Danh nhân Tiên Phước

Phan Châu Trinh (1872 - 1926)

BBT 02/01/2025 14:15

Chí sĩ, danh sĩ sinh ngày 09/09/1872, tự là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu là Hi Mã, quê làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, thành phố Tam kỳ, tỉnh Quảng Nam

14645c6f-8ef0-4461-a0cd-30abd3b24598.jpg

Chí sĩ, danh sĩ sinh ngày 09/09/1872, tự là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu là Hi Mã, quê làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, thành phố Tam kỳ, tỉnh Quảng Nam). Năm 1903, Phan Châu Trinh được bổ nhiệm Thừa biện Lễ chính vào năm này. Trong “Phan Châu Trinh niên biểu đồ” Huỳnh Thúc Kháng viết: Năm 1903 đến kinh Đô được bổ nhiệm làm Thừa biện bộ Lễ. Năm này (…) tư tưởng mới nổ bùng và sách vở về tư tưởng mới của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu du nhập vào nước ta. Cuộc chiến tranh Nga-Nhật ảnh hưởng rất nhiều đến thành phần trí thức, trong đó có Phan Châu Trinh.Tuy vậy việc làm quan đối với ông chỉ là việc chẳng đặng đừng, nhất là sau khi đọc được Tân Thư Phan Châu Trinh mới thấy cái sở trường và sở đoản của mình để sau này giúp ông dấn thân vào đường hoạt động cách mạng cứu dân, cứu nước. Sau một năm gần gũi với giới quan trường và triều đình nhà Nguyễn thối nát, Phan Châu Trinh từ chức Thừa biện bộ Lễ. Và cũng từ đó Phan Châu Trinh thật sự dấn thân vào cuộc đời hoạt động cách mạng, công khai chống bọn quan lại tay sai Nam Triều và chính quyền thực dân. Năm 1904, Phan Châu Trinh cùng hai người bạn lòng mà cũng là hai đồng chí (Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp) phát động phong trào Duy Tân. Sau khi ở Nhật về Phan Châu Trinh cùng các thân sĩ miền Bắc chính thức lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, và tại đây Phan Châu Trinh diễn thuyết nhiều lần, hô hào nhân dân Duy Tân tự cường với khẩu hiệu “Khai trí trị sanh, Tỉnh xa sùng kiệm” nhất là “Phế hán học”… Vào thượng tuần tháng 4/1908, phong trào Duy Tân bộc phát mạnh, mà điểm cao nhất là cuộc biểu tình diễn ra ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam rồi lan khắp nơi từ Thanh Hoá đến Bình Thuận. Đang lúc ấy Phan Châu Trinh ở Hà Nội, bị thực dân Pháp bắt giải về Huế và bị quan lại tay sai Nam Triều kết tội “mưu bạn vị hành” (xử tử phát Côn Lôn ngụ xá bất nguyên); (mưu làm giặc mà chưa làm xử tử đày Côn Lôn, gặp ân xá cũng không tha). Năm 1914, Phan Châu Trinh bị bắt giam ở nhà ngục La- Santé gần một năm (từ tháng 9/1914 đến tháng 7/1915). Trong thời gian ở nhà ngục này Phan Châu Trinh viết Santé thi tập.Gần 10 tháng bị giam tại nhà ngục La Santé, Phan Châu Trinh đã đấu tranh gay gắt và quyết liệt với bọn cai ngục, viên Phó thẩm phán toà án quân sự Paris. Trong thời gian này, ông cũng được sự can thiệp của các nhân vật trong hội Nhân quyền và Dân quyền. Lại một lần nữa thực dân buộc lòng phải trả tự do cho ông. Năm 1922, vua Khải Định được thực dân đưa sang Pháp nhằm tuyên truyền, huyễn hoặc một số người Việt Nam nhẹ dạ và thiếu lập trường chính trị. Nhân cơ hội này, Phan Châu Trinh viết một lá thư gửi thẳng tới Khải Định, trước kể rõ những tội lỗi của Khải Định và sau tố cáo trước dư luận Pháp về chuyến đi ám muội này. Lá thư này, lúc đó được đăng trên báo ở Paris và gây một tiếng vang lớn trong chính trường và dư luận ở Pháp.
Trong thời gian này, Phan Châu Trinh đã nhiều lần tìm cách về nước để dễ bề hoạt động nhưng thực dân vẫn ngoan cố lật lọng; nên đã nhiều lần ông phản kháng mãnh liệt, mà cuối cùng Phan Châu Trinh vẫn không được toại nguyện.
Năm 1925, chính sách thực dân có một vài thay đổi như: Pháp đổi Hội đồng tư phỏng thành Viện dân biểu, có bầu cử hạn chế để bầu dân biểu vào Viện dân biểu Trung Kỳ, nhất là tình hình cách mạng nước nhà có nhiều biến chuyển lớn, Phan Châu Trinh được chấp thuận về Tổ quốc (tháng 6/1925). Cùng về nước với Phan Châu Trinh có Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, tàu vừa cập bến Sài Gòn Phan Châu Trinh được đông đảo đồng bào ở đây đón tiếp long trọng, niềm nở. Về đến Sài Gòn, Phan Châu Trinh ngụ số 54 đường Pellerrin (nhà của ông Huỳnh Đình Điển cho mượn), bên cạnh đó còn có Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Trần Huy Liệu. Từ ngày về nước, Phan Châu Trinh phải làm việc gấp bội, nên trong một thời gian ngắn, bệnh cũ của Phan Châu Trinh tái phát trầm trọng (bệnh đau mũi của ông từ Pháp mang về, sau đó biến chứng thành bệnh phổi, rồi kiết lị). Tuy vậy trong thời gian này, Phan Châu Trinh đã tổ chức hai buổi diễn thuyết tại nhà Hội thanh niên Sài Gòn. Bệnh tình của Phan Châu Trinh mỗi lúc một nặng thêm và kiệt lực dần (dù bác sĩ buộc ông đi Vũng Tàu, Sóc Trăng, Trà Vinh… để thay đổi không khí và cũng để trốn khách) “vì có rất nhiều khách đến thăm ông”.Trong thời gian bệnh nặng, Phan Châu Trinh về ở Hóc Môn (nhà của ông Nguyễn An Cư, chú ruột Nguyễn An Ninh) có rất nhiều nhà hoạt động chính trị và chiến sĩ khác đến thăm và chăm sóc như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Trần Huy Liệu. Hai người con gái và con rể (bà Phan Thị Châu Liên, ông Lê Ấm, bà Phan Thị Châu Lan, ông Nguyễn Đồng Hợi) cũng vào săn sóc Phan Châu Trinh. Đến 21h30’ ngày 24/3/1926 Phan Châu Trinh trút hơi thở cuối cùng tại “Khách Quán” số 54 đường Pellerrin Sài Gòn (đường Pellerin nay mang tên đường Pasteur). Để vinh danh ông, tên của Phan Châu Trinh được sử dụng để đặt theo tên đường, tên trường của nhiều tỉnh, thành phố trên đất nước Việt Nam.

Nổi bật
Mới nhất
Phan Châu Trinh (1872 - 1926)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO