Bản tin nội bộ

ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 05-2024

Ban Tuyên giáo Huyện uỷ 02/05/2024 15:46

A. ĐỊNH HƯỚNG SINH HOẠT CHI BỘ Các cấp ủy, chi bộ lựa chọn những nội dung trong Tài liệu sinh hoạt tháng 05/2024 để sinh hoạt chi bộ. Tập trung tuyên truyền, thông tin các nội dung:

1. Thông tin thời sự về tình hình thế giới, trong nước, trong tỉnh; sinh hoạt chính trị, tư tưởng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương; trong đó, tuyên truyền kỷ niệm: Trong đó, đặc biệt tập trung tuyên truyền kỷ niệm: 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú (01/5/1904 - 01/5/2024), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024); 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024); 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong (01/6/1904 -01/6/2024) lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam; 135 năm Ngày sinh Cụ Nguyễn Văn Tố (5/6/1889 -5/6/2024) - Trưởng ban Thường trực Quốc hội.

2. Tuyên truyền những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện và địa phương trong quý I năm 2024 và triển khai nhiệm vụ chính trị quý II năm 2024, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh Chuyên đề năm 2024 của tỉnh về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người  Quảng Nam góp phần xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030” trên địa bàn huyện Tiên Phước.

3. Tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước; cổ vũ, nhân rộng các tập thể, cá nhân gương điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. 

4. Nâng cao công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về công tác đối ngoại, thông tin đối ngoại; công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của Nhân dân trong thực hiện các quy định về an toàn giao thông; phòng, chống dịch bệnh,… chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch,...

B. THÔNG TIN THỜI SỰ:

I. THÔNG TIN THỜI SỰ TRONG NƯỚC, QUỐC TẾ VÀ TRONG TỈNH:

Các TCCS Đảng sử dụng Thông báo nội bộ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát hành. 

II. TIN CỦA HUYỆN: 

Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức hội nghị Huyện ủy lần thứ 17 nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Huyện ủy 3 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ quý II/2024; sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 140-KH/HU, ngày 22/5/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy “ Về xây dựng mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo; phát huy ý chí tự lực tự cường; khơi dậy khát vọng phát triển tỉnh Quảng Nam” trên địa bàn huyện Tiên Phước năm 2023; quán triệt các văn bản mới của Đảng và trao huy hiệu đảng cho Đảng viên 55, 60 tuổi đảng. Tổ chức hội nghị chuyên đề bàn về công tác phát triển đảng viên trên địa bàn huyện. Tổ chức hội nghị công bố Quyết định luân chuyển cán bộ, quản lý về công tác tại xã Tiên Thọ, Tiên Mỹ. Vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày mất cụ Huỳnh Thúc Kháng (21/4/1947 – 21/4/2024), Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức các đoàn dâng hương mộ cụ Huỳnh tại Quảng Ngãi và tại nhà lưu niệm Tiên Cảnh; đồng thời tiếp tiếp đón các đoàn nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đến dâng hương tại nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tiên Cảnh.

Thường trực Huyện ủy tham dự các hội nghị, cuộc họp: hội nghị Tỉnh ủy, các kỳ họp HĐND tỉnh và huyện; hội nghị trực tuyến với các ngành địa phương đánh giá công tác chỉ đạo điều hành, tình hình KT-XH quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2024; hội nghị trực tuyến triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản”; hội nghị nghe báo cáo về tiến độ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; Đại hội đại biểu Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện lần thứ III, nhiệm kỳ 2024-2029; khai mạc Lễ hội Kỳ Yên tại Đình làng Hội An, xã Tiên Châu; dự khai mạc hội thao quốc phòng toàn dân của huyện; họp Ban bảo vệ chăm sóc cán bộ huyện; làm việc với UBKT Huyện ủy để nghe báo cáo về công tác kiểm tra, giám sát quý I/2024 và các hội nghị quan trọng khác.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Huyện ủy tổ chức các cuộc họp định kỳ cho ý kiến về một số nội dung theo thẩm quyền.

C. VĂN BẢN MỚI:

* VĂN BẢN CỦA  TRUNG ƯƠNG, TỈNH:

- Công văn số 8000-CV/BTGTW, ngày 20/3/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương về triển khai Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia với chủ đề Tự hào một dải biên cương lần thứ III.

- Tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 2514-CV/TU, ngày 26/4/2024.

- Kế hoạch số 397-KH/TU, ngày 26/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh  học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024.

* VĂN BẢN CỦA HUYỆN

- Kế hoạch số 194-KH/HU, ngày 20/3/2024 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tuyên truyền Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Nghị quyết số 126/ NQ-HĐND, ngày 12/3/2024 của HĐND huyện về biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện Tiên Phước.

- Hướng dẫn số 58-HD/BTGHU, ngày 23/01/2024 của Ban Tuyên giáo Huyện ủy hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

D. LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 

 

PHÒNG, CHỐNG LƯỜI HỌC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

THEO NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 KHÓA XII

 

Lý luận có vai trò quan trọng và việc giáo dục lý luận chính trị, xây dựng nhận thức đúng đắn và niềm tin vững chắc vào lý tưởng cộng sản, vào con đường và biện pháp do Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiền phong của giai cấp và dân tộc vạch ra để kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là yêu cầu vừa cấp bách vừa thường xuyên để xây dựng Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên và của Đảng, để Đảng luôn giữ vững vai trò tiền phong.

 

“Lý luận như cái kim chỉ nam”

Lý luận chính trị là hệ thống tri thức về lĩnh vực chính trị, là một bộ phận quan trọng về lý luận trong lĩnh vực chính trị; mang tính Đảng, tính giai cấp; đồng thời, có tính khái quát hóa, trừu tượng hóa và tính dự báo khoa học cao. Vì vậy, giáo dục lý luận chính trị, bao gồm nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… là yêu cầu thường xuyên, hằng ngày, bức thiết đối với mỗi bộ, đảng viên.

Lý luận chính trị giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư duy khoa học, có phương pháp làm việc biện chứng; có phương thức lãnh đạo và tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,v.v.. phù hợp với quy luật khách quan.Không có lý luận chính trị thì tinh thần và ý chí kém cương quyết, không trông xa thấy rộng; trong lúc đấu tranh, dễ lạc phương hướng và kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng. Với ý nghĩa đó, việc học tập lý luận chính trị không chỉ góp phần để cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận dụng có hiệu quả những tri thức lý luận vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra mà còn là cẩm nang để giúp mỗi người thâm nhập, đi sâu vào quần chúng, gần dân, hiểu dân và trọng dân, trở thành người lãnh đạo gương mẫu, người đồng hành tin cậy, người công bộc tận tụy của nhân dân; đồng thời, kiểm nghiệm tri thức, tư tưởng, hành vi qua thực tiễn khách quan và cập nhật, nắm bắt tình hình để chủ động, kịp thời hành động đúng đắn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.

Nhận thức sâu sắc rằng: “Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình”[1] và “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[2] và “lý luận sở dĩ quan trọng như vậy là vì nó dạy ta hành động”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Đảng, “về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin (…) giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”[3] nói chung và xem nhẹ việc học tập lý luận nói riêng.

Với những người lười học lý luận, Hồ Chí Minh chỉ rõ, đó là những người “chỉ bo bo giữ lấy kinh nghiệm lẻ tẻ. Họ không hiểu rằng lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng”, trong khi đó thì “có kinh nghiệm mà không có lý luận cũng như một mắt sáng một mắt mờ”[4]. Đó cũng chính là những người không hiểu, thậm chí cố tình không hiểu vai trò của lý luận chính trị đối với thực tiễn và mối quan hệ chặt chẽ giữa lý luận chính trị và thực tiễn, nên trong công tác, họ không có lý luận dẫn đường. Lối làm việc theo lối kinh nghiệm, đầy cảm tính đó đã khiến họ gặp phải không ít khó khăn và lúng túng khi xử lý công việc, dẫn đến phạm không ít sai lầm, khuyết điểm. Vì thế, Người nhấn mạnh: “Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận (...) Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”[5]; đồng thời, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ lý luận; thấu triệt nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn mà còn phải chống giáo điều cũng như bệnh lười học, ngại học, hình thức trong học tập lý luận chính trị và vận dụng tri trức lý luận vào thực tiễn.

Luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm, luôn gắn liền lý luận với thực tiễn, trong suốt cuộc đời mình, Người không ngừng học hỏi, làm giàu tri thức, vượt lên lối tư duy kinh nghiệm, cảm tính để đến với lý luận khoa học Mác - Lênin; gắn lý luận với thực tiễn cách mạng và xuất phát từ thực tiễn để đề ra quyết sách và lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ của cách mạng. Sự gắn bó giữa lý luận với thực tiễn là đặc điểm nổi bật trong phong cách tư duy Hồ Chí Minh, thể hiện rõ trong tư tưởng, từng quyết sách và chỉ đạo thực tiễn của Người.

“Phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận”

Là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành; đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng và Chính phủ, để đề ra chính sách cho đúng, mỗi cán bộ, đảng viên nhất định phải thường xuyên nỗ lực học tập, phấn đấu về mọi mặt “để làm việc, làm người, làm cán bộ”, “để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Một trong những yêu cầu cần thiết, bắt buộc đối với người cách mạng là phải nhận thức đúng về tầm quan trọng của lý luận chính trị, yêu cầu cần thiết phải học tập lý luận chính trị để rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, năng lực trí tuệ đảm bảo hoàn thành trọng trách kép vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.Mỗi người phải coi việc nghiên cứu, học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục gắn liền với quá trình tu dưỡng về mọi mặt, vì: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”[6]. Đồng thời, khi học và khi vận dụng lý luận chính trị vào thực tiễn, phải thấm nhuần sâu sắc tính sáng tạo của lý luận Mác - Lênin - đó chính là sự bổ sung bằng những kết luận đúc rút được từ thực tiễn sinh động. Đi liền cùng đó là mỗi cấp ủy trong chường trình, nội dung, phương pháp công tác phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng về vai trò của lý luận chính trị trong việc nâng cao năng lực trí tuệ, tư duy, lãnh đạo của Đảng nói chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng. Từ đó, chủ động xây dựng tinh thần và trách nhiệm nghiên cứu, học tập lý luận chính trị phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ quan, địa phương, đơn vị, để mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ xác định rõ ý thức tự giác và trách nhiệm của mình phải nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ, chủ động và dũng cảm bảo vệ chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trước những luận điệu sai trái, lệch lạc của các thế lực thù địch, phản động.

Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là: “3) Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”; đồng thời, thừa nhận: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức”.

Thực tế là trong những năm qua, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị và không ít cán bộ, đảng viên không nhận thức đầy đủ về vai trò của lý luận, lý luận chính trị và yêu cầu cần thiết phải học tập lý luận chính trị mà thường tập trung cho đào tạo, bồi dưỡng, học tập về chuyên môn, nghiệp vụ; thậm chí có nhiều người chỉ chú trọng bằng cấp chuyên môn, còn xin nợ việc học tập lý luận chính trị, nợ “bằng cao cấp lý luận chính trị” khi bổ nhiệm. Đã có không ít người không chỉ thiếu tự giác, không chủ động tham gia học tập lý luận chính trị mà còn mượn nhiều lý do để trốn tránh hoặc xin thôi không tham gia học tập lý luận chính trị. Có người, khi đi học, thì “đánh trống ghi tên”, vừa học vừa tham gia giải quyết các công việc khác hoặc đến điểm danh rồi về nghỉ giữa chừng, học nửa chừng kháo học rồi nghỉ, học không nghiêm túc, gượng ép, học kiểu đối phó, thậm chí vi phạm quy chế học tập như nhờ học hộ, nhờ thi hộ, bỏ học, bỏ thi.

Nhận thức đúng về vai trò và sự cần thiết phải học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên. Vì thế, nhận thức không đúng về vai trò của lý luận và lý luận chính trị, lười học lý luận chính trị chính là biểu hiện của sự suy thoái. Chính sự suy thoái này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi cán bộ, đảng viên mà còn khiến họ gặp khó khăn trong công tác vận động quần chúng; thậm chí không giữ được lập trường trước sự cám dỗ của vật chất và sự lôi kéo của các thế lực phản động. Hơn nữa, vì thiếu lý luận dẫn đường, cho nên họ không nắm được đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương, biện pháp lãnh đạo của cấp ủy, nên khi giải quyết một vấn đề của thực tiễn, họ thường chủ quan, chỉ dựa vào kinh nghiệm mà không nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan; không xem xét toàn cục để cân nhắc, xem xét, xử trí cho khéo mà thường quyết định theo ý của bản thân mình, đẫn đến tình trạng, nghị quyết của Đảng dù rất đúng đắn nhưng triển khai chậm, thậm chí hiểu sai, làm trái với đường lối, nghị quyết của Đảng.

Để khắc phục những biểu hiện suy thoái trên, để nhận thức và nhu cầu tự giác trong học lý luận chính trị trở thành động cơ, động lực quan trọng của mỗi cán bộ, đảng viên, các cấp ủy cần phải chú trọng công tác giáo dục lý luận chính trị cho chương trình hành động của mình. Thông qua công tác giáo dục lý luận chính trị, nâng cao trình độ lý luận chính trị, khắc phục mọi biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên rèn luyện, giữ vững bản lĩnh chính trị, nâng cao đạo đức cách mạng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, củng cố niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng cộng sản; cụ thể là:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Kết luận số 69-KL/TW ngày 14/4/2010 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quy định 54-QĐ/TW ngày 12-5-1999 của Bộ Chính trị khóa VIII về “Chế độ lý luận chính trị trong Đảng”; Quy định số 164-QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Bộ Chính trị về “Chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp”; Kết luận 57-KL/TW ngày 8/3/2013 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp”; Nghị quyết Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII ngày 30/10/2016 về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”; các quy định về nêu gương, nhất là Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”…

Thứ hai, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lý luận chính trị trong Đảng; không được coi nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói riêng là công việc của các nhà lý luận mà đó là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng; là yêu cầu bắt buộc, bức thiết của mỗi cán bộ, đảng viên. Theo đó, học tập lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải chỉ là “thuộc làu làu”, “tầm chương trích cú”, “chỉ học thuộc lòng” hoặc biết “dăm ba chữ” để trưng ra với tổ chức, lòe người mà học cũng như vận dụng phải luôn xuất phát từ thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn. Học chủ nghĩa Mác - Lênin là “phải học tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng”[7] và “học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm”[8] chứ không phải và càng không nên coi đó là những công thức có sẵn để “học thuộc lòng” và áp nguyên vào thực tiễn cuộc sống.

Xuất phát từ thực tiễn, từ yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ xây dựng "kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương” theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII phù hợp với từng đối tượng, theo hướng cụ thể, thiết thực. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong xây dựng kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị hằng năm đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời, thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát, tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc việc kiểm tra và đánh giá kết quả học tập, viết thu hoạch của mỗi cán bộ, đảng viên.

Đề cao trách nhiệm chính trị, tính tự giác, chủ động, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong học tập và tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị; học ở mọi nơi, mọi lúc, “học ở trường, ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân". Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong học tập lý luận chính trị, nói và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Kịp thời biểu dương những tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện tốt việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị; đồng thời, góp ý, phê bình nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện lơ là, thiếu nghiêm túc trong học tập lý luận chính trị. Căn cứ vào ý thức, trách nhiệm và kết quả học tập lý luận chính trị để đánh giá, xếp loại, phân loại cán bộ, đảng viên và bình xét thi đua khen thưởng hằng năm.

Nghiêm túc học tập lý luận chính trị, dùng lý luận đã thấm nhuần để phân tích những thắng lợi và thất bại trong mọi mặt công tác, những mặt đúng và sai trong tư tưởng, để không chỉ “bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra trong thực tiễn cách mạng của ta”[9] mà còn góp phần làm cho nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên đối với các vấn đề trong thực tiễn được nâng cao hơn và vì thế kết quả hành động chắc chắn thu được cũng sẽ tốt hơn./.

                                                                                    Theo dukcqtw.dcs.vn

________________

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội , 2011, t.8, tr. 277

[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội , 2011, t.5, tr. 273-274

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội , 2011, t.8, tr. 279

[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội , 2011, t.5, tr. 274

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội , 2011, t.8, tr. 280

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội , 2011, t.10, tr.376

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội , 2011, t.11, tr. 95

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội , 2011, t.11, tr.611

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội , 2011, t.11, tr.96

 

E. GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT, MÔ HÌNH HAY, CÁCH LÀM HIỆU QUẢ TRONG HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

 

TẤM GƯƠNG NGƯỜI PHỤ NỮ CÁN BỘ CHI HỘI TẬN TỤY, 

NHIỆT TÌNH HẾT LÒNG VÌ CÔNG VIỆC

 

Hồ Chí Minh một biểu tượng sáng ngời về đạo đức cách mạng, tấm gương dành trọn cuộc đời hi sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, hết lòng vì tổ quốc, vì nhân dân. Tư tưởng, đạo đức của người là sự kết tinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, là tinh hoa văn hóa của nhân loại; là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta. Bác là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo. 

Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiệnChỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua việc học học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành phong trào thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia, tạo sự chuyển biến tích cực về mặc nhận thức. Từ đó xuất hiện nhiều gương điển hình với những việc làm ý nghĩa, thiết thực. Một trong những tấm gương điển hình đó là cô Nguyễn Thị Tới – Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Trung An xã Tiên Hà, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Cô Nguyễn Thị Tới sinh năm 1962 trong một gia đình nhà nông thuần túy. Gia đình cô hiện tại có một mẹ già ngoài 90 tuổi và một cậu con trai. Là người phụ nữ nhưng trên vai cô mang trọng trách là người trụ cột gia đình. Một người con hiếu thảo, đảm đang, một người mẹ giỏi giang và mẫu mực hết lòng chăm sóc mẹ già và và nuôi dậy con trai nên người.

Năm 1999 cô được bầu làm tổ trưởng tổ phụ nữ. Năm 2011 được bầu làm chi hội phó chi hội phụ nữ. Từ năm 2017 đến nay cô được Hội và chị em phụ nữ tin tưởng bầu làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Trung An. Vừa “Đảm việc nhà ” vừa “giỏi việc nước” với cương vị là Chi hội trưởng cô luôn trăn trở làm sao để vận động, thuyết phục chị em phụ nữ tham gia phong trào, tích cực sinh hoạt, làm sao để đưa phong trào phụ nữ của thôn nói riêng và phong trào phụ nữ của xã 
nói chung ngày càng đi lên và phát triển vững mạnh.

 

Cô Nguyễn Thị Tới (Áo xanh)

cùng các cô trong mô hình “Bát cháo tình thương”

Để nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của chị em phụ nữ trong chi hội, cô luôn dành thời gian gặp gỡ, chia sẻ, kịp thời thăm hỏi động viên những trường hợp hội viên ốm đau, những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Quan tâm, động viên chị em tham gia sinh hoạt, hội họp. Với cô, để chi hội phát triển vững mạnh quan trọng và ưu tiên hàng đầu là việc tập hợp, đoàn kết hội viên với phương châm “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; “Để vận động chị em tham gia vào hội ngày càng đông thì trước tiên bản thân mình phải gương mẫu, nhiệt tình, chịu khó”. Thấy được sự tận tụy của chi hội dành cho hội viên từ đó sẽ thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia sinh hoạt.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ Thị 05 do Hội LHPN xã triển khai, ngày 14/4/2014 bản thân cô cùng với các chị em trong chi hội triển khai xây dựng và chính thức thành lập Mô hình "Bát cháo tình thương"  với mục đích chính là phát cháo miễn phí cho những trẻ em nghèo, người già tàn tật, người nghèo có hoàn cảnh khó khăn với tinh thần tương thân tương trợ, giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn,...định kỳ vào ngày 01,15 hàng tháng trước các cổng trường trên địa bàn xã. Những bát cháo ấm nồng tình cảm, hợp vệ sinh và đảm bảo dinh dưỡng đã được cô và các chị em trong chi hội trao đến tận tay những người già cả neo đơn, hội viên, trẻ em, học sinh nghèo. 

