Kinh tế

Có thêm thu nhập nhờ trồng rau dớn, rau ranh

NGUYỄN HƯNG 19/10/2024 13:03

Sau khi đi tham quan mô hình trồng rau dớn, rau ranh của hộ dân ở địa phương, hai mẹ con bà Cao Thị Màu, (60 tuổi, thôn 1, xã Tiên Lập), huyện Tiên Phước đi tìm gom cây giống mọc hoang trong rừng, ven sông, suối đưa về trồng trong vườn nhà, bước đầu cho thu nhập ổn định. 

Bà Cao Thị Màu thôn 1, xã Tiên Lập đang thu hoạch rau dớn. Ảnh:N.HƯNG

Rau dớn, rau ranh thường mọc tự nhiên ở những tán rừng thấp có độ ẩm ướt cao và thiếu ánh nắng mặt trời hay nơi bờ suối, bờ khe, trước đây, người ta ít biết về loại rau này. Nhưng những năm gần đây rau dớn, rau ranh trở thành món đặc sản mang hương vị núi rừng thì ngày càng nhiều người tìm mua. Bà Cao Thị Màu cho biết, con trai bà trong một lần đi tham quan mô hình trồng rau dớn của chị Võ Thị Y (xã Tiên Lãnh) về bàn với mẹ đầu tư trồng loại rau này. 

Nghĩ là làm, năm 2022 hai mẹ con bà Màu bắt tay vào cải tạo khu đất rộng khoảng trên 5 sào, dựng giàn, phủ lưới tạo bóng mát để trồng rau dớn và rau ranh. Trong đó, gia đình trồng khoảng 4 sào rau dớn và hơn một sào rau ranh. Nhờ được chăm sóc chu đáo, cộng với nguồn nước từ suối Ồ Ồ từ làng Suối Dưa chảy về nên vườn rau dớn, rau ranh xanh tốt quanh năm. 

Bà Màu cho biết: “Ngoài việc làm đất tơi xốp, lên luống thoát nước, dựng giàn, phủ lưới tạo bóng mát, hai mẹ con còn dùng vỏ trấu giữ ẩm tơi cho đất, che phủ ngăn cản không cho cỏ lên. Cây rau dớn từ khi trồng xuống khoảng hơn hai tháng có thể hái đọt non bán cho thương lái. Trong quá trình cây rau dớn, rau ranh đẻ nhánh thì tỉa bớt, để cây nhanh ra đọt non, thu hoạch được quanh năm”.

Trong quá trình trồng rau dớn, rau ranh bà Màu được giới thiệu vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tiên Phước. Ảnh:N.HƯNG

Rau dớn, rau ranh là món ăn được nhiều người yêu thích, nên cung không đủ cầu, rau khi hái về được thương lái ở địa phương tìm đến thu mua. Mỗi kg rau dớn đượcbà Màu bán với giá 30 nghìn đồng. Doanh thu đem lại cho gia đình khoảng 30 triệu đồng/năm. 

Bà Huỳnh Thị Đào, Tổ trưởng tổ vay vốn, thôn 1, xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước cho hay:Để có nguồn kinh phí phát triển sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt, gia đình bà Màu đã nhiều lượt vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tiên Phước thông qua kênh Hội phụ nữ xã Tiên Lập với số tiền trên 100 triệu đồng. Từ nguồn vốn đó, gia đình tập trung trồng keo, nuôi bò, nuôi heo và đầu tư mô hình trồng rau dớn, rau ranh”.

Những năm gần đây rau dớn, rau ranh trở thành món đặc sản mang hương vị núi rừng thì ngày càng nhiều người tìm mua. Ảnh:N.HƯNG

Được biết đến nay có trên 250 hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã Tiên Lập được tiếp cận nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ trên 15 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay đã giúp chị em mạnh dạng đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Mô hình trồng rau dớn, rau ranh của bà Cao Thị Màu, là một trong những mô hình sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả và thuộc diện hộ mới thoát nghèo. Đây là mô hình nằm trong chương trình “vườn rau sạch” do Hội LHPN xã phát động.

“Có thể nói rằng Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành đòn bẩy giúp người dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững” - Bà Trương Thị Nghĩa, Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước nói.

Nổi bật
Mới nhất
Có thêm thu nhập nhờ trồng rau dớn, rau ranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO