi dụng tình hình ta chuyển quân tập kết miền Bắc, lực lượng tại chỗ của ta thì tạm thời hoạt động bí mật. Khi quân Liên hiệp Pháp còn dè chừng chưa tới tiếp quản, thì bọn Quốc dân Đảng phản động trên địa bàn huyện trước đây lưu vong khắp nơi, đến lúc này tập hợp lực lượng tự tuyên bố thành lập chính quyền quận lỵ Tiên Phước và đồng đảng của chúng ở nhiều xã trên địa bàn huyện ra mặt đánh phá cách mạng, phục thù giai cấp vô cùng quyết liệt.
Về quân đội Liên hiệp Pháp: Tháng 9- 1954, quân đội Liên hiệp Pháp đã đến chiếm đóng tại khu vực chợ Cây Cốc (Tiên Thọ), một cánh quân khác đến chiếm đóng tại chợ quán Rường (nay thuộc xã Tam Phước, Phú Ninh). Cánh quân tại Cây Cốc (Tiên Thọ) là tiểu đoàn 601, thuộc trung đoàn 31 của quân liên hiệp Pháp, do Trần Quốc Thanh làm tiểu đoàn trưởng.
Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Quảng Nam, Huyện ủy Tiên Phước chỉ đạo cơ sở tổ chức đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu ý nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và việc ký Hiệp định Giơnevơ. Đồng thời, sắp xếp lại tổ chức và lực lượng, chuyển hướng nhiệm vụ đấu tranh trong điều kiện mới.
II. Diễn biến cuộc đấu tranh Cây Cốc ngày 29-9-1954
Ngày 27-9-1954, lực lượng Quốc dân đảng tại quận Tiên Phước đến bắt đồng chí Nguyễn Thông (tức Liêm), cán bộ kháng chiến chống Pháp của xã Tiên Thọ đem về tra hỏi tại nhà tên Ngô Ngọc Hường[1].
Được tin anh Liêm bị bắt, đồng bào trong xóm kéo đến khoảng 30 người đòi địch phải thả anh ra. Chúng cài chặt cửa không cho đồng bào vào, đồng bào càng căm tức, vận động mọi người hưởng ứng đấu tranh ngày càng đông, vây quanh nhà tên Hường. Nhiều chị em leo lên bờ rào, trèo qua ngõ la hét, đấu tranh quyết liệt.
Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của đồng bào, Quân đội liên hiệp Pháp do tiểu đoàn 601 đóng tại Tiên Thọ hoảng sợ và can thiệp buộc lực lượng Quốc dân Đảng phải thả đồng chí Liêm về nhà. Sau đó, đồng chí Liêm được thả ra.
Nhưng bọn Quốc dân Đảng không nguôi được nỗi hận vì mới ra quân trận đầu đã thất bại; tối ngày 28/9/1954, chúng triệu tập lực lượng bàn tính âm mưu bắt lại đồng chí Nguyễn Thông và tính chuyện chuyển đồng chí Thông về giam giữ tại quận nếu như quân đội liên hiệp Pháp không giúp đỡ trong việc đàn áp đoàn người biểu tình. Do vậy trong đêm ngày 28/9, lực lượng Quốc dân đảng lại hùng hổ đến bắt đồng chí Nguyễn Thông về giam tại nhà Ngô Ngọc Hường lần nữa. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng một giờ, tin tức đồng chí Thông bị bắt đã lan rất nhanh khắp nơi và đông đảo quần chúng đã có mặt, vây quanh nhà tên Ngô Ngọc Hường và đấu tranh đòi địch phải tuân thủ hiệp định Giơnevơ, thực hiện các yêu sách:
- Bảo đảm cho nhân dân đi lại làm ăn bình thường.
- Để cho nhân dân tối đến được thắp đèn, làm rơm đạp lúa.
- Không được bắt bớ khủng bố những người kháng chiến cũ để trả thù.
Trước làn sóng căm phẫn của đồng bào, bọn địch buộc phải đứng ra xin lỗi, nhưng đồng bào tấn tới đòi địch phải ký vào biên bản cam kết. Rút kinh nghiệm các vụ đấu tranh ở Ngân Sơn, Chí Thạnh (Phú Yên), Huyện ủy đang họp tại Tiên Lộc liền cử các đồng chí Nguyễn Hào, Hồ Cột đến tận nơi vận động quần chúng giải tán để tránh xảy ra tổn thất. Chủ trương sáng suốt đó được quần chúng đồng tình, đến 4 giờ rưỡi sáng quần chúng mới phân tán ra về.
Sau khi đồng bào đã ra về hết thì 9 giờ sáng ngày 29-9-1954[2], một số dân từ Tam Kỳ lên chợ Cây Cốc lại nổi trống mõ tập họp đồng bào quanh chợ cùng đi đấu tranh. Được tin, Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước liền cử hai đồng chí Nguyễn Hào và Hồ Cột trở lại can ngăn. Nhưng đang lúc sục sôi khí thế đấu tranh, quần chúng không nghe lời can ngăn của cán bộ nữa. Hai đồng chí Hào và Hồ Cột phải vận động người quen đứng ra can gián mới có một số đồng bào chịu giải tán. Tại Tiên Cảnh, đồng chí Dương Đình Tú kịp thời phân công các đồng chí Lê Hộ, Dương Sương đón chặn các ngã đường vận động đồng bào Tiên Cảnh trở về nhà.
Ở các xã khác như Tiên Phong, Tiên Mỹ, Tiên Kỳ, Tiên Thọ, Tiên Lập, ta không thể đón đường can ngăn nổi dòng thác người ồ ạt kéo xuống chợ Cây Cốc nên cuộc đấu tranh vẫn nổ ra. Cuộc đấu tranh nổ ra ngay, nơi các mối đường hợp lại nên tin tức loan đi rất nhanh. Không mấy chốc, đồng bào ở các xã ùn ùn kéo đến, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng hô khẩu hiệu náo động các ngã đường, càng thổi bùng ngọn lửa đấu tranh rực cháy. Đồng bào Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ và Quảng Ngãi đi buôn bán tại Tiên Phước cũng hăng hái nhập cuộc làm cho lực lượng quần chúng biểu tình mỗi lúc một đông, khí thế đấu tranh mỗi lúc một quyết liệt.
Hoảng sợ trước cơn phong ba bão táp của lực lượng biểu tình ngày càng bùng lên, lực lượng cầm đầu Quốc dân đảng tại quận Tiên Phước vội vã cầu cứu với Ban chỉ huy tiểu đoàn 601 do Trần Quốc Thanh làm tiểu đoàn trưởng đưa quân đàn áp đoàn biểu tình, nhưng Thanh không đồng ý, sau đó Quốc dân đảng lại cầu cứu Trung đoàn 31 ở Tam Kỳ, trung đoàn này lại xin ý kiến với chỉ huy quân Pháp đóng ở Đà Nẵng. Nhận được tin báo, ban chỉ huy quân Pháp đã ra lệnh cho tiểu đoàn 601 nổ súng đàn áp đoàn biểu tình. Trần Quốc Thanh xua quân bố trí một cụm đại liên ở nổng gò Chay, một cụm tiểu liên ở gò Lòn, một cụm súng ở gò Dương… các cụm súng chĩa về phía nhà Ngô Ngọc Hường và bắt đầu nã đạn vào đoàn người biểu tình, làm chết và bị thương hơn 330 người[3].
Máu đã đổ lòng căm thù giặc rực cháy, nhiều người xông vào giựt súng quật vào đầu giặc. Đồng chí Bùi Phụng là cán bộ huyện đội Tiên Phước trong kháng chiến chống Pháp, vác tấm ván xông tới cản đường đạn của giặc bắn vào đồng bào. Địch chĩa súng bắn, đồng chí xông vào vật lộn với chúng và hi sinh anh dũng. Ông Trần Ngọc Hoàng dẫn đầu đội ngũ biểu tình của Tiên Kỳ hô hào đồng bào tiến lên và xông vào tiến công địch với khí thế hiên ngang như một chiến sỹ giữa trận tuyến, dù là bị địch bắn bị thương nhưng ông cùng đồng bào vẫn tiến lên cuối cùng, địch đã bắn chết ông.
Hơn 330 đồng bào bị chết và bị thương trong những ngày đầu hòa bình vừa lập lại đã phơi bày tội ác dã man của kẻ thù, vi phạm nghiêm trọng hiệp định Giơnevơ. Địch muốn cướp xác để phi tang tội ác tày trời của chúng với Ủy ban quốc tế - tổ chức kiểm soát việc các bên hữu quan thực thi hiệp định nhưng đồng bào ta cương quyết bảo vệ số đồng bào bị thương vong để tố cáo tội ác của giặc.
