Cuộc đời, sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng

Cụ Huỳnh Thúc Kháng: Những dấu ấn còn mãi

04/01/2024 10:29

TCCSĐT - Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng - nguyên Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) với những cống hiến xuất sắc của Cụ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc thể hiện trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong giai đoạn Cụ tham gia Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, là một trong những dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử cận hiện đại của Việt Nam.

Nhà cách mạng kiên quyết, trung thành 

Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876 tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam - mảnh đất “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hóa, văn hiến và đấu tranh cách mạng. Ngay từ nhỏ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã tỏ rõ tố chất thông minh và sớm đạt giải cao trong các kỳ thi. Mặc dù là một đại khoa với học vị tiến sĩ, nhưng cụ Huỳnh Thúc Kháng không “bén duyên” với chốn quan trường. Cụ đã cùng các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp,… tiên phong khai mở Phong trào Duy Tân “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, khơi dậy cao trào yêu nước rộng khắp từ Bắc chí Nam, đỉnh điểm là phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, làm rung động bộ máy thống trị của thực dân Pháp.

Mặc dù bị chính quyền thực dân bắt, tù đày ở Côn Đảo suốt 13 năm (1908 - 1921), Cụ vẫn một dạ sắt son, gan không núng, chí không sờn. Năm 1926, sau khi ra tù, Cụ được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ. Trong 3 năm hoạt động ở Viện, Cụ kiên quyết đấu tranh nghị trường, rồi nhân việc chống lại viên Khâm sứ người Pháp, Cụ từ chức và sáng lập Tờ báo Tiếng Dân, làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút báo này tại Huế từ năm 1927 đến năm 1943.

Năm 1945, tình hình cách mạng trong nước và thế giới có sự chuyển biến mau lẹ. Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Phe đồng minh đại thắng. Phe trục phát-xít Đức - Ý - Nhật lần lượt đầu hàng. Phong trào cách mạng giải phóng dân tộc phát triển nhanh chóng. Nắm bắt thời cơ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 02-9-1945.

Bước ngoặt vĩ đại này đã mở ra trang sử mới vô cùng rạng rỡ trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc sớm phải đương đầu với nhiều cam go, thử thách. Do vậy, hơn bao giờ hết, mọi nguồn lực của dân tộc, trong đó có nguồn lực trí tuệ và đội ngũ nhân tài cần được khơi dậy, quy tụ và phát huy. Trọng dụng nhân tài, nhất là các nhân sĩ, trí thức tài năng ngoài Đảng có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân để đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.

Thấu triệt luận điểm đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết thực hiện và thực hiện rất thành công chủ trương trọng dụng nhân tài vì đại nghĩa dân tộc. Cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh điện cho Ủy ban nhân dân lâm thời Trung Bộ mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội. Mặc dù tuổi cao, nhưng với lòng yêu nước nhiệt thành, Cụ đã nhận lời mời gánh vác việc nước, sát cánh cùng các chiến sĩ cộng sản và đồng bào cả nước đưa đất nước vượt qua những thử thách to lớn, giữ vững nền dân chủ cộng hòa non trẻ.

Ngày 02-3-1946, kỳ họp lần thứ nhất Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra tại Hà Nội. Nhân danh Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố khai mạc kỳ họp, nêu rõ: “Cuộc Quốc dân đại biểu đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử của nước Việt Nam ta. Nó là một kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06-01-1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là cái kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”(1).

Sau lời khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo công việc của Chính phủ lâm thời trong 6 tháng qua và giao lại quyền cho Quốc hội để tổ chức một chính phủ mới - chính phủ kháng chiến và kiến quốc. Trên tinh thần ấy, Quốc hội Việt Nam tuyên bố Chủ tịch Hồ Chí Minh “xứng đáng với Tổ quốc” và nhất trí bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ mới.

Đề cập đến nhân sự trong Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bây giờ tôi xin giới thiệu những Bộ trưởng cử ra, đều là những người có tuổi tác, có danh vọng, đạo đức, một mặt có thể có ý kiến giúp cho Chính phủ, một mặt có thể điều khiển được quốc dân”(2). Khi đọc đến tên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết - cụ Huỳnh Thúc Kháng”(3).

Sự kiện Chính phủ liên hiệp kháng chiến được Quốc hội thay mặt toàn dân Việt Nam công nhận ngày 02-3-1946 là mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời chính thức của cơ quan hành chính cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là một chính phủ hợp pháp, có đầy đủ uy tín và hiệu lực để điều hành đất nước cả về đối nội và đối ngoại, thực hiện kháng chiến, kiến quốc, giữ vững quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, với việc mời cụ Huỳnh Thúc Kháng nói riêng và những bậc tài đức nói chung tham gia Chính phủ đã thể hiện tư duy mang tầm chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi ngay sau đó, cụ Huỳnh đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần tăng cường sức mạnh cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong giai đoạn nước sôi, lửa bỏng.

Cả cuộc đời hết lòng phụng sự Tổ quốc

Là thành viên Chính phủ, cụ Huỳnh Thúc Kháng mang hết tài năng và trí tuệ để phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Sáng ngày 06-3-1946, Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp phiên đặc biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Hội đồng Chính phủ báo cáo với Ban Thường trực Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban kháng chiến, Cố vấn tối cao Dự thảo Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp với những điều khoản nhân nhượng cần thiết liên quan đến quyền lợi quốc gia. Tham dự phiên họp có cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Chu Bá Phượng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế; Đặng Thai Mai, Bộ trưởng Bộ Giáo dục,... Kết thúc bản báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình đàm phán và nội dung thỏa hiệp sẽ ký kết giữa Việt Nam và Pháp, hội nghị nhất trí ký Hiệp định Sơ bộ Pháp - Việt (ngày 06-3-1946) theo các điều kiện đã thỏa thuận.

Sau khi tham gia bàn thảo cùng Hội đồng Chính phủ đi tới thống nhất ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp, cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh có buổi gặp gỡ Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi dự hội nghị trù bị ở Đà Lạt và đã có những chỉ thị cụ thể về các nội dung cũng như nguyên tắc đàm phán. Ngày 31-5-1946, theo lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang thăm nước Pháp, Cụ Huỳnh Thúc Kháng được giao giữ chức quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo Sắc lệnh số 82/SL ngày 29-5-1946, thay Chủ tịch Hồ Chí Minh ký những công văn thường ngày và Chủ tọa Hội đồng Chính phủ. Ngày 31-5-1946, trước khi cùng phái đoàn Việt Nam sang Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến, ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi)”(4).

Gánh vác trọng trách thay Hồ Chủ tịch điều hành việc nước là một thử thách không nhỏ đối với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Đáp lại sự kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời gian Người đi vắng, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã giải quyết êm thấm nhiều công việc liên quan đến quốc gia đại sự. Cụ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thẳng tay trừng trị những phần tử phản động trong Việt Nam Quốc dân đảng cấu kết với quân Tưởng âm mưu lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập. Uy tín, tài năng và đức độ của cụ Huỳnh Thúc Kháng trong thời gian giữ trọng trách Quyền Chủ tịch nước đã góp phần cùng với Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo nên khối đại đoàn kết rộng rãi toàn dân trong cuộc đấu tranh giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ở thời điểm hết sức hiểm nghèo.

Đối với thực dân Pháp, mặc dù đã ký với ta Hiệp định Sơ bộ và Tạm ước Việt - Pháp (ngày 14-9-1946), nhưng với bản chất xâm lược, chúng vẫn tìm mọi cách dìm cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong bể máu, ra sức phá hoại những điều khoản đã ký kết. Trước tình hình đó, theo đề nghị của Chính phủ, Ban Thường vụ Quốc hội đã triệu tập kỳ họp thứ hai của Quốc hội tại Thủ đô Hà Nội, từ ngày 28-10 đến ngày 09-11-1946.

