Nhân ngày 27/7, nghĩ thêm về bài thơ “Hai đời làm mẹ” của Trầm Hương
Con trở về sau cuộc chiến tranh
Không chàng trai nào đưa tiễn
Không còn nữa lời thề non hẹn biển
Mẹ là người duy nhất đón đưa con
Ừ thì con về với mẹ
Ngôi nhà ta bao năm rồi đơn lẻ...
Mẹ hái hoa bưởi về gội tóc cho con đây
Ôi mái tóc xanh dài dưới bàn tay nhăn của mẹ
Vòm ngực con vẫn căng tràn sức trẻ
Mẹ run lên khi chạm vào đôi chân ngà ngọc
của con gửi lại chiến trường
Sự im lặng còn đau đớn hơn ngàn lần tiếng nấc
Con ơi, làm sao mẹ quen được nỗi mất mát nầy!
Bầu trời hòa bình quá cao xanh
Vườn nhà ta sum sê hoa trái
Mẹ thèm khát bồng bế trẻ thơ
- Mẹ ơi! Ai lấy con nữa bây giờ!
Tiếng thở dài theo gió bay đi
Đêm đêm ánh trăng ngập tràn căn phòng trinh nữ
Ngực trần tắm hương đồng cỏ nội
Bầu vú cong như dấu hỏi
Mẹ già quá thì sinh nở
Con còn trẻ sao không lấy được chồng
Bất chấp mất mát
Bất chấp tủi hổ
Và đôi mắt trinh nữ đầm đìa dòng lệ
Lóng lánh dưới trăng khuya...
Rồi một đêm
Có người đàn ông đến với căn phòng trinh nữ kia
Lặng lẽ lẩn vào bóng tối
Bí mật như lời thề.
Ngôi nhà không có trẻ thơ
Sợ nỗi cô đơn và lụi tàn hơn búa rìu dư luận
Ừ thì có chi đâu mà sợ
Con còn trẻ, mẹ lành lặn đôi chân
Mẹ con mình tựa vào nhau mà sống
Con mang thai chín tháng mười ngày
Mẹ mang giùm con suốt đời gánh nặng.
1993
(Rút trong tập Thơ tình các tác giả nữ - NXB Thanh niên)
Victor Hugo cho rằng “Chiến tranh là tội ác”. Khai mào chiến tranh là người có tuổi. Nhưng chính thanh niên mới là người chinh chiến và hy sinh. Người con gái trong bài thơ trở về sau chiến tranh, không chỉ không có người đã từng thề non hẹn biển đón đợi, mà còn không một ai muốn hoặc dám lấy làm vợ khi thân thể cô gái chẳng còn nguyên vẹn. Mất mát hiện hữu, tuổi xuân và sức trẻ của người con gái đáng được yêu thương, trân quý phải chìm trong im lặng – sự im lặng còn đau đớn hơn ngàn lần tiếng nấc. Càng cay đắng, khi trong ngôi nhà đơn lẻ ấy, người mẹ với nỗi thèm khát bồng bế trẻ thơ bấy lâu nay, đành ngậm ngùi gửi Tiếng thở dài theo gió bay đi. Cuộc sống quả không dễ, chẳng còn trớ trêu nào hơn Mẹ già quá thì sinh nở. Con còn trẻ sao không lấy được chồng?!
Không. Thơ là một bức họa để cảm nhận thay vì để ngắm, bởi thơ được khởi phát trong lòng người ta. Và, “Hai đời làm mẹ” cũng thế:
Đêm đêm ánh trăng ngập tràn căn phòng trinh nữ
Ngực trần tắm hương đồng cỏ nội
Nhà thơ nữ Trầm Hương, người đã tự cho mình cái quyền “kiêu hãnh vì được làm đàn bà” đã từng khẳng khái “Phụ nữ viết văn nhờ tinh tế nên cảm nhận, phát hiện được nhiều điều mà đàn ông không “ngửi” tới được! Phụ nữ tuy yếu mềm nhưng trong nhiều tình huống họ trở nên dũng cảm, quyết liệt đến không ngờ”:
Bất chấp mất mát
Bất chấp tủi hổ
Và đôi mắt trinh nữ đầm đìa dòng lệ
Lóng lánh dưới trăng khuya...
Rồi một đêm
Có người đàn ông đến với căn phòng trinh nữ kia
Lặng lẽ lẩn vào bóng tối
Bí mật như lời thề.
Giọng thơ mạnh lên đã xô đi điều tiếng, búa rìu dư luận. Cánh cửa vô hình là vật cản khó để vượt qua, giờ không còn nữa. Lãng mạn đến diệu kỳ, đôi mắt long lanh của trinh nữ lóng lánh dưới ánh trăng khuya. Đúng như Hans Sachs - nhà thơ người Đức từng nói “Tất cả cảm hứng thi ca đều chỉ là giải mã những giấc mơ”. Lúc này đây, người con gái của mẹ được nhắc đến ba lần với một tên gọi khác: “trinh nữ”. Ấy chẳng phải là cố tình sao? Đã quá rõ rành:
Ừ thì con về với mẹ
Ừ thì có chi đâu mà sợ
Con còn trẻ, mẹ lành lặn đôi chân
Mẹ con mình tựa vào nhau mà sống
Con mang thai chín tháng mười ngày
Mẹ mang giùm con suốt đời gánh nặng.
Các từ “Ừ thì”, “Ừ thì” đâu phải là chấp nhận bế tắc mà hé mở sự đón đợi, mong chờ… “Rồi một đêm” – một dấu mốc thời gian, một “sự kiện”, một cái kết có hậu, góp phần “giải quyết” hiện thực nghiệt ngã Ai lấy con nữa bây giờ!, quan trọng hơn thế là chuyện đáp đền, là giá trị nhân văn vẫn luôn tươi mới cho những Con Người xứng đáng được viết hoa.
Ngẫm kỹ, đành rằng những giấc mơ ít nhiều đã được giải mã. Sự sẻ chia đến mức san sẻ, san sớt đã hé lộ niềm vui, niềm tin về một mai với tiếng nói cười của con trẻ, hứa hẹn mang đến sự sống tràn đầy, ấm áp nhưng vẫn còn chút gì nằng nặng. Phải chăng, nữ tác giả Trầm Hương dầu đã “thanh lọc tâm hồn từ những giọt nước mắt sáng trong của những người mẹ, người chị – những bông hoa của đất”, song cái ám ảnh về cả hai đời làm mẹ đều chưa thể và không thể trọn vẹn đã khiến cho độc giả ngậm ngùi, rưng rức. Có thể người mẹ một thời “vọng phu” khi chồng vào Nam chiến đấu, rồi nhận hung tin anh hy sinh, mãi mãi không về. Nay đứa con gái nhỏ noi gương bố, lên đường đánh giặc, ngày trở về với “vết chân tròn trên cát”…
Nhân ngày Thương binh, Liệt sĩ, xin ngẫm lại vần thơ với nén nhang lòng thành kính tri ân đến các thế hệ cha anh đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do, vì sự bình yên cho Tổ quốc hôm nay:
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ,
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm,
Có tuổi hai mươi thành sóng nước,
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”.