Bản tin nội bộ

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 108 NĂM DANH XƯNG TIÊN PHƯỚC (1916 - 2024) VÀ 78 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ HUYỆN TIÊN PHƯỚC (16/6/1946 - 16/6/2024)

Ban Tuyên giáo Huyện uỷ 04/06/2024 09:13

KỶ NIỆM 108 NĂM DANH XƯNG TIÊN PHƯỚC (1916 - 2024) VÀ 78 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ HUYỆN TIÊN PHƯỚC (16/6/1946 - 16/6/2024)

I. HUYỆN TIÊN PHƯỚC TRONG NHỮNG NĂM CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẾN NĂM 1945

1. Tiên Phước dưới ách thống trị của đế quốc, phong kiến

Trong những năm cuối thế kỷ XIX đến năm 1945, Tiên Phước là huyện miền núi, hẻo lánh. Dưới sự cai trị của thực dân Pháp, đời sống nhân dân vô cùng cơ cực. Hầu hết người dân bị đói kém, thất học, đau ốm khắp nơi, trong khi đó thực dân Pháp cấu kết với chính quyền phong kiến triều Nguyễn ra sức thực hiện chính sách ngu dân, đàn áp về chính trị, vơ vét về kinh tế. Chính vì vậy, các tầng lớp nhân dân bị áp bức, bóc lột và sĩ phu yêu nước đã đứng lên đấu tranh mạnh mẽ chống chế độ thực dân - phong kiến. 

Trong thời kỳ này, tại Quảng Nam, đông đảo nhân dân hưởng ứng phong trào Cần Vương do Trần Văn Dư lãnh đạo, trong đó có nhân dân Tiên Phước. Căn cứ sơn phòng Dương Yên đã được phe chủ chiến xem như là trung tâm chỉ huy thứ hai (sau Tân Sở) cho các tỉnh phía Nam kinh đô Huế. Sau khi Trần Văn Dư bị giặc giết, Nguyễn Duy Hiệu tiếp tục lãnh đạo Nghĩa Hội chống Pháp, ông cho dời đại bản doanh về làng Thanh Lâm (Tiên Thọ) tiếp tục chiêu mộ nhân dân tham gia các đội hương dũng quân, đoàn kết quân để chống Pháp. Năm 1886, quân Pháp kéo đến đàn áp đã bị nghĩa quân Nguyễn Duy Hiệu phục kích, đánh thắng giòn giã tại Suối Đá, địa danh Suối Đá đi vào lịch sử từ đây.

Năm 1904, làng Thạnh Bình (Tiên Cảnh) là địa điểm họp bàn việc cứu dân, cứu nước của các sĩ phu yêu nước như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu… Từ đây, các nhà ái quốc đã bôn ba trên các ngã đường khác nhau. Tiêu biểu thời kỳ này là phong trào Duy Tân: một số sĩ phu yêu nước đã đi khắp nơi trong nước và ngoài nước để vận động phong trào. Tại làng Phú Lâm (Tiên Sơn) là địa điểm thực hành cải cách tiêu biểu của phong trào Duy Tân do Lê Cơ lãnh đạo đạt được nhiều kết quả tốt đẹp theo trào lưu của xã hội mới. Phong trào Duy Tân ở Tiên Phước nói riêng và khắp trung kỳ nói chung đã diễn ra rầm rộ ngày càng lan rộng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, mang lại nhiều kết quả thắng lợi.

Trong những năm 1908 - 1925, nhiều phong trào đấu tranh chống thực dân - phong kiến thu sưu cao thuế nặng, chiếm đoạt đất đai… của nhân dân Tiên Phước liên tiếp nổ ra, thu hút hàng ngàn người tham gia; có cuộc khởi nghĩa đã tiêu diệt được nhiều quân Pháp. Riêng cuộc khởi nghĩa (1916) do Trần Huỳnh lãnh đạo đội quân gần 1000 người tham gia tiến công giải phóng đồn Trà My và phủ lị Tam Kỳ nhưng sau đó bị thực dân Pháp đàn áp.

Nhìn chung, các phong trào yêu nước đã nổ ra quyết liệt với các hình thức và biện pháp đa dạng nhưng chưa có đường lối lãnh đạo đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên chỉ giành lấy những chiến thắng nhất thời và lần lượt bị thất bại. 

2. Sự ra đời của huyện Tiên Phước

Tiên Phước vốn thuộc đất Việt Thường, trong thời Bắc thuộc (202 - 714), nhà Tần đặt là Tượng quận. Từ Tây Hán đến Tề, Lương, Tùy thì Tiên Phước thuộc đạo Trà Nô, huyện Lư Dung, quận Nhật Nam. Nhà Tùy đổi tên Lư Dung thành Tân Dung thuộc quận Nông Châu, sau là quận Hải Âm. Nhà Đường lại đổi thành quận Sơn Châu. Cũng trong thời gian trên, hơn 13 thế kỷ (192-1402), Tiên Phước thuộc hạt Amahacati, châu Ô Lí của vương quốc Lâm Ấp, Hoàng Vương, Chiêm Thành của dân tộc Chăm, nơi cư trú của thị tộc Narikêlavamca hay là dòng Cây Dừa. Đến đời nhà Trần, đất Tiên Phước là một trong ba huyện của Châu Hoa (Vạn An, Cu Hy, Lê Đê), nhưng không biết quận nào của Châu Hoa thuộc Thăng Hoa lộ, An Phủ sứ, sau đổi thành Thăng Hoa phủ (1404); rồi Hóa Châu trấn (1428). Từ năm 1471 đến đầu thế kỷ XX, phần đất của Tiên Phước thuộc huyện Hà Đông ở trong phủ Thăng Hoa, thuộc Thừa Tuyên Quảng Nam đạo, sau đổi thành Quảng Nam trấn (1602), rồi Quảng Nam dinh (1629). Kế đó huyện Hà Đông của phủ Thăng Bình thuộc Nam Ngãi tổng trấn (1814), rồi Hà Đông của phủ Tam Kỳ, thuộc tỉnh Quảng Nam (1906).

Tháng 11 năm Bính Thìn (1916) chính quyền Nam triều trích các tổng thượng du ở 2 phủ Thăng Bình và Tam Kỳ đặt riêng làm một huyện lấy tên là huyện Tiên Phước thuộc tỉnh Quảng Nam.[1] Lúc mới thành lập huyện có 4 tổng (Đông Việt, Phước Giang, Tiên Giang, Tiên Quý), 86 xã[2]:

Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, ta tiến hành hợp xã. Năm 1946, ta hợp xã lần thứ nhất, giảm cấp chính quyền tổng và sáp nhập 86 xã còn lại 51 xã. Xã Ngọc Giáp của huyện cắt giao Tam Kỳ. Các làng Thanh Lâm, Quế Phương, Phú Trà của Tam Kỳ được sáp nhập vào Tiên Phước. Cuối năm 1947, ta hợp xã lần thứ hai, cả huyện còn lại 14 xã, gồm: Tiên An, Tiên Cảnh, Tiên Châu, Tiên Hồ, Tiên Hiệp, Tiên Kỳ, Tiên Lập, Tiên Lãnh, Tiên Mỹ, Tiên Ngọc, Tiên Phong, Tiên Quang, Tiên Sơn, Tiên Thọ.

Các làng của Tiên Phước cắt về Tam Kỳ nhập với số làng nhỏ thành xã Tam Phước như An Toán, Cẩm Khê, Đông Lộc, Kỳ An, Khánh Mỹ, Khánh Lộc, Lai Cách, Lam Điền, Lộc Sơn, Mỹ Thành, Ngọc An, Phú Đông, Phú Thị, Phú Nghĩa, Quy Lộc. Riêng 2 xã Phương Đông, Dương Yên (nay là xã Trà Đông, xã Trà Dương của huyện Bắc Trà My) cũng thuộc huyện Tiên Phước.

Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi tên Tiên Hồ thành Phước Long, sau đó tách giao về Tam Kỳ đổi tên thành Kỳ Phước. Ngày 24-6-1958 chính quyền Ngô Đình Diệm ra Nghị định 335-NCPG, theo đó huyện Tiên Phước đổi thành quận Tiên Phước, có 15 xã, và tên gọi các xã lấy chữ Phước làm từ đầu của tên gọi như Tiên Kỳ đổi thành Phước Kỳ, Tiên Mỹ đổi thành Phước Mỹ v.v… Riêng Tiên Lập, địch chia thành 2 xã Phước Lộc và Phước Hiệp. Chúng đổi Tiên Hiệp thành Phước Lâm, Tiên Châu thành Phước Hòa, Tiên Lãnh và Tiên Ngọc gộp chung thành Phước Châu.

Năm 1962, địch cắt các xã Phước Lâm, Dương Yên, Phương Đông, Trà My, Phước Châu, Phước An thành lập quận Hậu Đức, đóng đồn tại Trà My. Đến năm 1964, chúng rút về đóng đồn và quận lị Hậu Đức tại Phước Lâm. Đối với ta, các xã này vẫn thuộc huyện Tiên Phước.

Tháng 7 năm 1969, ta quyết định cắt 3 xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà của Tiên Phước, các xã Bình Lâm, Thăng Phước của Thăng Bình và các xã Sơn Tân, Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn An, Sơn Hòa của huyện Quế Sơn để thành lập một huyện mới, lấy tên Quế Tiên, cho phù hợp với điều kiện địa dư, dân số và yêu cầu chỉ đạo trong tình hình chiến tranh.

Sau giải phóng 1975, các xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà, được trả lại về Tiên Phước. Tháng 6-1977 ta nhập 2 xã Tiên Cẩm và Tiên Hà thành xã Tiên Quang. Năm 1981, tách Tiên Quang thành 2 xã Tiên Cẩm và Tiên Hà. Thực hiện Quyết định 79 của HĐBT, ngày 23/9/1981 về việc phân tách địa giới giữa huyện Tiên Phước và huyện Trà My, theo đó xã Tiên Minh của huyện Tiên Phước được giao về huyện Trà My. 

Như vậy, kể từ năm 1981 trở đi, huyện Tiên Phước có 15 xã: Tiên Mỹ, Tiên Phong, Tiên Thọ, Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên An, Tiên Hiệp, Tiên Cảnh, Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Châu, Tiên Cẩm, Tiên Hà, Tiên Sơn, Tiên Kỳ. Ngày 01-01-1997, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được tách thành 2 đơn vị: tỉnh Quảng Nam và Thành phố Đà Nẵng. Từ đây, huyện Tiên Phước trực thuộc tỉnh Quảng Nam.

Sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, đến nay huyện Tiên Phước có 14 xã, 1 thị trấn.

II. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ HUYỆN TIÊN PHƯỚC 

1. Quá trình truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lê nin đến Tiên Phước 

Ngày 03/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã đánh dấu bước ngoặc quan trọng trong tiến trình cách mạng của Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào yêu nước khắp nơi trong cả nước đã nổ ra và từng bước giành thắng lợi.

Ở  Quảng Nam nói chung và Tiên Phước nói riêng, trong những năm 1936 - 1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ đã diễn ra mạnh mẽ. Lúc này, có một số chiến sĩ Cộng sản ở Quảng Ngãi bị địch khủng bố đã chạy đến lánh cư tại Tiên Thọ, trong đó có đồng chí Lê Tịnh. Tại Tiên Thọ, các đồng chí Vương Danh, Trần Ngọc Chương, Nguyễn Mỹ đã đến tìm hiểu và được đồng chí Lê Tịnh tuyên truyền về Đảng, nên đường lối của Đảng bắt đầu thâm nhập vào Tiên Phước.

