Kinh tế

Ngân hàng Chính sách Tiên Phước “bà đỡ” giúp người dân phát triển kinh tế

NGUYÊN HƯNG 15/11/2023 10:37

Những năm qua, vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Tiên Phước đã góp phần quan trọng trong việc giúp người dân phát triển kinh tế và được xem như “bà đỡ” cho người dân trên hành trình vượt khó vươn lên.

Đại diện Ngân hành CSXH huyện kiểm tra mô hình kinh tế sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi. Ảnh:N.HƯNG

Vượt khó nhờ vốn chính sách                                                      

Năm 2009 tốt nghiệp cấp 3, anh Nguyễn Thanh Sơn, khối phố An Tây, thị trấn Tiên Kỳ quyết định vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp. Sau hơn 7 năm làm công nhân vất vả nhưng cuộc sống vẫn gặp khó khăn. Năm 2016 anh Sơn quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi dúi sinh sản. Để có kinh phí đầu tư xây dựng chuồng trại và mua con giống, anh Sơn liên hệ với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiên Phước để vay 50 triệu đồng cùng với số tiền tích góp được trong thời gian lao động tại TP. Hồ Chí Minh. Bước đầu, do chưa có kinh nghiệm nên việc chăn nuôi dúi của gia đình gặp khá khó khăn. Tuy nhiên, sau thời gian học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình nuôi dúi thành công và tìm hiểu kỹ qua internet về kỹ thuật chăm sóc, nguồn thức ăn… nhờ đó đàn dúi bắt đầu sinh trưởng và phát triển tốt. “Nhờ sự hỗ trợ từ Ngân hàng CSXH huyện cùng với số vốn tích góp được khi làm thuê ở TP.Hồ Chí Minh nên tôi mở được trang trại dúi với diện tích khoảng 100m2 để mua 20 cặp dúi sinh sản với giá gần 25 triệu đồng về nuôi. Tuy nhiên lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên đàn dúi phát triển không tốt, cặp dúi không chịu giao phối sinh sản, qua nghiên cứu tìm hiểu bằng nhiều cách thì đàn dúi bắt đầu phát triển ổn định. Thời cao điểm đàn dúi lên đến 600 con, mỗi ký dúi thịt có giá từ 500 - 600 nghìn đồng. Nhờ đó tôi có nguồn thu nhập ổn định và trả nợ đúng hạn cho ngân hàng” - anh Sơn cho biết.

Khi đại dịch Covid -19 xảy ra, việc chăn nuôi dúi gặp không ít khó khăn, nhất là đầu ra sản phẩm do vậy anh Sơn chấp nhận giảm đàn và nuôi cầm chừng. Mới đây, anh Sơn tiếp tục liên hệ với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện vay 100 triệu đồng để mở rộng diện tích chuồng trại, khôi phục phát triển lại mô hình chăn nuôi dúi. “Sau khi đại dịch Covid-19 đi qua, thị trường tiêu thụ dúi có chiều hướng phát triển mạnh trở lại, nên tôi quyết định liên hệ bên Ngân hàng CSXH huyện vay tiền để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi dúi. Hiện trang trại tôi phát triển trở lại được khoảng 300 con dúi thịt và dúi sinh sản. Một năm dúi mẹ sinh sản khoảng 3 lứa, mỗi lứa trung bình 2 - 3 con, dúi trưởng thành nặng khoảng 2 ký, giá xuất bán thành phẩm hiện nay 500 - 600 nghìn đồng/kg và dúi giống có giá 1,4 - 2,5 triệu đồng/cặp”- anh Sơn nói.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chinh sách giúp  người lao động có việc làm, tăng thu nhập.