Phải 3 ngày sau, khi xác chết đã hôi thối, địch mới có thể cho quân cưỡng bức dân dùng xe bò chở tử thi và cả những người bị thương nặng đổ xuống các hầm trú ẩn và giao thông hào quanh chợ Cây Cốc. Chúng còn bắn và chôn luôn những đồng bào bị chúng bắt đi chôn để thủ tiêu nhân chứng. Anh Đặng Quang Soạn bị chúng bắt đi chôn xác hai ngày liền, đã bị chúng bắn chết, rồi đem chôn ngay tại nhà tên Ngô Ngọc Hường, hòng xóa sạch những tội ác trời không dung đất không tha của chúng.
III. Ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm
1. Ý nghĩa lịch sử.
Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Tiên Phước gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Quảng Nam. Sự kiện lịch sử cuộc đấu tranh diễn ra tại Cây Cốc - xã Tiên Thọ, năm 1954 là cuộc đấu tranh của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân các xã thuộc huyện Tiên Phước, nhân dân tỉnh Quảng Nam (Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ) và tỉnh Quảng Ngãi (Bình Sơn, Sơn Tịnh) để đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống khủng bố đàn áp, đòi thi hành Hiệp định Giơneve trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam truyền bá đến Tiên Phước đã có đông đảo các tầng lớp nhân dân giác ngộ và đi theo Đảng làm cách mạng, mặc dầu trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng đạt được kết quả rất đỗi vinh quang. Dù cho kẻ địch điên cuồng đánh phá, khủng bố nhưng cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên; dù gươm kề cổ, súng kề lưng nhưng đồng bào, đồng chí ta cũng không hề nao núng và sẵn sàng nhận lấy cái chết vinh quang để bảo vệ đồng chí, bảo vệ cách mạng.
Cuộc đấu tranh của đồng bào, đồng chí ta với tiểu đoàn 601 của quân đội liên hiệp Pháp và bọn Quốc dân đảng phản động tại Cây Cốc (Tiên Thọ) tháng 9 năm 1954, thể hiện tinh thần yêu nước cao độ của quân và dân Tiên Phước trước các thế lực phản động, có quy mô lớn nhất trong thời điểm lịch sử này của dân tộc ta (với số người tham gia đấu tranh khoảng 4000-5000 người; trong đó số đồng bào, đồng chí bị địch giết hại hơn 330 người).
2. Bài học kinh nghiệm
Quá trình vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tế phong trào cách mạng của từng địa phương cần linh hoạt, sáng tạo để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương. Bởi vì, các thế lực thù địch không từ một âm mưu, thủ đoạn thâm độc nào, hòng tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản, khủng bố những người yêu nước chân chính. Do vậy, để gìn giữ được phong trào cách mạng cần phải kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang một cách chặt chẽ, trong đó đấu tranh vũ trang có vai trò quyết định trong việc đánh bại bạo lực phản cách mạng. Để giành được độc lập, tự do, đồng bào, đồng chí ta phải đổ rất nhiều của cải và vật chất, mồ hôi, xương máu,… mới giành được thắng lợi; nên toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân phải ra sức gìn giữ, xây dựng và bảo vệ thành quả quý báu này.
IV. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tich
Ngày 19/6/2009, di tích lịch sử Địa điểm Cuộc đấu tranh Cây Cốc đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng cấp tỉnh tại Quyết định số 2024/QĐ-UBND và di tích này đã được khoanh vùng bảo vệ theo Luật di sản văn hóa.
Ngày 26/11/2010 UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 28/2010/QĐ-UBND kèm theo Quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, theo đó, di tích Địa điểm Cuộc đấu tranh Cây Cốc do UBND xã Tiên Thọ trực tiếp quản lý và bảo vệ.
Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam, ngày 29/01/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 424/QĐ-BVHTTDL quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với Di tích lịch sử Địa điểm diễn ra Cuộc đấu tranh Cây Cốc 1954, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Nhằm tiếp tục bảo quản, tôn tạo, phát huy giá trị di tích trong giai đoạn hiện nay, đồng thời để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và con cháu mai sau; UBND huyện Tiên Phước xây dựng Phương án quy hoạch và xây dựng Khu tưởng niệm các Anh hùng, liệt sỹ, đồng bào, đồng chí hy sinh trong cuộc đấu tranh Cây Cốc. Ngày 03 tháng 3 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quyết định số 565/QĐ-UBND, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu tưởng niệm cuộc đấu tranh Cây Cốc tại xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng. Tháng 5/2023, Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức lễ khánh thành công trình Khu tưởng niệm cuộc đấu tranh Cây Cốc tại xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư 14,73 tỉ đồng.
V. Những đổi thay trên quê hương Tiên Phước từ ngày giải phóng đến nay
Là một địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, trong những năm chiến tranh, cán bộ và nhân dân huyện Tiên Phước không ngại khó khăn, gian khổ, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những đóng góp và sự hy sinh to lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Toàn huyện có 2.538 người được công nhận liệt sĩ; 1.100 người là thương binh, bệnh binh, người có công cách mạng; 619 mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 5 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đảng, Nhà nước đã trao tặng nhiều danh hiệu cao quý cho Đảng bộ và nhân dân huyện Tiên Phước. Ngày 29.01.1996, Đảng bộ và nhân dân huyện Tiên Phước vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Phước tổ chức thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả tốt trên nhiều lĩnh vực. Đời sống nhân dân ổn định, từng bước phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dich vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do tỉnh, huyện phát động; chăm lo đời sống gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đề nghị tỉnh hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhiều ngôi nhà cho người có công; giải quyết chế độ bảo trợ xã hội kịp thời; phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp các gia đình khó khăn vươn lên trong cuộc sống; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3.42%, tỷ lệ hộ cận nghèo 1,77%; tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, đạt nhiều thành tích tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Xây dựng 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị trấn Tiên Kỳ đủ điều kiện đề nghị cấp trên công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2024.
Là căn cứ địa cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Tiên Phước nói chung, xã Tiên Thọ nói riêng đang nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
D. VĂN BẢN MỚI:
* Văn bản của TW, tỉnh:
- Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
- Chỉ thị số 47-CT/TU, ngày 03/6/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn , cứu hộ trên đị bàn huyện”.
- Quy định 1521-QĐ/TU, ngày 07/8/2024 của Tỉnh ủy Quảng Nam về trách nhiệm của cán bộ, Đảng
* Văn bản của huyện:
- Chỉ thị số 26- CT/HU, ngày 22/8/2024 của Ban Thường vụ Huyện ủy về Tổ chức Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ huyên Tiên Phước lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030.
E. LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
CÔNG NHẬN THỊ TRẤN TIÊN KỲ ĐẠT ĐÔ THỊ VĂN MINH NĂM 2024
Ngày 16/8/2024, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước đã ban hành Quyết định số 4425/QĐ-UBND về việc công nhận thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2024. Thị trấn Tiên Kỳ là trung tâm kinh tế, văn hóa của huyện Tiên Phước có diện tích tự nhiên hơn 828 ha, 08 khối phố với tổng hộ số dân 2038 hộ với 8.528 nhân khẩu. Sau thời gian phát động thực hiện Đề án xây dựng thị trấn Tiên Kỳ đạt chuẩn đô thị văn minh, hướng đến đô thị loại IV; đến nay, thu nhập bình quân đầu người của thị trấn đạt trên 49,2 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo còn 57 hộ, tỷ lệ 2,8%; hộ cận nghèo còn 43 hộ, tỷ lệ 2,1%; 99,7% số hộ có nhà xây kiên cố phù hợp với kiến trúc chung của đô thị; 18/18 tuyến đường nội thị theo quy hoạch được rải nhựa hoặc bê tông hóa với tổng chiều dài 7,86/7,86km, tỷ lệ 100%; 100% hộ sử dụng nước sạch và điện thường xuyên, đảm bảo an toàn theo quy định; an ninh trật tự được đảm bảo;…
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được thực hiện tốt, cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản hoàn thiện; các công trình công cộng, thương mại, dịch vụ, khu dân cư mới được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh. Hệ thống chính trị đoàn kết, thống nhất; tình hình trật tự an toàn xã hội ổn định. Nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia xây dựng đô thị văn minh; giữ gìn, vệ sinh đường làng, ngõ phố, xây dựng cảnh quan đô thị Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp. Diện mạo đô thị ngày càng khang trang. Cùng với đó, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, an sinh xã hội, cải cách hành chính, chuyển đổi số ... được thị trấn quan tâm thực hiện có hiệu quả, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân.
UBND huyện giao UBND thị trấn Tiên Kỳ tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.
F. GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT, MÔ HÌNH HAY, CÁCH LÀM HIỆU QUẢ TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
TẤM GƯƠNG CHI HỘI CỰU CHIẾN BINH GƯƠNG MẪU, TẬN TÂM VỚI CỘNG ĐỒNG
Đồng chí Trần Một sinh ra và lớn lên trên quê hương Tiên Sơn, huyện Tiên Phước; năm 1983 đồng chí lên đường nhập ngũ vào quân đội và làm nhiệm vụ quốc tế tại Chiến trường Campuchia. Năm 1987 hoàn thành nghĩa vụ của người lính, đồng chí được phục viên về với gia đình tại thôn 4. Khi về với đời thường, với gia đình, đồng chí luôn giữ vững bản chất của người lính "Bộ đội Cụ Hồ", luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương.
Đ/c Trần Một (đứng thứ 3, bên trái) được UBND xã khen thưởng
Năm 1995 đồng chí tham gia vào tổ chức Hội Cựu Chiến binh (CCB), đến năm 2007 đồng chí được tín nhiệm giữ chức Chi hội trưởng chi hội CCB thôn 4, xã Tiên Sơn. Sau hơn 17 năm đảm đương, gánh vác nhiệm vụ, đồng chí luôn tận tụy hết mình với công việc và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trách nhiệm được giao. Với trách nhiệm cá nhân, đồng chí cùng tập thể Chi hội phối hợp với Ban nhân dân, Ban Công tác mặt trận và các Chi hội đoàn thể thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên CCB và nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, tích cực vận động hội viên gương mẫu trong việc tham gia bảo vệ môi trường, định kỳ hằng tuần vào ngày thứ 4 vận động nhân dân tập trung rác thải và đưa về khu vực đúng nơi quy định, để thứ 5 xe của Công ty môi trường thu gom; vận động các hộ chăn nuôi không xả thải ra môi trường, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường; hằng tháng vận động hội viên, nhân dân tập trung phát quang đường làng ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, vận động gia đình hội viên và nhân dân thực hiện tốt nếp sống trong việc cưới, không rãi vàng mã trong việc tang, không tham gia vào các tệ nạn xã hội… Về xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua gia đình đồng chí đã hiến 550m2 đất, ngoài ra đồng chí còn vận động hội viên và nhân dân hiến đất và các loại cây hoa màu trị giá hàng chục triệu đồng, để làm đường bê tông hóa nông thôn được hơn 3,2 km đường; điển hình như: Hội viên Đoàn Đảng, Hồ Xuân Trạng… Chi hội đã phối hợp với Chi hội nông dân vận động hội viên tham gia xây dựng được 2 Cụm dân cư kiểu mẫu, điện sáng nông thôn với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm được hơn 1 km đường giao thông nông thôn, góp phần giữ vững 19 tiêu chí nông thôn mới của xã nhà.
Trên cương vị là Chi hội trưởng, đồng chí luôn chủ động, tích cực tham mưu với Chi bộ thôn và Hội CCB xã vận động hội viên và nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, chăn nuôi và đã thành lập được 1 Câu lạc bộ nuôi bò thâm canh với 17 hộ gia đình tham gia và đồng chí được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu Lạc bộ; với số lượng đàn bò đến nay có 49 con bò nái lai, mỗi năm sinh sản khoảng 20 - 30 bê con, đem lại thu nhập bình quân từ 30 - 35 triệu đồng/hộ/năm; phong trào nuôi gà thả vườn có từ 200 con trở lên, nuôi heo nái và heo thịt có từ 35 - 100 con, mô hình trồng tiêu có từ 20 chói trở lên cũng được hội viên hưởng ứng tích cực, tiêu biểu như: Hội viên Nguyễn Văn Hiền, Trần Văn Nuôi, Trần Văn Ánh, Bùi Thanh Trúc…; một số hộ gia đình tham gia thực hiện Đề án 03 của Uỷ ban nhân dân huyện, Nghị quyết 35 của Hội đồng nhân dân tỉnh được nghiệm thu và hỗ trợ trên 350 triệu đồng.