Với sự nhất trí cao, Quốc hội tán thành chính sách đại đoàn kết dân tộc, đề phòng mưu mô chia rẽ, bảo đảm an ninh của quốc dân, tiến hành công cuộc kiến thiết quốc gia và chính sách đối ngoại của Chính phủ. Quốc hội đã chấp nhận sự từ chức của Chính phủ và ủy nhiệm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng ra lập chính phủ mới theo nguyên tắc đoàn kết dân tộc và tập hợp nhân tài, không phân biệt đảng phái. Ngày 03-11-1946, Chính phủ mới do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ra trình diện trước Quốc hội. Tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ Huỳnh Thúc Kháng làm đặc phái viên Chính phủ đi kinh lý miền Trung. Đúng lúc này, giặc Pháp bắt đầu đánh chiếm Hải Phòng, rồi gây hấn ở Hà Nội. Tình thế cấp bách đòi hỏi Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có sự lựa chọn lịch sử, một quyết định chiến lược kịp thời để xoay chuyển vận nước lâm nguy.

Đứng trước thời khắc quan trọng đó của lịch sử dân tộc, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta...”(5).

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng với tư cách là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (6) phát đi bức thư “Kêu gọi đồng bào phụ lão kháng chiến”, trong đó có đoạn: “Hãy tin tưởng vào cụ Hồ Chí Minh... mọi người hãy đồng lòng đoàn kết chặt chẽ một khối, quyết sống mái với kẻ thù... Tổ quốc sẽ độc lập quang vinh muôn năm”(7). Không những vậy, trên đường đi kinh lý miền Trung, hễ có dịp tiếp xúc với nhân dân, cụ Huỳnh Thúc Kháng lại truyền đạt đường lối kháng chiến cứu nước của Hồ Chủ tịch, Chính phủ và Mặt trận.

Tiếp tục cuộc hành trình kinh lý trên dải đất miền Trung, cụ Huỳnh Thúc Kháng không may bị ốm nặng. Trước khi từ biệt cõi đời, cùng với việc gửi điện chào vĩnh biệt anh em binh sĩ, kêu gọi anh em các đảng phái, tôn giáo hãy hết lòng tin tưởng và thực hiện ngay đại đoàn kết chung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 14-4-1947, Cụ đã đọc cho người thư ký riêng của mình ghi bức thư gửi Hồ Chủ tịch, với nội dung: “Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện; thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không gặp được Cụ lần cuối cùng! Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân lên đường vinh quang, hạnh phúc. Chào vĩnh quyết”(8). Ngày 21-4-1947, cụ Huỳnh Thúc Kháng trút hơi thở cuối cùng. Cụ Huỳnh Thúc Kháng từ trần là một tổn thất to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân ta. Ghi nhận công lao to lớn của Cụ đối với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói riêng và với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định tổ chức lễ tang cụ Huỳnh Thúc Kháng theo nghi thức quốc tang. Trong bức thư ngày 29-4-1947 gửi đồng bào cả nước về việc tổ chức quốc tang cho cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập, đến ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập”(9).

Đã gần 70 năm trôi qua kể từ ngày cụ Huỳnh Thúc Kháng ra đi, đất nước ta đã có bao sự đổi thay, nhưng dấu ấn của Cụ đối với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ còn mãi. Ghi nhận công lao của Cụ, ngày 15-4-2013, tại huyện Tiên Phước, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng do Nhà nước truy tặng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, việc tổ chức trọng thể lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng là sự ghi nhận, đánh giá rất cao công lao to lớn của Cụ đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cuộc đời hoạt động và nhân cách cao đẹp cùng tài năng, đức độ của nhà văn hóa, chí sí yêu nước, quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau học tập và noi theo./.