Cũng như anh Sơn, năm 2019 anh Đỗ Tấn Sự, khối phố Bình An, thị trấn Tiên Kỳ, xin nghỉ việc tại cơ quan nhà nước và quay về nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trầm hương. Để mua sắm các trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm trầm hương, anh Sự liên hệ với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện vay 100 triệu đồng. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát vệc kinh doanh buôn bán của anh Sự khá thuận lợi nên khoảng nợ vay ngân hàng được trả đúng hạn. Tuy nhiên dịch Covid-19 bùng phát việc sản xuất, kinh doanh dó trầm của anh gặp khó khăn ngưng trệ, cơ sở sản xuất đóng cửa. Mới đây, khi các sản phẩm trầm hương trên thị trường đang có đà phát triển mạnh trở lại, anh Sự đã liên hệ với bên Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện vay lại 100 triệu đồng đầu tư mua sắm máy móc quay về với nghề làm trầm hương. Anh Sự chia sẻ: “Vốn vay từ Ngân hàng Chính sách huyện đã giúp cho tôi có cơ hội phát triển được cơ sở làm dó trầm của mình, dù là nhỏ nhưng cũng góp phần tạo thêm thu nhập cho bản thân, gia đình”. 

“Tiếp sức” cho nông dân

Bà Huỳnh Thị Hiền, tổ trưởng Tổ vay vốn khối phố An Tây, thị trấn Tiên Kỳ cho biết, hiện có 57 đối tượng trong tổ tham gia vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Vốn vay ưu đãi của ngân hàng chính sách trở thành “bà đỡ” giúp bà con đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. “Tôi luôn cố gắng nắm bắt kịp thời những vấn đề liên quan đến chính sách tín dụng, để xét chọn đối tượng được thụ hưởng đến quá trình sử dụng vốn vay đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao nhất, giúp hộ vay trả lãi và gốc đúng thời gian quy định. Hầu hết các hộ vay vốn trong tổ đều sử dụng nguồn vốn vay đung mục đích, trả lãi và gốc đúng thời hạn”- bà Hiền cho hay.

Đại diện Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện hướng dẫn thủ tục vay vốn cho người dân. Ảnh:N.HƯNG

Đến nay, tổng nguồn vốn cho vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiên Phước đạt 523 tỷ đồng (tăng 30 tỷ đồng so với đầu năm). Ngân hàng CSXH đang cho vay 19 chương trình, tổng dư nợ cho vay hơn 521 tỷ đồng (tăng 28,4 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 6,7% so với đầu năm) với 8.147 hộ vay còn dư nợ. 

Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 30/01/2022 của Chính phủ, đến nay Ngân hàng CSXH huyện Tiên Phước đã giải ngân tổng số vốn đạt 14,2 tỷ đồng cho 220 khách hàng vay vốn để tạo việc làm, xây dựng nhà ở, mua máy vi tính cho học sinh, sinh viên học trực tuyến, cho vay đồng bào dân tộc thiểu số. 

Đối với nguồn vốn theo Nghị quyết số 181 ngày 02/11/2023 của Chính phủ, huyện Tiên Phước được cấp trên giao chỉ tiêu giải ngân 20 tỷ đồng cho vay để giải quyết việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống người dân nhằm “phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội”. 

Nguồn vốn vay ưu đãi góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hôi trên địa bàn. Ảnh:N.HƯNG

Ông Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiên Phước cho biết, các nguồn vốn cho vay đã và đang tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời giúp cho các hộ nghèo, khó khăn, hộ lao động sản xuất kinh doanh có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an ninh xã hội trên địa bàn toàn huyện. “Riêng đối với nguồn vốn 20 tỷ đồng được cấp trên hỗ trợ cho huyện Tiên Phước theo Nghị quyết số 181 ngày 02/11/2023 của Chính phủ chúng tôi sẽ tập trung hoàn thành giải ngân cho khoảng 300 khách hàng đang có nhu cầu trên địa bàn 15 xã, thị trấn trước 15/12/2023. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu của nhân dân về vốn ưu đãi, nhất là vốn để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm còn khá lớn (khảo sát nhu cầu năm 2024 khoảng 40 tỷ đồng). Chúng tôi mong cấp trên bổ sung thêm vốn ưu đãi từ địa phương và trung ương, nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhân dân trên địa bàn”- ông Hiền nói.

 

 

NGUYÊN HƯNG