Tháng 11 năm 1937, Tỉnh uỷ Quảng Nam phân công đồng chí Khưu Thúc Cự đến hoạt động và gây dựng cơ sở tại Tiên Phước. Đồng chí Cự đã đến gặp các đồng chí Triệu Thống, Triệu Thị Dân, Bùi Thị Lạng ở Địch Yên (Núi Đốc) để tuyên truyền cách mạng vô sản, tuyên truyền về Đảng. Đồng chí Khưu Thúc Cự đã chuyển cho đồng chí Triệu Thống một số tài liệu, sách báo như “tư bản luận”, “chủ nghĩa tư bản giẫy chết”, “vấn đề dân cày”, báo Tin tức, báo dân…Ngoài nhóm Triệu Thống, đồng chí Cự cũng đã bắt mối liên lạc với các nhóm Vương Danh ở Tiên Thọ, Phạm Bằng ở Tiên Cảnh.

Tại Phú Lâm (Tiên Sơn), Xứ ủy Trung kỳ giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Tuất và Huỳnh Lắm xây dựng lò chén để giải quyết kinh phí cho Đảng hoạt động. Lò chén Phú Lâm không chỉ là nơi sản xuất kinh doanh mà còn cùng với hiệu sách Việt Quảng là cơ sở liên lạc của Xứ uỷ và Tỉnh uỷ.

Trong những năm 1936 - 1939, phong trào đọc sách báo Đảng công khai ở nơi đông người, đã phát triển sâu rộng trong nhóm thanh niên có học ở Địch Yên, Tài Đa, Hữu Lâm, Cây Cốc, Tích Phước, Thạnh Bình, Cẩm Y… Nhiều thanh niên đã trở thành cán bộ cốt cán của Đảng sau này.

Năm 1940, đồng chí Nguyễn Thị Phi được chi bộ Mỹ Sơn (Tam Kỳ) phân công vận động quần chúng thị xã Tam Kỳ và Tiên Phước tham gia các hoạt độg cách mạng. Tại Mỹ An, đồng chí đã xây dựng một nhóm quần chúng gồm ông Thời, chị Hạnh, chị Minh. Tại chợ Tiên Phước, có 2 chị em chị Mực là cơ sở nòng cốt. Tại Tiên Bình, tháng 8/1941 chị Phi bắt mối liên lạc với Nguyễn Mau, Nguyễn Thìn, Trần Thế Tửu.

Như vậy, thông qua hoạt động tuyên truyền của các Đảng viên Cộng sản và sách báo Đảng, Chủ nghĩa Mác -Lênin đã được truyền bá đến nhân dân Tiên Phước, nhiều cơ sở cách mạng đã manh nha hình thành, tập hợp được các tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến. 

2. Sự ra đời của các chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Tiên Phước

Đầu năm 1941, từ cơ sở Phạm Bằng, đồng chí Nguyễn Sắc Kim đã lập ra chi bộ Thạnh Bình (Tiên Cảnh) gồm có: Phạm Bằng, Lê Quyên, Đào Trợ, Huỳnh Hoá do đồng chí Phạm Bằng làm Bí thư - Đây là chi bộ Đảng đầu tiên của huyện.

Tiếp đến, ngày 5/12/1941, chi bộ cộng sản Tài Đa (Tiên Phong) được thành lập lấy bí danh là chi bộ Triều Tiên, gồm có Nguyễn Huyên (Bí thư), Phạm Vịnh, Võ Tuệ. Chi bộ Triều Tiên đã phát triển được một tổ quần chúng gồm có: Lê Thảng, Lê Thị Ban, Nguyễn Hầu, Nguyễn Thứ, Nguyễn Thị Hoàng, Trương Thị Ngọc Lan, Lê Thị Toản do đồng chí Nguyễn Huyên làm tổ trưởng.

3. Vì độc lập, tự do, nhân dân Tiên Phước theo Đảng, nhất tề xông lên đập tan xiềng xích nô lệ, làm cách mạng tháng Tám thắng lợi

Trước tình hình thế giới và trong nước chuyển biến mau lẹ, tháng 5/1945, hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng tại bến đò ông Đốc (Đại Lộc) đã chỉ thị về việc “mở rộng và củng cố mặt trận Việt Minh, phát triển mạnh các đoàn thể cứu quốc từ làng, xã đến huyện, phát triển nhiều đội tự vệ vũ trang, đẩy mạnh huấn luyện, rèn sắm vũ khí, xây dựng căn cứ du kích của tỉnh liên hoàn từ Tiên Phước – Quế Sơn…”. 

Ở Tiên Phước, 6 tổ chức Việt Minh được thành lập ở Thạnh Bình, Tiên Bình, Sơn Yên, Cây Cốc, Tài Đa, Cẩm Y và phát triển được một cơ sở tại huyện đường. 

Công tác huấn luyện tự vệ được chú trọng, các đồng chí Nguyễn Cừ, Nguyễn Phương, Nguyễn Huân - hội viên cứu quốc ở Sơn Yên được đồng chí Nguyễn Chế đưa đi huấn luyện tại Thăng Bình. Công tác tập hợp lực lượng được tiến hành khẩn trương, mạnh mẽ bằng nhiều hình thức trong các tầng lớp nhân dân, như: tại Tân An Tây, nhóm thanh niên gồm Vương Danh, Trần Ngọc Chương, Phan Cống lập hội truyền bá quốc ngữ để nắm quần chúng, người đi học rất đông. Ta bí mật đưa người vào nắm các tổng đoàn, xã đoàn của tổ chức thanh niên Phan Anh để biến thành lực lượng cách mạng.

Để chuẩn bị khởi nghĩa, Tỉnh uỷ phân công đồng chí Huỳnh Đắc Hương trực tiếp chỉ đạo Tiên Phước. Đồng chí đã thành lập Ban vận động khởi nghĩa gồm Huỳnh Đắc Hương, Phạm Bằng, Nguyễn Huyên và Phạm Toàn. Các đồng chí trong Ban vận động khởi nghĩa được phân công về hoạt động ở các tổng để phát triển thêm lực lượng cứu quốc và luyện tập quân sự.

Ngày 14/8/1945, Tỉnh ủy họp tại Tam Xuân, hội nghị nhận định thời cơ khởi nghĩa đã đến, phải hành động kịp thời và kiên quyết. Hội nghị quyết định phát động toàn dân tham gia khởi nghĩa trong phạm vi toàn tỉnh.

Ngày 18/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa Tiên Phước nhận được lệnh khởi nghĩa của Uỷ ban cứu quốc Việt Minh Vụ Quang (mật danh của Tỉnh uỷ Quảng Nam). Lúc này, các tổ Việt Minh ở các tổng có đông đảo quần chúng trang bị dáo mác, gậy gộc, trống giong cờ mở kéo về huyện lị. Sau khi cướp chính quyền ở tỉnh lị Hội An xong, đêm 18/8/1945 đoàn xe của lực lượng vũ trang tỉnh do đồng chí Võ Toàn chỉ huy cùng đồng chí Phan Thị Nễ đã lên Tiên Phước, tiến công huyện đường, bắt sống huyện trưởng Đào Quỳ. Đồng  chí Phạm Bằng và Huỳnh Đắc Hương đứng ra tiếp quản chính quyền huyện ngay trong đêm ngày 18/8/1945. Cuộc khởi nghĩa kết thúc thắng lợi. 

4. Thành lập Đảng bộ huyện Tiên Phước

Ngay sau khi giành được chính quyền, nhiệm vụ cách mạng cấp bách lúc này là phải nhanh chóng xây dựng bộ máy hành chính từ huyện đến xã, nhằm làm nhiệm vụ bảo vệ và phát huy thành quả cách mạng.

Tại huyện, đồng chí Huỳnh Đắc Hương đã chủ trì hội nghị thành lập Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời. Sau đó, dưới nhiều hình thức khác nhau chính quyền cách mạng được thiết lập hầu hết ở các xã. Ngày 26/8/1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng huyện ra mắt toàn dân được đông đảo nhân dân ủng hộ nhiệt liệt. Chính quyền huyện tập trung nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng. Một bộ phận trong lực lượng Cao Đài và Việt Nam Quốc dân đảng có ý đồ chống đối, phá hoại chính quyền cách mạng đã bị kiềm chế, ngăn chặn kịp thời. Một số phần tử có thái độ chống đối rõ rệt đã bị bắt giữ. Một số kẻ lợi dụng tôn giáo để tung ra những luận điệu phản cách mạng, đã được chính quyền cách mạng can thiệp, giải thích rõ với nhân dân.

Về mặt tổ chức Đảng, sau cách mạng tháng 8/1945 Tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) của huyện Tiên Phước do đồng chí Nguyễn Duy Đề làm Bí thư. Từ tháng 3/1946 trở đi một số chi bộ Đảng mới được thành lập. Vì số lượng đảng viên còn ít nên có nơi hai ba xã ghép lại thành một chi bộ, như chi bộ Thạnh Bình, Tiên Bình - Mỹ An, Trần Khuê - Xuân Sơn, Cẩm Y - An Tráng.

Ngày 16/6/1946, hội nghị thành lập Huyện ủy Tiên Phước họp tại trụ sở Mặt trận Việt Minh (trước đây là trụ sở của thanh niên Phan Anh, gần trung tâm UBND huyện ngày nay). Huyện ủy được Tỉnh ủy chỉ định do các đồng chí Huỳnh Hoà (Bí thư), Phan Toản (Phó Bí thư), Trương Minh Lý (uỷ viên). Liền sau đó, các chi bộ Đảng ở các xã được hình thành.

Mặc dù Đảng bộ còn rất ít đảng viên, nhưng sự ra đời của Đảng bộ huyện đã làm chỗ dựa vững chắc của phong trào cách mạng huyện nhà, thông qua Mặt trận Việt Minh rồi Mặt trận Liên Việt các chủ trương, chính sách của Đảng bộ huyện đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng tích cực, tạo tiền đề cho Đảng lãnh đạo thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn tiếp theo trên địa bàn huyện.

III. ĐẢNG BỘ HUYỆN TIÊN PHƯỚC LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC (1945 - 1975)

1. Xây dựng Tiên Phước thành hậu phương vững chắc của chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954)

Nằm trong vùng tự do của chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiên Phước trở thành nơi tiếp cư, cưu mang, đùm bọc, chở che, nhường cơm xẻ áo cho đồng bào các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình lánh cư trong giai đoạn tiêu thổ kháng chiến; huyện còn vinh dự thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong việc giúp đỡ, bảo vệ an toàn cho các đơn vị chiến đấu của nước bạn Lào và Campuchia đóng quân.

Nhân dân Tiên Phước vừa là lực lượng tại chổ giúp đỡ, hỗ trợ để đảm bảo hoạt động cho các cơ quan của Tỉnh đóng trên địa bàn huyện như: Uỷ ban kháng chiến – Hành chính tỉnh, trường Thiếu sinh quân, trại sản xuất, các công binh xưởng, xưởng giấy, xưởng hoá chất, các bệnh viện dân y và quân y… đồng thời vừa là lực lượng bảo vệ an toàn cho hoạt động cách mạng trên địa bàn; ngăn cản sự dò la, đánh phá của mật thám Pháp và các thế lực thù địch trên địa bàn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và mặt trận, phong trào cách mạng của nhân dân Tiên Phước tiếp tục được phát huy. Tiên Phước cùng với cả tỉnh vừa ra sức giữ vững vùng tự do, vừa ra sức chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Để giữ vững vùng tự do, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo, tập hợp tất cả các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết vững chắc, là lực lượng hùng hậu để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Những chủ trương của Đảng được chính quyền và mặt trận huyện tổ chức truyền đạt thông qua các đoàn thể cứu quốc như thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, phụ lão, hội mẹ, chị chiến sĩ .., thi đua thực hiện hết sức sôi nổi, tạo thành phong trào hành động cách mạng mạnh mẽ, triệt để. 

Tích cực chi viện cho tiền tuyến, hàng nghìn người dân Tiên Phước nối tiếp đợt này qua đợt khác tham gia đi dân công hoả tuyến để vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ kháng chiến chống Pháp ở tận Tây Nguyên, Hạ Lào.  Nhiều thanh niên hăng hái bước qua “cầu vinh quang” gia nhập đội quân Nam tiến; nhiều đơn vị vũ trang được đưa đi dự chiến ở các huyện Đại Lộc, Điện Bàn… và đã có nhiều người ngã xuống vì nghĩa vụ thiêng liêng. Đối với những người dân ở tại quê nhà từ cụ già cho đến em bé cũng tích cực tham gia nhiệm vụ cách mạng: phòng gian, bảo mật, bảo vệ an toàn cho hoạt động của các cơ sở cách mạng của tỉnh, huyện. Bên cạnh, là việc tăng gia sản xuất theo hướng tự cấp, tự túc, tích cực đóng góp về của cải, vật chất cho công cuộc kháng chiến bằng tất cả những gì hiện có của bản thân và từng gia đình người dân, góp phần để huyện Tiên Phước làm tốt nhiệm vụ căn cứ địa kháng chiến của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Nhất là trong giai đoạn chuẩn bị tổng phản công, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, nhân dân Tiên Phước tích cực thực hiện cuộc tổng động viên, hàng trăm con trâu, hàng trăm tấn thóc được đóng góp vào kho. Thực hiện góp “quỹ chuyển mạnh”, nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt, có gia đình tự nguyện đóng góp 1/3 gia sản cho cách mạng.

Như vậy, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Tiên Phước là hậu phương, căn cứ địa vững chắc đóng góp sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng toàn thắng.

2. Đảng bộ huyện lãnh đạo công cuộc đấu tranh kiên cường chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975)

2.1  Kiên quyết đấu tranh đòi Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ

Bước sang năm 1954, đế quốc Mỹ đã nhảy vào miền Nam thay chân Pháp xâm lược nước ta, tình hình đấu tranh cách mạng vô cùng khó khăn. Lợi dụng thời gian hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, kẻ thù đã gây ra nhiều tội ác đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện nhà. Lúc này, tổ chức Đảng phải rút vào hoạt động bí mật với phương pháp “khéo công tác, khéo che giấu lực lượng”, lãnh đạo nhân dân mềm dẻo đấu tranh chính trị với kẻ thù vừa “có lý, có lợi và có chừng mực” để tránh bị tổn thất. Song trước sự nham hiểm của kẻ thù nhiều cơ sở cách mạng bị lộ, hàng trăm cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên đã bị kẻ thù bắt tù đày, tra tấn và giết hại. 

Hơn lúc nào, tinh thần hy sinh vì tổ quốc, trung thành với Đảng được thể hiện cao độ. Hàng trăm đảng viên, cán bộ và quần chúng trung kiên hy sinh bản thân, gia đình để bảo vệ đồng đội, bảo vệ cách mạng. Tiêu biểu cho khí phách anh hùng của người chiến sĩ cộng sản, đó là 20 đồng chí bị địch bắt tù đày Côn Đảo mặc dù bị tra tấn dã man nhưng không hề bị khuất phục. Nhiều đồng chí là tấm gương sáng cho sự đấu tranh kiên quyết như Đào Em, Nguyễn Liệu, Nguyễn Hữu Ngọc….đã làm khiếp vía quân thù.

Trước làn sóng đấu tranh cách mạng ngày càng dâng cao, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và bọn phản động Quốc dân đảng điên cuồng khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng bằng nhiều thủ đoạn man rợ, đẫm máu. Nhất là vụ thảm sát hơn 330 đồng chí, đồng bào ta trong cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ tại Cây Cốc (Tiên Thọ) vào cuối tháng 9/1954; vụ thảm sát hàng trăm cán bộ, đảng viên, quần chúng trung kiên tại Hầm Heo Gò Vàng (Tiên Sơn), Đồng Trại (Tiên Cẩm) vào cuối năm 1955. Tiếp đến những năm 1959 – 1960 với Luật 10/59, chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm đã lê máy chém đi khắp miền Nam với thủ đoạn “giết lầm hơn bỏ sót” hòng khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng, trong đó Tiên Phước cũng là một trong những trọng điểm đánh phá của chúng. Tuy nhiên, tất cả những thủ đoạn phi nhân tính của chúng đều bị thất bại, không những không khuất phục được ý chí  trung kiên của những người cộng sản mà càng làm bốc cao ngọn lửa căm thù giặc trong lòng người dân Tiên Phước.

2.2 Tổ chức lại lực lượng, tiến công đánh bại các kế hoạch chiến tranh của Mỹ - nguỵ, tiến lên giải phóng hoàn toàn quê hương năm 1975

Tháng 1/1959, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời đã tạo bước chuyển biến đột phá của phong trào cách mạng huyện nhà trong tình hình mới. Huyện uỷ được củng cố, đề ra chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang. Tháng 10/1961, lực lượng vũ trang huyện phối hợp với lực lượng vũ trang của tỉnh vượt sông Tranh giải phóng 2 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, đây là thắng lợi to lớn khởi đầu cả thời kỳ đồng khởi, có ý nghĩa trước mắt và lâu dài. Từ đây, Tỉnh uỷ và Huyện uỷ Tiên Phước có đất đứng chân làm bàn đạp, chủ động tiến công mở rộng vùng giải phóng.

