Cuộc đời, sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng

Huỳnh Thúc Kháng - Một chí sỹ hết lòng vì dân, vì nước

04/01/2024 10:16

⁡⁠⁢⁡⁠⁢⁣⁡⁠⁢

Tưởng niệm 75 năm ngày mất Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng

(21/4/1947-21/4/2022)

---

Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: tuyengiao.vn

HUỲNH THÚC KHÁNG -

MỘT CHÍ SỸ HẾT LÒNG VÌ DÂN, VÌ NƯỚC

 

Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 1/10/1876 tại thôn Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam; là một người nổi tiếng thông minh, học giỏi. Năm 1900, Huỳnh Thúc Kháng đỗ đầu kỳ thi Hương, năm 1904 đỗ tiến sỹ kỳ thi Hội và trở thành người nổi tiếng của xứ Quảng lúc bấy giờ.

Là người không tham quyền chức, do đó sau khi đỗ tiến sỹ, Huỳnh Thúc Kháng đi dạy học, tìm đọc sách báo có tư tưởng mới, tiến bộ, nung nấu ý chí canh tân đất nước. Năm 1905, Huỳnh Thúc Kháng cùng với Phan Châu Trinh, Trần Qúy Cáp đi vào phía Nam nước ta để tìm hiểu, xem xét dân tình, sĩ khí, đề xướng tân học và tìm gặp những người cùng chí hướng. Sau đó, trở về Quảng Nam khởi xướng, tham gia lãnh đạo phong trào Duy Tân vào các năm 1906-1908.

Cuộc vận động Duy Tân ở Trung Kỳ phát triển, trở thành phong trào đấu tranh sôi nổi của nhân dân các địa phương miền Trung, trong đó có phong trào chống thuế năm 1908, góp phần đòi quyền lợi cho dân sinh. Vì vậy, ông bị thực dân Pháp bắt, rồi đày đi Côn Đảo từ năm 1908 đến 1921. Sau khi được trả tự do, Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục tích cực hoạt động, đấu tranh đòi quyền lợi cho nhân dân, đất nước.

Tháng 7/1926, Huỳnh Thúc Kháng trúng cử Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, nhưng năm 1928 ông xin từ chức để tập trung vào lĩnh vực báo chí, văn chương; làm chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Tiếng dân liên tục trong 16 năm (1927-1943).

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Huỳnh Thúc Kháng tham gia nội các Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946 làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt); quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp từ ngày 31/5/1946 đến 20/10/1946.

Ngày 19/12/1946 cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Huỳnh Thúc Kháng làm Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý ở miền Trung để giải thích, tuyên truyền đường lối kháng chiến của Đảng ta, kêu gọi toàn dân đoàn kết ủng hộ Chính phủ và cách mạng. Đến đầu năm 1947, do tuổi cao, sức yếu, lâm bệnh nặng, ngày 21/4/1947 cụ Huỳnh Thúc Kháng qua đời tại Quảng Ngãi trong niềm tiếc thương vô hạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân, cán bộ, chiến sĩ cả nước.

Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng ở núi Thiên Ấn, TP.Quảng Ngãi

* Những đóng góp to lớn của Huỳnh Thúc Kháng cho cách mạng và đất nước, đó là:

Tham gia khởi xướng và lãnh đạo phong trào Duy Tân:

Năm 1905, Huỳnh Thúc Kháng cùng với Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp đến các tỉnh phía Nam, tích cực cùng các nhân sĩ, trí thức vận động Duy Tân, chuẩn bị các điều kiện để thành lập Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh, Phan Thiết. Thông qua đó liên lạc với những người yêu nước và tạo nguồn tài chính ủng hộ phong trào Đông Du của nhà yêu nước Phan Bội Châu. Bên cạnh đó, Huỳnh Thúc Kháng còn tham gia giảng dạy, khuấy động và cổ vũ tinh thần Duy Tân… Sau khi Phan Châu Trinh ra Hà Nội, Trần Quý Cáp đến Khánh Hòa, Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo và vận động Duy Tân ở Quảng Nam.

Những tác động của phong trào này dẫn đến phong trào chống thuế lan rộng, diễn ra mạnh mẽ ở Quảng Nam và khắp cả miền Trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Sau khi đàn áp, thực dân Pháp bắt giam và đày Huỳnh Thúc Kháng ra Côn Đảo đến năm 1921 mới trả tự do.

Tích cực đấu tranh đòi quyền lợi cho dân, cho nước:

Sau khi mãn hạn tù, thực dân Pháp và phong kiến Nam triều nhiều lần mời ra làm quan nhưng Huỳnh Thúc Kháng đều từ chối. Năm 1926, sau khi trúng cử Nghị viện, được cử giữ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, ông sử dụng tổ chức này như một diễn đàn đấu tranh công khai, đòi thực dân Pháp nới lỏng chính sách cai trị, thực thi dân quyền, dân sinh, đảm bảo lợi ích của dân tộc ta. Tuy nhiên, Viện Dân biểu Trung Kỳ chỉ phục vụ mục đích, ý đồ của thực dân Pháp, nên năm 1928, Huỳnh Thúc Kháng từ chức.

 Nhận thấy sức mạnh và vai trò của báo chí đối với sự nghiệp cứu dân, cứu nước, Huỳnh Thúc Kháng tập trung sáng tác văn thơ, viết báo; làm chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Tiếng dân- tờ báo đầu tiên xuất bản bằng tiếng Việt ở Trung kỳ. Thời gian 16 năm tồn tại (1927- 1943), Báo Tiếng dân đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục quần chúng nhân dân tích cực tham gia đấu tranh chống thực dân, phong kiến, đòi quyền lợi cho dân, cho đất nước, làm cho thực dân Pháp phải đối phó, dè chừng và đã giảm bớt hành động ngang ngược, áp bức nhân dân ta…. Tờ báo này còn tích cực tham gia vận động nhân dân ta hưởng ứng, đi theo con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.

Góp phần tham gia chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam:

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trân trọng tài năng và đức độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ cách mạng, đảm nhiệm nhiều trọng trách. Với cương vị Bộ trưởng Bộ nội vụ, Huỳnh Thúc Kháng dồn hết tâm lực và trí tuệ để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; chỉ đạo giải quyết nhiều công việc nội chính; tham gia bàn, xác định những vấn đề quan trọng của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến; về các nội dung chương trình, nguyên tắc Hội đồng Chính phủ, Tuyên ngôn của Chính phủ, chính sách đối với nước Pháp; quyền hạn của Ủy Ban kháng chiến, của các bộ và là một trong 6 thành viên của Ủy ban nghiên cứu đặc biệt các vấn đề đàm phán ở Pa-ri do Hội đồng Chính phủ lập ra…

Với cương vị Quyền Chủ tịch nước trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp, Huỳnh Thúc Kháng đã điều hành bộ máy Nhà nước, chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề, công việc quan trọng về đối nội, đối ngoại của nước ta lúc bấy giờ...