Mô hình được xây dựng và duy trì dựa trên kinh phí được huy động từ hội viên phụ nữ, bà con nhân dân trong thôn và sự đóng góp của các chị trong chi hội, Mỗi tháng chị em trong chi hội sẽ dành ra 10.000 đồng để gây quỹ hoạt động. Thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, thông qua việc tuyên truyền, trong các buổi phát cháo, cô và các chị em đã vận động toàn thể cán bộ hội viên phụ nữ đóng góp tiền quỹ để mô hình hoạt động. Thấy được tính nhân văn, ý nghĩa của mô hình, từ đó nhiều hội viên, nhiều gia đình tích cực vận động, kêu gọi các bà con nhân dân trong xã đóng góp tiền thêm để mô hình được duy trì. Ngoài ra, chi hội tranh thủ thời gian đến các hộ gia đình cán bộ, công nhân viên chức; các hộ buôn bán, kinh doanh có nguồn thu nhập khá giả hơn để tiếp tục vận động kinh phí cho mô hình "bát cháo tình thương”. Trung bình một nồi cháo tình thương có giá trị từ 300.000 - 350.000đ. Mỗi tháng hai lần, các chị, em phân công luân phiên nhau nấu cháo và đúng vào lúc 05 giờ 30 phút là có mặt tại trước cổng trường để phát cháo. Tuy công việc vất vả nhưng các chị rất vui, tiếng nói, tiếng cười rộn rã bên nồi cháo nóng hổi đã xoa đi cái lạnh lẽo của mùa đông, cái nóng bức của mùa hè. Bát cháo đã làm ấm lòng những em học sinh nghèo, người già và người nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Từ nguồn quỹ vận động của mô hình, cô và các chị cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình có hội viên phụ nữ đau ốm, khó khăn đột xuất; tặng quà cho các em học sinh nghèo có thành tích học giỏi của chi hội.


Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình, cô đã tích cực vận động hội viên tham gia các buổi tập huấn chuyển giao khoa học - công nghệ về chăm sóc cây trồng, con vật nuôi. Đặc biệt, với vai trò là chi hội trưởng kiêm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, quản lý số vốn hơn 2 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho hội viên vay vốn mở rộng sản xuất. Nhờ đó, nhiều chị em hội viên vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ với mô hình nuôi gà, cô Nguyễn Thị Đạt với cửa hàng buôn bán tạp hóa. Việc quản lý vốn vay được cô quan tâm, hiện nay tổ tiết kiệm vay vốn của cô không phát sinh nợ quá hạn, không có lãi tồn động.

          Cô Nguyễn Thị Tới (áo xanh) hỗ trợ gia đình bà lê Thị Mai bị cháy nhà

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, với tinh thần trách nhiệm, năng nổ trong công việc, cô đã vận động gia đình hội viên tham gia hiến được 2.573m2 đất; 150 công lao động; hơn 35 triệu đồng làm đường giao thông liên xóm; tham gia nạo vét kênh mương. Hiện nay, các tuyến đường tại thôn Trung An được bê tông hóa, nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, sạch đẹp, là điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong thôn.


Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa do Hội LHPN xã phát động, cô đã chủ động tham mưu cho Hội Phụ nữ xã tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn  hộ gia đình hội viên thực hiện xách giỏ, mang hộp đi chợ, phân loại rác tại nhà và xử lý rác đảm bảo không gây ảnh hưởng đến môi trường. Thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cô và các chị em trong chi, tổ hội phát động phong trào thu gom rác thải để bán tạo kinh phí cho chi hội hoạt động. Từ đó, mô hình "Thu gom phế liệu gây quỹ giúp phụ nữ, trẻ em nghèo" đã được thành lập. Mỗi hộ gia đình hội viên tự thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt của gia đình mình làm 3 loại: Rác thải hữu cơ như vỏ rau, củ, quả… thay vì vứt thẳng ra vườn hoặc bỏ chung vào với các loại rác thải khác thì các chị em đào hố ủ làm phân, tận dụng các loại thức ăn thừa làm thức ăn chăn nuôi; các loại rác không tái chế được sẽ để xe thu gom rác mang đi. Riêng đối với các loại phế liệu như bìa carton, vỏ lon bia, chai nhựa, giấy vụn,…được phân loại riêng, tập trung lại theo từng cụm từ 4-5 gia đình một chỗ, mỗi tháng 1 lần liên hệ người đến thu mua.

         

Cô Nguyễn Thị Tới (ở giữa) bên mô hình

"Thu gom phế liệu gây quỹ giúp phụ nữ, trẻ em nghèo"

Cô chia sẻ: "Khi mô hình mới thành lập, chỉ có vài chị tham gia, nhiều chị em chưa ý thức được việc thu gom phế liệu, bán lấy tiền ủng hộ quỹ cho chi hội. Đa số các chị thu gom được bán chi tiêu cho gia đình, một số chị thì cho rằng việc thu gom mất thời gian lại bán không được bao nhiêu nên các chị đều cho vào thùng rác. Nắm bắt được tâm lý chung đó, bản thân các chị là chi hội, tổ hội phải thực hiện trước, rồi mới vận động được hội viên thực hiện theo. Tiếp đó, các chị đến từng gia đình để tuyên truyền, chia sẻ mục đích, ý nghĩa của việc thu gom phế liệu và vận động chị em tham gia mô hình. Đến nay số thành viên là 35 chị".

Từ khi mô hình được thành lập, các hội viên không ai bảo ai hàng ngày các chị đều tự giác thu gom và phân loại những phế liệu từ sinh hoạt của gia đình. Cứ đến ngày 25 hàng tháng, các hội viên lại tập trung các thứ thu gom được, đem cân bán rồi lấy tiền góp quỹ. Người ít thì cũng một vài cân, người nhiều thì cũng hơn mười cân, tích tiểu thành đại, mỗi mỗi tháng mô hình thu về từ 200 - 400 nghìn đồng. Số tiền đó, được dùng để thăm hỏi, hỗ trợ hội viên, phụ nữ, trẻ em trong thôn khi ốm đau; tặng quà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Kể từ khi mô hình được thành lập năm 2022 tổng cộng đã thu được 2,571kg phế liệu, bán thu được 7.956.000 đồng. Từ số tiền thu được dùng để thăm tặng cho 10 chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi người 300.000 đồng và hỗ trợ cho 15 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích khá, giỏi trong học tập.

 

Dưới sự phát động của Hội liên hiệp Phụ nữ xã, để chị em phụ nữ có cuộc sống an nhàn lúc về già. Năm 2022 cô và các chị em trong chi hội đã bàn bạc với nhau và quyết định thành lập mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện”. Ban đầu mô hình mới thành lập đã có 18 chị em tham gia. Hiểu được lợi ích của việc tham gia BHXH, cùng với việc truyền, vận động, đến nay mô hình đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ trong thôn tham gia. Mô hình nhằm giúp cho cán bộ, hội viên nhận thức rõ hơn về chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, chức năng của Hội trong chăm lo quyền lợi cho hội viên; tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện vừa mang lại lợi ích thiết thực vừa tạo điều kiện để chị em gắn bó, chia sẻ khó khăn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho hội viên phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung.

Cô Nguyễn Thị Tới (Thứ 2 bên trái sang)

 bên mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện”.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid xảy ra, đời sống của cán bộ, hội viên và nhân dân trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn, cô đã động viên chị em trong chi hội góp tiền, công sức, rau củ… nấu những bữa ăn miễn phí hỗ trợ nhân dân trong khu cách ly tập trung của xã, huyện. 

 


   Cô Nguyễn Thị tới (ngoài cùng bên phải) hỗ trợ cơm khu cách ly tập trung

Ngoài đảm nhận công tác Hội, bản thân cô còn là tổ trưởng tổ đoàn kết luôn tận tụy, nhiệt tình tham gia các phong trào do thôn, xã phát động. Dù ở bất cứ cương vị nào cô cũng tích cực hoạt động và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn gần gũi, sẻ chia được mọi người yêu mến tín nhiệm. Chi hội phụ nữ thôn Trung An luôn được Chi bộ, ban nhân dân thôn đánh giá cao, chi hội đạt xuất sắc nhiều năm liền; bản thân cô Nguyễn Thị Tới cũng được Hội phụ nữ xã biểu dương và đề nghị UBND xã, Hội liên hiệp phụ nữ huyện khen thưởng nhiều năm liền. Năm 2017 chi hội phụ nữ thôn Trung An được Đảng ủy, Hội LHPN huyện tặng giấy khen về thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Đó chính là nguồn động lực, động viên, khuyến khích để chị tiếp tục làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Những việc làm của cô Nguyễn Thị Tới đã góp phần khẳng định hình ảnh người phụ nữ Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Cô là tấm gương sáng đáng để đáng để mỗi chúng ta học hỏi và noi theo. Tại Hội nghị Huyện ủy lần thứ mười bảy diễn ra vào ngày 11/4/2024, cô vinh dự được Huyện khen thưởng là một trong những cá nhân có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.

                                               Nguồn tin: Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Tiên Hà

Ban Tuyên giáo Huyện uỷ