Cuộc đời, sự nghiệp cụ Huỳnh Thúc Kháng

Cụ Huỳnh Thúc Kháng và câu chuyện trọng dụng, tập hợp người có nhân cách lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

04/01/2024 10:24

Cụ Huỳnh Thúc Kháng hiệu Mính Viên, tự Giới Sanh, sinh ngày 01 tháng 10 năm 1876 tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam).

Cụ Huỳnh Thúc Kháng vốn nổi tiếng thông minh, học giỏi và sớm đạt giải cao trong các kỳ thi. Năm 1900, cụ đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương (đứng đầu kỳ thi Hương) và đến năm 1904 đỗ Tiến sĩ. Kế thừa truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc Việt Nam, cụ Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà dấn thân vào các hoạt động yêu nước diễn ra sôi nổi những năm đầu thế kỷ XX. Năm 1905, cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng với Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp đi tìm hiểu tình hình thực tế ở phía Nam, xem xét dân tình, sĩ khí, đề xướng tân học và tìm bạn cùng chí hướng. Năm 1906, trở về Quảng Nam khởi xướng, lãnh đạo phong trào Duy tân. Năm 1908, cụ Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt, đày đi tù Côn Đảo suốt 13 năm (1908-1921). Sau khi được trả tự do, cụ Huỳnh Thúc Kháng lại tích cực hoạt động đòi quyền lợi cho dân, cho nước. Năm 1926, ông đắc cử dân biểu rồi được cử làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kì. Trong ba năm hoạt động ở Viện, ông cương quyết tranh đấu trong nghị trường, rồi nhân việc chống lại Khâm sứ Pháp Jabouille, ông từ chức. Năm 1927, ông sáng lập ra nhà in và báo Tiếng Dân, suốt thời gian này, ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo tại Huế cho đến khi tờ báo Tiếng Dân bị đình bản (1943).

Câu chuyện Bác Hồ kiên trì mời bằng được cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ là một ví dụ điển hình và cảm động về sự trọng dụng nhân tài của Bác. Khi cách mạng giành chính quyền thành công, cụ đã 70 tuổi nhưng uy tín và tinh thần yêu nước của cụ vẫn có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Bởi vậy, cuối năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi hai bức điện mời cụ Huỳnh ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, lần đầu cụ từ chối vì tuổi cao sức yếu nhưng lần hai thì cụ đồng ý ra Hà Nội gặp Bác. Ngày 24-2-1946, Ủy ban Hành chính Trung bộ cho xe qua Tòa soạn Báo Tiếng Dân đưa cụ Huỳnh ra Thủ đô. Buổi gặp đầu tiên của hai tấm lòng yêu nước, thương dân thật cảm động và chân thành. Bác Hồ bố trí cho cụ Huỳnh ở ngay trên tầng lầu Bắc Bộ phủ. 

Tại cuộc họp đầu tiên của Quốc hội ngày 2-3-1946, khi giới thiệu danh sách Chính phủ Liên hiệp để Quốc hội thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày:

Bộ Nội vụ: một người đạo đức danh vọng mà toàn quốc dân ai cũng biết: cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Sau đó cụ Huỳnh lại được cử làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Gọi tắt là Hội Liên Việt).

Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, thứ nhất từ phải sang) trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh tư liệu.

Tháng 5/1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, cụ được giao chức vụ Quyền Chủ tịch nước (31/5/1946-20/10/1946). Với cương vị Quyền Chủ tịch nước, cụ Huỳnh đã tham gia giải quyết nhiều công việc, góp phần quan trọng điều hành bộ máy Nhà nước, chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề về đối nội và đối ngoại theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.

Bác Hồ đối với cụ Huỳnh như đối với người thân. Cả trong chuyện thường ngày giữa hai người cũng hóm hỉnh thân tình.

Có một lần vào năm 1946, gặp Bác, cụ Huỳnh ứng tác hai câu thơ ''nhắc nhở'':

Năm mươi sáu tuổi vẫn chưa già

Cụ ông thay, Cụ bà không?