Tháng 9/1962, quân và dân Tiên Phước phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh tiến công giải phóng 3 xã: Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà. Thắng lợi này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bước đầu ta đã đập tan âm mưu xây dựng ấp chiến lược của địch, từ đây cách mạng đã làm chủ được một vùng rộng lớn để phát triển lực lượng ra các huyện đồng bằng.

Sau những thất bại liên tiếp, địch tập trung lực lượng lớn, có lúc lên đến 16 tiểu đoàn, cùng với vũ khí hiện đại như máy bay, xe tăng, pháo tầm xa…Chúng liên tiếp mở những cuộc càn quét lớn như “Lam Sơn 7”, “Lam Sơn 8”, đỉnh cao là chiến dịch “Bình Châu”, “Dân Chiến” đánh vào vùng cách mạng hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. Bên cạnh, địch ra sức dồn dân, lập ấp chiến lược với âm mưu tách nhân dân ra khỏi lực lượng cách mạng. 

Chủ động đối phó với địch, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo, phát huy thế mạnh của chiến tranh nhân dân, kết hợp chiến tranh du kích, đấu tranh chính trị và linh hoạt thực hiện phương châm “2 chân 3 mũi giáp công” trên chiến trường ….từng bước làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh; phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Tháng 3/1965, Mỹ trực tiếp đưa quân viễn chinh vào miền Nam nước ta. Tại Tiên Phước, quân Mỹ đóng chốt tại một số điểm cao, từ đó chúng càn quét, bắn phá liên miên vào làng xóm. Bên cạnh, chúng tăng cường vũ khí huỷ diệt như sử dụng máy bay B52 thả bom hàng loạt, rải chất độc hoá học xuống vùng giải phóng của ta nhằm biến thành vùng đất trắng.

Sự can thiệp của quân Mỹ, bước đầu gây không ít khó khăn, lo lắng trong quân và dân ta. Tuy nhiên, Đảng bộ đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân đúc kết kinh nghiệm, sáng tạo những biện pháp đánh giặc linh hoạt, hiệu quả ở khắp mọi nơi. Kết quả, bộ đội, du kích đã thi đua giành nhiều chiến công vẻ vang, nhiều chiến sĩ được tặng danh hiệu “dũng sĩ diệt Mỹ”, “dũng sĩ quyết thắng”, “dũng sĩ diệt máy bay”… Nhiều chiến thắng oanh liệt làm nức lòng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân như chiến thắng Núi Ngang, chiến thắng đồi tranh Ba Xã…

Mặc dù, Chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ đã bị phá sản, song đế quốc Mỹ vẫn chưa từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta, tiếp tục leo thang chiến tranh. Trong những năm 1969 – 1973, đế quốc Mỹ âm mưu thực hiện kế hoạch “Việt Nam hoá chiến tranh” với dã tâm “dùng người Việt đánh người Việt”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Lúc này, địch tăng cường đôn quân bắt lính và lấn đất dồn dân, xúc tát dân về các khu dồn, đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, sử dụng bọn “Mỹ lết”, tàu rọ…để phục kích, sát hại cán bộ, chiến sĩ ta hòng lung lạc ý chí cách mạng trong nhân dân ta.

Trước thủ đoạn mới của địch, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quyết chí “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”. Mỗi người dân địa phương lúc này là một chiến sĩ kiên trì trụ bám làng xã “một tấc không đi, một li không rời” bền bĩ đấu tranh với các hoạt động xúc tát, dồn dân của địch, đánh bại kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của Mỹ - Nguỵ. 

Năm 1972, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, ở Tiên Phước được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang tỉnh, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo lực lượng vũ trang địa phương mở chiến dịch tiến công giải phóng và làm chủ huyện lị trong 1 tháng. Huyện lị Tiên Phước được giải phóng đã góp phần phá vở tuyến phòng thủ bảo vệ từ xa của tỉnh lị Quảng Tín, đồng thời phát triển thế và lực mới của phong trào cách mạng huyện nhà trong giai đoạn tiếp theo.

Ngày 27/01/1973, trước sự thắng lợi của ta trên khắp chiến trường miền Nam, buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, rút quân về nước.

Thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, kết hợp đấu tranh chính trị, binh vận với hoạt động quân sự, quân dân Tiên Phước tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh toàn diện trên tất cả các mặt trận, từng bước giành thắng lợi bộ phận tiến đến tổ chức tổng phản công giải phóng hoàn toàn quê hương vào ngày 10/3/1975.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, hy sinh nhưng cực kỳ anh dũng, phối hợp với hoạt động của chủ lực Tỉnh và Khu, quân dân Tiên Phước đã đánh địch 17.858 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 34.851 tên địch, bắt sống 1.071 tên, phá hủy 72 xe tăng và xe quân sự, bắn rơi 42 máy bay, thu 2.028 súng các loại, đánh tan 72 cứ điểm, xóa sổ nhiều đơn vị của địch từ trung đội đến liên đoàn. Quân dân Tiên Phước đã góp phần xứng đáng vào chiến công chung của cả Tỉnh, vào chiến công chung của toàn miền Nam anh hùng, được phong tặng danh hiệu “mảnh đất thánh” của cách mạng Khu 5.

IV. LÃNH ĐẠO KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, CÙNG CẢ NƯỚC TIẾN HÀNH CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC TỪ NĂM 1975 ĐẾN NAY

1. Khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình xã hội sau chiến tranh. Xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất mới, phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội (1975 - 1985)

Sau năm 1975, toàn Đảng, toàn dân huyện Tiên Phước bắt tay xây dựng lại quê hương bị chiến tranh tàn phá nặng nề: 4/5 diện tích đất đai bị hoang hoá, đầy rẫy bom mìn, trên 2000 người bị thương tật, hơn 28.000 người phiêu bạt khắp nơi trở về quê hương với 2 bàn tay trắng: không nhà cửa, không lương thực, không công cụ sản xuất….phải gầy dựng lại cuộc sống từ đầu.

Trước tình hình đó, Đảng bộ huyện đã tích cực lãnh đạo thực hiện khẩn trương nhiều biện pháp đáp ứng yêu cầu bức thiết về ăn, mặc ở, học hành, chữa bệnh…của nhân dân. Đồng thời tổ chức nhiều phong trào cách mạng sôi nổi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội.

Sau 3 năm, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương, tình hình xã hội nhanh chóng ổn định, cơ bản đã giải quyết dứt điểm nạn đói, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh đang bùng phát tại cộng đồng và giải quyết xong các tàn dư của chế độ cũ, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự trị an xã hội và nhiều công tác khác.

Sau một thời gian ổn định tình hình xã hội, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trên toàn huyện, đẩy mạnh thực hiện nếp sống mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. 

Quán triệt thực hiện chủ trương của Đảng bộ huyện, tất cả các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ huyện đến xã tập trung đẩy mạnh xây dựng quan hệ sản xuất mới trong đó chú trọng tập thể hoá tư liệu sản xuất đồng thời với việc tập trung lực lượng sản xuất vào các hợp tác xã theo con đường sản xuất tập thể. Tiêu biểu trong giai đoạn này trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là phong trào xây dựng các HTX nông nghiệp. Đến năm 1982, đã có 9.878 hộ (44.001 khẩu) vào hợp tác xã. Việc tập hợp lực lượng của tất cả các tầng lớp nhân dân vào con đường làm ăn tập thể đã đạt được nhiều kết quả. Nhất là việc xây dựng các công trình công cộng, tiêu biểu giai đoạn này là việc xây dựng đường sá giao thông, thuỷ lợi…; 18 công trình thuỷ lợi kiên cố, trong đó có 2 công trình trung thuỷ nông: Đá Vách (Tiên Cảnh) và Đá Bàn (Tiên Minh nay xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My) được xây dựng.

2. Lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới (1986 đến nay)

Công tác xây dựng Đảng tiếp tục được chỉ đạo toàn diện và đạt nhiều kết quả. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận,... của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy. Chú trọng củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đến nay, toàn huyện có 2.476 đảng viên, hàng năm phát triển đảng viên mới đạt kế hoạch đề ra. Hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chuyển biến tích cực, các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, nhiều mô hình, phần việc hay, có ý nghĩa được nhân rộng và lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Cơ cấu lại nền kinh tế và đầu tư công theo hướng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đột phá, ưu tiên cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Về sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giá trị ước đạt 298 tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị thương mại - dịch vụ ước đạt 1.465 tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng 16,83% so với cùng kỳ năm 2023. Tập trung hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch vùng huyện Tiên Phước giai đoạn đến năm 2030; hoàn thiện quy hoạch chung thị trấn Tiên Kỳ và vùng phụ cận đến năm 2030 và 2045, Quy hoạch chung xây dựng xã đến năm 2030. Thực hiện công bố, công khai hồ sơ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2024; lập hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp 09 huyện miền núi của huyện Tiên Phước. 

Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đến nay huyện đã cơ bản hoàn thành 7/9 tiêu chí nông thôn mới cấp huyện; 14/14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 18/77 thôn đã được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu và thôn NTM kiểu mẫu. Hai xã Tiên Cảnh, Tiên Phong thực hiện đạt 19 tiêu chí/75 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao. Chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng thị trấn Tiên Kỳ đạt chuẩn văn minh đô thị theo bộ tiêu chí mới được ban hành tại Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg, ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ ( Đến nay đã đạt 04/9 tiêu chí; 05 tiêu chí còn lại trung bình đạt trên 70%). Đối với OCOP, tập trung xây dựng Dự án vùng nguyên liệu tập trung, gắn với phát triển chuỗi sản phẩm OCOP trái Măng cụt, trái Lòn bon trên địa bàn huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ được tăng cường, có những dấu ẩn nổi bật, góp phần chỉnh trang đô thị, phục vụ dân sinh và tạo đột phá trong phát triển KT - XH. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng của huyện, nhất là hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi, giáo dục, thiết chế văn hóa, thể thao, trụ sở cơ quan hành chính,… đã được đầu tư khang trang. Mạng lưới giao thông được xây dựng, nâng cấp, kết nối thông suốt đến 15 xã, thị trấn và đến tận các thôn trên địa bàn; đặc biệt, tuyến đường Quốc lộ 40B nối liền Tiên Phước - Tam Kỳ tạo mối liên hệ giao thương giữa Tiên Phước với các huyện đồng bằng, các khu kinh tế và đô thị Tam Kỳ. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp 36 công trình đập, 43,6 km kênh mương, hệ thống tưới tự chảy, giếng đào, giếng khoan quy mô nhỏ, giải quyết nước tưới cho kinh tế vườn, trang trại và nâng diện tích chủ động nước tưới trên cây lúa đạt trên 50%. 

Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường được chú trọng. Tập trung hoàn thành quy hoạch sử dụng đất huyện Tiên Phước giai đoạn 2021-2030. Chỉ đạo tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm trên địa bàn huyện[3] và tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư tại Khu tái định cư Tiên An, Khu phố mới Phước An, Cụm Công nghiệp Tài Đa, Tiên Phong,… Chỉ đạo UBND huyện hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030, Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 và 2024; tăng cường công tác quản lý sử dụng đất công; tổ chức rà soát, đề nghị tỉnh chỉ đạo xử lý đối với các vi phạm về sử dụng đất, trật tự xây dựng của các xưởng may gia công tại các địa phương. Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên - môi trường, đẩy mạnh công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, đất san lấp trái phép; chủ động thực hiện các phương án giải quyết, xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt 87%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết. 

Cùng với phát triển kinh tế, chúng ta đã tập trung đầu tư, chăm lo giải quyết cơ bản nhiều vấn đề trên lĩnh vực Văn hóa - Xã hội. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được tổ chức sôi nổi, với nhiều hoạt động phong phú, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của Nhân dân trên địa bàn huyện; mạng lưới truyền thanh, truyền hình, bưu chính, viễn thông phủ kín đến các xã, thị trấn; tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền chào mừng các sự kiện, các ngày lễ lớn trong năm. Chỉ đạo phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch, đẩy mạnh quảng bá về tiềm năng du lịch Tiên Phước. Huyện đã tổ chức thành công Hội làng Lộc Yên lần thứ 2 và triển khai sản phẩm du lịch Lộc Yên - Thạnh Bình, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài huyện tham gia; tổ chức tốt hoạt động chợ quê Lộc Yên định kỳ mỗi tháng một lần. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được  triển khai thực hiện thường xuyên; các chỉ tiêu danh hiệu về thôn, khối phố văn hóa, gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa đạt chỉ tiêu Nghị quyết. 

Về giáo dục - đào tạo, tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Năm học 2022-2023 tỷ lệ học sinh giỏi, khá có hạnh kiểm tốt tăng; xét tốt nghiệp THCS đạt tỷ lệ 99,8%, tốt nghiệp THPT đạt 98,04%. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được thực hiện thường xuyên, nâng tổng số trường đạt chuẩn và kiểm định chất lượng hiện nay lên 41/45 trường. Công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm, thực hiện tốt[4]

Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đảm bảo; các chương trình, phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc cho người có công với cách mạng được đẩy mạnh, thực hiện chu đáo[5]. Triển khai hiệu quả chương trình, kế hoạch giảm nghèo năm 2023 và các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; toàn huyện tiếp tục giảm được 75 hộ nghèo, 56 hộ cận nghèo, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện nay còn 3,42%). Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm thực hiện tốt; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân thực hiện đảm bảo; chỉ đạo thực hiện tốt xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế[6], các chương trình quốc gia về y tế và tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân năm 2023 là 3,58% mức giảm 0,41%, thể thấp còi là 3,7%, mức giảm là 0,6%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt khoảng 97,78 % dân số. 

Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, xây dựng chính quyền điện tử được chú trọng thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của nhà nước; tập trung triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn huyện[7]. Bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Tỷ lệ cán bộ công chức huyện, xã đạt chuẩn tăng, bước đầu đã bố trí cán bộ công chức các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập cấp huyện theo Đề án vị trí việc làm. Tổ chức rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2021-2026; 2026- 2031; xây dựng Đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND huyện và các xã, thị trấn. Tập trung triển khai Kế hoạch và xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm giai đoạn 2023-2025. Quốc phòng, An ninh được giữ vững, xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Lực lượng vũ trang địa phương được củng cố, tăng cường, góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 

Kỷ niệm 108 năm Danh xưng Tiên Phước (1916 - 2024) và 78 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Tiên Phước (16/6/1946 - 16/6/2024) là dịp để Đảng bộ và Nhân dân Tiên Phước ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược và quá trình dày công xây dựng quê hương Tiên Phước từ sau năm 1975 đến nay. Đồng thời, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua khó khăn thách thức, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng thành công huyện Nông thôn mới vào năm 2024, tiến đến chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2025-2030.

V. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

1. Nhiệt liệt chào mừng 108 năm Danh xưng Tiên Phước (1916 - 2024) và 78 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (16/6/1946 - 16/6/2024)!

2. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng!

3. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII!

4. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tiên Phước lần thứ XVII!

5. Đảng bộ, quân và dân huyện Tiên Phước ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2024!

6. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!

7. Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!

8.  Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!         

9. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

10. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

-------------------


 

[1] Trích dẫn theo tài liệu tọa đàm khoa học “nghiên cứu xác định năm thành lập huyện Tiên Phước” (do UBND huyện Tiên Phước và Ban vận động thành lập Hội KHLS Quảng Nam tổ chức tại huyện Tiên Phước vào ngày 16-4-2016).

[2] Dẫn theo Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Tiên Phước (1858 – 1975) (NXBCTQG, năm 2014, trang 15,16)

[3] Đường dây 500 KV Quảng Trạch - Dốc Sỏi, Mở rộng Quốc lộ 40B, Trạm biến áp110KV và đấu nối, Khu phố mới Phước An, Đường liên kết vùng miền Trung, Hồ chứa nước Hố khế,… 

[4] Tổ chức xét và trao giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng lần thứ XV năm 2023 cho 131 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu. Kiểm tra, công nhận cộng đồng học tập cấp xã năm 2022 cho 15/15 xã, thị trấn.

[5] Vận động hỗ trợ 2.405 suất quà tặng gia đình người có công, người nghèo, bảo trợ xã hội và trẻ em với tổng kinh phí 1,184 tỷ đồng; đưa 614 đối tượng người có công đi điều dưỡng và 147 lượt đi điều dưỡng tập trung; thực hiện hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 77 hộ gia đình có nhà ở bị hư hỏng nặng với tổng kinh phí 1,54 tỷ đồng.

[6] 15/15 xã, thị trấn giữ vững xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

[7] Huyện xếp vị thứ 5/18 toàn tỉnh về chỉ số cải cách hành chính năm 2023.

Ban Tuyên giáo Huyện uỷ