Lúc ấy Bác chỉ cười, nhưng rồi trong thời gian sang Pháp bên cạnh những bức điện văn gửi về hỏi tình hình và thăm cụ Huỳnh, Bác còn có riêng một bài thơ gửi cụ:

Nghĩ rằng ra thơ để trả lời

Nhớ ơn cụ lắm cụ Huỳnh ơi

Non sông một mối chung nhau gánh

Độc lập xong rồi cưới vợ thôi.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (tháng 12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ Huỳnh làm Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Trung để giải thích đường lối kháng chiến, kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ, ủng hộ cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng cụ Huỳnh Thúc Kháng giữ nhiều trọng trách trong Chính phủ là do hoàn cảnh đất nước đang rất cần một người hiền tài có tâm, có tầm, yêu nước mà không phải là cộng sản để có thể quản lý, lãnh đạo Chính phủ và làm trung tâm đoàn kết được đông đảo các tầng lớp, giai cấp, đảng phái và các lực lượng xã hội vào khối đại đoàn kết chung của dân tộc. Theo thỏa thuận ngày 23/12/1945 giữa Việt Minh và các đảng đối lập cùng tham gia xây dựng Chính phủ kháng chiến thì người đứng đầu hai bộ quan trọng là Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng phải là nhân sĩ trung lập. Nhưng, tại sao lại không phải là một nhân sĩ trung lập nào khác được trọng dụng mà lại là cụ Huỳnh Thúc Kháng? Với nhãn quan chính trị vô cùng sắc bén, khôn khéo và nhạy cảm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mời cụ Huỳnh Thúc Kháng từ Trung Bộ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một chí sĩ yêu nước thuộc hàng tiền bối, là bậc đại khoa có danh vọng và uy tín lớn lao. “Việc cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ và giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa giúp cho Chính phủ có thêm một nhân sĩ tài năng, đức độ, do đó củng cố thêm sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, và uy tín của Chính phủ được tăng thêm”. Tuy không có sự thỏa thuận, ràng buộc nào giữa Việt Minh với các đảng phái trong việc ủy nhiệm người giữ chức quyền Chủ tịch nước trong thời gian Người đi vắng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy không thể giao trọng trách đó cho một bộ trưởng nào khác vì sẽ không đoàn kết được các lực lượng xã hội mà có thể còn tạo cơ hội cho các thế lực chống phá cách mạng ra sức công kích, bởi các thế lực này cho rằng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chính phủ cộng sản. Ngoài cụ Huỳnh, cũng không thể giao chính quyền cho người của lực lượng phản động Việt quốc, Việt cách, bởi làm như vậy chẳng khác nào “gửi trứng cho ác”.

 Đầu năm 1947, tiếp tục hành trình đi kinh lý miền Trung, do tuổi cao, sức yếu và lâm bệnh nặng, cụ Huỳnh qua đời tại tỉnh Quảng Ngãi ngày 21/4/1947 trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước. Theo tâm nguyện của cụ, nhân dân đã an táng cụ trên đỉnh núi Thiên Ấn. Nơi đây là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi – "Thiên Ấn niên hà" (Ấn trời đóng xuống sông). Trong cuộc đời mình, có lẽ lần duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho quốc dân đồng bào khi có một người qua đời ấy là khi cụ Huỳnh Thúc Kháng tạ thế: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà Cụ trước đây bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường gian nan cực khổ, nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ chẳng những không sờn, mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm siêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đầu cho dân được tự do, nước được độc lập, đến ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập Chính phủ ta mời Cụ ra. Tuy đã 71 tuổi, nhưng Cụ vẫn hăng hái nhận lời, Cụ nói: “Trong lúc phục hưng dân tộc, xây dựng nước nhà thì bất kỳ già, trẻ, trai, gái, ai cũng ra sức phụng sự Tổ Quốc. Cụ Huỳnh tạ thế, nhưng cái chí vì nước, vì nhà của Cụ vẫn luôn sống mạnh mẽ trong lòng hai mươi triệu đồng bào chúng ta”.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương sáng về lòng yêu nước, ý chí đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc, suốt đời vì nước, vì dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc.Tri ân và ghi nhận công lao, đóng góp to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng, ngày 27/12/2012, Chủ tịch nước đã truy tặng Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý nhất của Đảng, Nhà nước cho cụ Huỳnh.     

Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn sách “Theo 117 Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Ban Tuyên giáo TW, Nxb. CTQG - 2007).

Nổi bật
Mới nhất
Cụ Huỳnh Thúc Kháng và câu chuyện trọng dụng, tập hợp người có nhân cách lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO